Điều gì xảy ra khi dòng sông băng chuyển sang màu hồng?
Dòng sông băng Presena ở Ý đang chuyển sang màu hồng phấn lãng mạn, nhưng đó không phải là tin tốt lành mà ẩn giấu những hệ lụy khó lường cho môi trường và các sinh vật trên trái đất.
“Tảo tuyết dưa hấu”
Hiện tượng đổi màu được cho là do loài tảo gây ra và việc này sẽ khiến băng tan nhanh hơn, nhà nghiên cứu Biagio Di Mauro, nói với CNN.
Trong khi hiện tượng “tảo tuyết dưa hấu” được ghi nhận khá phổ biến ở dãy Alps vào mùa xuân và mùa hè, nó xuất hiện nhiều dịp hơn trong năm nay.
Khi tìm đến khảo sát dòng sông băng, ông tin rằng một loài tảo tên là Chlamydomonas nivalis là tác nhân chính cho sự thay đổi màu sắc của nơi này.
Vào mùa xuân và mùa hè, lượng tuyết rơi thấp và nhiệt độ khí quyển cao, tạo ra môi trường hoàn hảo cho loài tảo sinh sôi, phát triển.
Loài tảo nở rộ là tin xấu cho sức khỏe của sông băng vì băng có màu tối hơn thì hấp thụ nhiều năng lượng hơn và tan nhanh hơn.
Hệ lụy của biến đổi khí hậu
Di Mauro dự định nghiên cứu chi tiết hơn về hiện tượng này để tìm ra sự cô đặc của loài tảo và lập bản đồ theo dõi việc tảo sinh sôi bằng dữ liệu vệ tinh.
Thông thường, băng phản chiếu hơn 80% bức xạ mặt trời ngược lại bầu khí quyền nhưng loài tảo này che bóng khiến băng hấp thu nhiệt độ và tan nhanh hơn.
Giới nghiên cứu cũng lưu ý rằng sự hiện diện của đông đảo người leo núi và lượng du khách trượt tuyết hàng năm cũng có thể tác động đến tảo, khiến chúng xuất hiện nhiều hơn.
Trước đây, nhà khoa học này từng nghiên cứu dòng sông băng Morteratsch ở Thụy Sĩ, nơi loài tảo Ancylonema nordenskioeldii bỗng chốc biến sông băng thành màu tím kỳ bí.
Loài tảo này cũng đang được tìm thấy ở phía Tây Nam Greenland và ở dãy Himalayas.
Trước đó, khói từ các đám cháy rừng ở Úc đã biến những đỉnh núi và dòng sông băng phủ đầy tuyết trắng tại Úc thành màu nâu kỳ lạ.
Nhìn rộng hơn, ngoài hiện tượng đổi màu khác lạ, tất cả các dòng sông băng trên khắp thế giới đang tan chảy do hậu quả của biến đổi khí hậu.
Vào tháng 10/2019, nghiên cứu cho thấy sông băng ở Thụy Sĩ đã giảm 10% trong 5 năm qua, một điều chưa từng thấy trước đây trong hơn một thế kỷ.
Ở Nam Cực, dòng sông băng Denman khổng lồ được ghi nhận đang tan chảy với tốc độ chưa từng thấy, tụt vào hẻm núi sâu khoảng 5km trong 22 năm qua, theo một nghiên cứu mới được công bố.
Nếu dòng sông băng này tan chảy hoàn toàn, mực nước biển sẽ tăng gần 1,5m, giới nhà nghiên cứu cho biết.
Những dòng sông băng đang dần biến mất
Thống kê cho thấy hơn 500 sông băng ở Thụy Sĩ đã biến mất kể từ năm 1900. Năm 2019 chứng kiến sông băng Pizol bị xóa khỏi mạng lưới giám sát sông băng của nước này.
Giới khoa học còn đưa ra khuyến cáo rằng nếu con người không có động thái gì cứu vãn, làm giảm tốc độ tan băng hiện tại, các dòng sông băng ở Trung Âu, phía Tây Canada và Hoa Kỳ có thể biến mất hoàn toàn khỏi những dãy núi trong thế kỷ này.
Ước tính các dòng sông băng đã mất hơn 9.000 tỷ tấn băng trong giai đoạn từ năm 1961 đến năm 2016, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature. Để dễ hình dung, con số này tương đương kích thước của nước Đức và dày gần 30.5m.
Thiệt Kiệt
Theo 24hsongxanh.vn/ CNN
Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/dieu-gi-xay-ra-khi-dong-song-bang-chuyen-sang-mau-hong/