Đàn chim di cư đậu kín sông

Sáng sớm mỗi ngày, khoảng 4.000 con cò ốc đến sông Đầm tìm kiếm thức ăn rồi đậu kín trên hàng cọc, đám bèo lục bình.

Sông Đầm rộng 200 ha, trải dài ba xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú, cách trung tâm TP Tam Kỳ khoảng 4 km. Nơi đây có thảm thực vật, hệ động vật đa dạng, cá tôm, lau sậy, cói, sen hòa quyện, tạo nên vẻ đẹp nguyên sơ.

Chiều xuống, đàn cò ốc hoang dã chao cánh đậu kín trên những bãi cọc do người dân cắm làm chuôm, chà dụ cá vào ở để đánh bắt. Do số lượng lớn, trong khi bãi cọc ít khiến nhiều con không còn chỗ, đành đậu trên bèo lục bình. Đàn chim chiếm trọn không gian của mặt sông khi hoàng hôn xuống.

danchim-di-cu
Hàng nghìn con chim đậu kín dãy cọc trên sông Đầm.

Loài cò ốc có mỏ vàng xám dài hơn 10 cm; đầu, cổ và phần bụng màu trắng. Đôi chân màu đỏ, dài khoảng 20 cm; sải cánh dài và rộng. Trọng lượng mỗi con hơn một kg. Ngoài cò ốc, trên sông Đầm có hàng nghìn con cò trắng, đậu xen lẫn.

Anh Châu Văn Cư, 34 tuổi, xã Tam Thăng, thường chở khách thưởng ngoạn trên sông Đầm cho hay, ba năm trước chim bay về. Sáng chúng bay đến tìm kiếm thức ăn trên sông và cánh đồng lúa ven sông, 16h khi đã no nê thì bay đến các dãy cọc do người dân cắm xuống sông đáy làm chuôm, chà.

Chúng đậu san sát nghỉ ngơi cho đến lúc trời chập tối sẽ bay đi tìm nơi trú ngụ và sáng hôm sau quay lại kiếm thức ăn. “Ban đầu số lượng ít, nhưng cách đây ba tháng, mỗi ngày có từ 3.000 đến 4.000 con”, anh Cư nói.

danchim-di-cu
Trời chập tối, đàn chim rời sông Đầm đi tìm ngủ.

Ông Châu Thanh Phong, Chủ tịch xã Tam Thăng, chia sẻ rất vui khi đàn chim hoang dã về sông Đầm. Ngoài 200 ha mặt sông, xung quanh có hơn 400 ha lúa của người dân xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú bị ốc bươu vàng cắn phá. Chim đã ăn loài ốc này, giảm thiệt hại cho người trồng lúa.

Địa phương có 3 chiếc thuyền chuyên chở du khách khám phá phong cảnh và ngắm đàn chim hoang dã. Gần đây, nhiều người đến tham quan vì biết chim về nhiều nên mang lại nguồn thu cho một số hộ dân làm dịch vụ chèo ghe thuyền.

Lãnh đạo xã Tam Thăng cho hay để bảo vệ đàn chim, công an và người dân địa phương nghiêm cấm giăng lưới, bắn súng săn bắt. “Chúng tôi đang trồng thêm cây xanh trên sông để tạo cảnh quan cho chim trú ngụ và vận động người dân làm thêm nhiều chuôm, chà để có nơi cho chim đậu”, ông Phong nói.

danchim-di-cu
Cò ốc, còn gọi là cò nhạn, có tên trong sách đỏ Việt Nam.

Đã đến sông Đầm khảo sát, tiến sĩ Ngô Xuân Tường, Trưởng phòng Động vật học có xương sống, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho biết đây là loài cò nhạn, tên khác là cò ốc, tên khoa học là Anatomus oscitans. Thức ăn của chúng chủ yếu là ốc, ếch, nhái, cua, côn trùng lớn…

Loài chim này có trong Sách đỏ Việt Nam. Các tài liệu nghiên cứu cho thấy trước đây chúng phân bố ở đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Tây Ninh. Nơi sống là các vùng đất ngập nước như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn, ruộng lúa…

Sở dĩ chim hoang dã đến sông Đầm là biến đổi khí hậu, môi trường sống thay đổi. Nguồn thức ăn ưa thích bị thay đổi, dẫn đến chúng phải di chuyển đến nơi ở mới có môi trường sống, thức ăn phong phú hơn.

Tiến sĩ Tường đánh giá số lượng quần thể tại sông Đầm là rất lớn so với các địa phương khác mà chúng di chuyển đến, như ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, ở khu vực Đảo Cò, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương… “Qua khảo sát cho thấy người dân địa phương đã có ý thức bảo vệ rất tốt đàn chim”, ông Tường nói.

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, UBND TP Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam triển khai đề tài “Nghiên cứu đa dạng sinh học và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn gắn với phát triển du lịch sinh thái khu vực hồ sông Đầm”.

Đắc Thành

Theo VnExpress

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/dan-chim-di-cu-dau-kin-song-4126955.html

Cùng chuyên mục