Từ nỗi buồn hoa phượng…

Chuyện chặt cây nói chung và phượng nói riêng chưa bao giờ được quan tâm nhiều đến vậy, kể từ sự cố đau lòng khiến một học sinh tử vong ở một trường học của TP.HCM.  

1. Trưa, một nhóm thợ xây, thợ hồ tới ngã tư đường Thích Quảng Đức – Phan Đăng Lưu trơ nắng, đứng ngẩn ra một lúc rồi chép miệng tiếc rẻ bỏ đi. Góc ngã tư ồn ào nhộn nhịp này có mấy tán cây nhô ra từ trường mẫu giáo, phủ một ít bóng mát trên vỉa hè vốn là chỗ ngả lưng nghỉ trưa ưa chuộng của họ khi đi xây dựng công trình gần đấy. Đây cũng là chỗ nghỉ trưa duy nhất mà họ có thể tìm thấy được ở khu vực này, vốn quá thiếu cây xanh. Nay thì không chỉ vỉa hè hiếm hoi còn chút bóng mát ấy đã biến mất, mà cả ngôi trường mẫu giáo ấy đã trơ ra những khối bê tông sau khi tất cả các cây trong trường đều đã bị chặt hết cành. Trơ trụi. Lần đầu tiên ngôi trường mầm non này phơi mình trong nắng hè  nhức nhối như thế.

Cây hoa bò cạp vàng nhỏ nhắn trước một trường học trên đường Thích Quảng Đức, Phú Nhuận, TP.HCM cũng không thoát khỏi cơn lốc chặt cây mùa này.

Một trường tiểu học khác gần đó, có vài bóng cây hiếm hoi, cũng bị tỉa sạch cành không thương tiếc. Trông như vừa có trận bão càn quét qua vậy.

Sau tai nạn đau lòng vì phượng ngã xảy ra ở trường Bạch Đằng, TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên nhà trường; liên hệ với cơ quan cây xanh, môi trường đô thị để kiểm tra, cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có nguy cơ gãy đổ.

Những hình ảnh được loan tải trên mạng xã hội, truyền thông những ngày qua khiến người ta không khỏi ngỡ ngàng. Sao lại có thể đẩy từ thái cực này qua thái cực khác một cách thiếu bao dung như thế với phượng và cây xanh học đường? Nhiều trường, hiểu chỉ đạo của ông Bộ trưởng bằng cách thay vì phải kiểm tra xem cây nào đáng để, cây nào cần đốn, người ta đốn hết cho tiện. Cách làm này quả thật rất tiện cho người thực thi, nhưng giải pháp đơn giản nhất không phải là giải pháp tốt nhất. Có vẻ như, người ta đã chọn cây phượng để xả lỗi, thay vì chịu suy nghĩ tìm giải pháp phù hợp?

Một trong những hình ảnh khiến cư dân mạng quan tâm những ngày qua.

Cần phải có biện pháp quản lý cây xanh trong công sở, trường học một cách khoa học, chặt chẽ hơn. Khi xây dựng trường học mới, đều có gói thiết kế cây xanh trong trường, cây xanh trồng ở đâu, cây gì, quy cách như thế nào đều có đầy đủ. Nếu cần, có thể tham khảo từ các công ty cây xanh đô thị, ý kiến của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về thực vật học, các cử nhân, sinh viên Nông Lâm… Họ chắc chắn đang hoặc từng có đề tài nghiên cứu về việc trồng cây xanh ở các khuôn viên bê tông, và giải pháp cho mùa mưa bão.

2. Huế đang mùa hoa phượng, vẫn nở thắm hoa qua bao nhiêu mùa mưa bão, vẫn là đề tài đi vào thi ca nhạc họa và đặc biệt là nguồn cảm hứng chụp ảnh cho không biết bao nhiêu nhiếp ảnh gia và du khách. Thành nội có những con đường hoa phượng qua bao năm tháng, bao chiến cuộc, vào hẳn trong bài hát Mưa Hồng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau”.

Hai cây tỏa bóng mát nhất của ngôi trường này đã được mé, tỉa nhánh trơ trụi.

Huế có cây phượng nổi tiếng nhất nhì cố đô nằm bên bờ sông Hương, ở phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, soi bóng xuống dòng sông, cạnh cây cầu nổi tiếng nhất của đất thần kinh là cầu Tràng Tiền. Nó như một biểu tượng đặc trưng riêng Huế. Thậm chí trong mùa phượng nở, trung tâm Công viên cây Thừa Thiên – Huế từng phải bố trí người để bảo vệ 24/24 cây phượng này trước một lượng khách đông đảo từ khắp nơi tìm đến đến chụp hình lưu niệm.

Không ai nhớ được tuổi của cây phượng này, nhưng chắc chắn một điều nó không còn trẻ. Và vẫn sống tốt qua bao bể dâu. Cần nhớ rằng, thời tiết ở Huế khắc nghiệt gấp nhiều lần xứ được tiếng không có bão, mưa thuận gió hòa như Sài Gòn.

Khung ảnh mùa Hè quen thuộc của Huế bao năm qua với cây phượng trứ danh bên bờ sông Hương.

3. Mạng xã hội bây giờ tỏ ra cực kỳ nhạy cảm với cây xanh, đặc biệt là phượng. Lâu nay chuyện chặt cây mé nhánh trên đường phố vốn là chuyện thường ngày, đi ngang chẳng mấy ai  để ý, chỉ muốn đi cho nhanh kẻo sợ công trình gây nghẽn xe, kẹt xe. Nhưng nay thì mọi việc đều lọt tầm mắt của các facebooker, nhất cử nhất động các loại cây bị cưa chặt đều được nhanh chóng chia sẻ lên mạng xã hội. Truyền thông cũng thế. Một cây xanh trong sân trường đổ là các phương tiện truyền thông đưa tin ngay. Hiểu một cách tích cực nhất, có lẽ đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức về cây xanh với một bộ phận dân chúng, đồng thời giáo dục thuyết phục hơn tình yêu thiên nhiên thông qua cây xanh quanh mình, để cư xử cho thật đúng với nó, với những gì cây xanh đã và đang mang lại cho môi trường sống của con người.

Ngày mai, 5/6/2020 là Ngày Môi trường thế giới, một trong những ngày lễ quan trọng hàng đầu của Liên hợp quốc để thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường trên toàn thế giới. Việt Nam tham gia Ngày Môi trường thế giới từ năm 1982. Năm nay, Ngày Môi trường thế giới có chủ đề Vì một hành tinh xanh và đa dạng sinh học. Một trong những hành động được Chính phủ, bộ ngành cổ động, là trồng nhiều cây xanh!

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/tu-noi-buon-hoa-phuong/

Cùng chuyên mục