Thủy điện ứng phó với khô hạn

Những tháng còn lại của mùa khô năm 2020 được dự báo vô cùng khốc liệt về mức độ hạn mặn. Các nhà máy thủy điện đã có sẵn các phương án và kịch bản ứng phó, nhưng điều cần thiết là chấp nhận chịu thiệt về lợi ích sản xuất điện để tích nước đảm bảo phục vụ cho sản xuất vùng hạ du.

Cạn kiệt nguồn nước các dòng sông trên lưu vực sông Vu Gia. Thu Bồn. Ảnh: H.P

Nước không đủ đẩy mặn

Tại nhà máy thủy điện A Vương thuộc Công ty CP Thủy điện A Vương, mực nước lúc 13 giờ chiều 29.4 là 368m. Đây là mực nước thấp nhất trong tháng 4, thấp hơn so với mực nước dâng bình thường (380m). Lưu lượng nước về hồ từ đầu năm đến nay đạt 8,4m3/s. So với cùng kỳ 3 năm gần đây, 4 tháng mùa khô năm 2020 lưu lượng nước về hồ chỉ bằng 39,4%.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương – ông Ngô Xuân Thế nhận định: “Tình hình hạn mặn vùng hạ du năm 2020 sẽ nặng nề hơn năm 2018 và 2019 nếu trong mùa hè này tiếp tục diễn ra tình hình thiếu mưa trên lưu vực như năm 2011, 2018”.

Lượng mưa không ổn định, thời tiết nắng nóng cực đoạn khiến lượng nước về các hồ thủy điện liên tục giảm qua các năm; trong khi đó nhu cầu sử dụng nước ở vùng hạ du ngày một tăng thì việc các nhà máy thủy điện xả nước về hạ du chỉ giúp giảm hạn hán, chứ không thể đủ nước đẩy mặn.

Theo các chuyên gia thủy lợi, việc chống hạn kết hợp với chống mặn ở hạ du cần phải tính toán kỹ càng và phục vụ lâu dài, trong đó có giải pháp đầu tư xây dựng công trình đắp đập ngăn mặn trên sông.

Theo ông Thế, cần thiết xây dựng đập ngăn mặn có cửa van điều tiết, có âu thuyền tại khu vực ngã ba sông Cầu Đỏ – sông Đô Tỏa – sông Hàn. Khi sông Cổ Cò được khơi thông, dòng nước ngọt sẽ được tiết lưu một phần chảy dọc sông Cổ Cò và chảy ra biển tại Cửa Đại – Hội An.

Hiện nay, lưu lượng dòng chảy trên sông Vu Gia – Thu Bồn đã xuống rất thấp, một số hồ chứa phải hạn chế phát điện để trữ nước phục vụ chống hạn. Các hồ chứa thủy diện Sông Bung 2, Sông Bung 4… đang khó khăn trong vận hành sản xuất do thiếu nước. Theo ngành chức năng, tổng lượng nước thiếu so với dung tích hữu ích tại các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh lên đến 653 triệu mét khối.

Xả nước phù hợp

Nhà máy thủy điện A Vương hiện nay vừa tham gia vận hành thị trường điện vừa phải thực hiện tích nước đảm bảo mực nước tối thiểu theo quy định, và tất yếu sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo hai mục tiêu trên. Không thể đảm bảo nguồn nước hoạt động trong những tháng còn lại của mùa khô năm 2020, buộc các nhà máy thủy điện trên hệ thống lưu vực Vu Gia – Thu Bồn cũng như liên hồ chứa trên các lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả và sông Sê San đồng loạt kiến nghị lên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ TN&MT thống nhất phương án chống hạn mặn.

Theo Bộ TN&MT, để bảo đảm cấp đủ cho hạ du từ nay đến hết mùa cạn (từ 2 – 4 tháng tùy từng lưu vực) trong điều kiện nguồn nước vẫn đang thiếu hụt như hiện nay là vấn đề khó khăn; trong khi đó theo dự báo lượng dòng chảy trên các sông trong các tháng cuối mùa cạn có thể thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ khoảng 15 – 70%.

Đối với các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4 và Sông Tranh 2 (lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn), theo Bộ TN&MT, việc bảo đảm nguồn nước cấp cho hạ du, nhất là cấp cho mục đích sinh hoạt của nhân dân ở các địa phương thuộc Quảng Nam và Đà Nằng thời gian còn lại của mùa khô rất quan trọng trong điều kiện nguồn nước và nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn trên lưu vực trong thời gian tới rất cao. Vì vậy, Bộ TN&MT đề xuất EVN chỉ đạo các chủ hồ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để bảo đảm việc vận hành xả nước hồ chứa phù hợp với yêu cầu sử dụng nước ở hạ du.

Về giải pháp chống hạn mặn trên sông Vu Gia – Thu Bồn, ông Trương Xuân Tý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, ngoài biện pháp đắp đập tạm trên sông Vu Gia, với các sông còn lại sẽ khống chế việc nhiễm mặn sâu, tính toán thời điểm vận hành các nhà máy thủy điện. Đầu năm nay, UBND tỉnh lập kế hoạch sử dụng nước, đảm bảo mực nước hồ.

Trần Hữu

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/moi-truong/thuy-dien-ung-pho-voi-kho-han-87642.html

Cùng chuyên mục