Thí điểm quản lý bán đảo Sơn Trà: Cần giải pháp phù hợp
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã đồng ý tiếp tục triển khai thí điểm công tác quản lý, bảo đảm an toàn cho du khách khi dã ngoại, tham quan tại bán đảo Sơn Trà đến hết năm 2020. Tuy nhiên, để hoạt động thí điểm này mang lại hiệu quả cần có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, đặc thù của khu vực.
Theo báo cáo của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý), từ ngày 15/11/2019 đến ngày 15/2/2020, thực hiện thí điểm công tác quản lý, bảo đảm an toàn cho du khách khi dã ngoại, tham quan tại bán đảo Sơn Trà cũng như công tác chuẩn bị cho vận hành dịch vụ trung chuyển đưa khách lên tham quan tại bán đảo Sơn Trà được thực hiện tương đối khả quan, không xảy ra tai nạn giao thông, mất tích, đi lạc trong thời gian thí điểm.
Cùng với đó, Ban quản lý đã lắp đặt 3 trạm gác tại các chốt kiểm soát; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, đèn báo hiệu, barie thủ công; nhà vệ sinh di động tại bãi xe trung chuyển, nhà chờ, ghế đá, dù che nắng, gắn bảng hiệu, phát quang các tuyến du lịch… Bên cạnh đó, Ban quản lý đã ban hành giá dịch vụ xe trung chuyển cụ thể từng tuyến với giá lần lượt là 45.000 đồng cho tuyến 1 (9km từ bãi xe phục vụ APEC đi điểm tham quan cây Đa di sản); 60.000 đồng cho tuyến 2 (35km, từ bãi xe trung chuyển – Yết Kiêu – đỉnh Bàn Cờ – Bãi Bắc – cây Đa – chùa Linh Ứng – bãi xe trung chuyển); 80.000 đồng cho tuyến 3 (32km, từ bãi xe trung chuyển – Yết Kiêu – suối Ôm – Nhà vọng cảnh – bãi xe trung chuyển).
Ban quản lý đã cấp 769 thẻ vàng cho các nhóm là các hộ dân có hoạt động sản xuất trồng rừng nằm trong khu vực sau gác chắn, sinh viên thực tập, nghiên cứu sinh, người thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn, nhiếp ảnh gia, hội xe đạp thể thao…
Đồng thời, tăng cường hoạt động tuyên truyền đến người dân, du khách và các doanh nghiệp du lịch bằng nhiều hình thức như treo hơn 200 phướn tuyên truyền, khuyến cáo trên các tuyến đường chính, đường biển và bán đảo Sơn Trà; tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh ven biển, cung cấp thông tin cho báo, đài; thu âm và phát bài thuyết minh tuyến điểm du lịch bán đảo Sơn Trà phát trên 3 xe trung chuyển…
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, trong thời gian thí điểm (thống kê qua các trạm gác) có 28.839 lượt khách, trong đó với 5.185 lượt khách quốc tế, 23.654 lượt khách nội địa. Số lượng khách sử dụng xe trung chuyển 677 lượt khách, trong đó có 245 lượt khách quốc tế, 432 lượt khách nội địa.
Đa số du khách chọn dịch vụ trung chuyển ở 2 tuyến tham quan chính là tuyến Yết Kiêu – Bãi Bắc và tuyến tham quan cây Đa di sản, do 2 tuyến này có mức giá hợp lý và phù hợp về thời gian. Riêng tuyến Tiên Sa – suối Ôm chỉ có 11 lượt chạy xe trong 2,5 tháng thí điểm vì do tuyến này ngắn, mức giá cao, lại ít điểm tham quan (trong ngày lại chỉ có 2 chuyến xe chạy nên ít khách chọn).
“Trong thời gian thực hiện thí điểm, lượng khách sử dụng dịch vụ trung chuyển để lên bán đảo Sơn Trà không cao so với tổng lượng khách tham quan tại đây. Thống kê sơ bộ, có khoảng 70,7% tổng lượng khách tham quan bằng xe gắn máy; 25,1% khách tham quan bằng ô-tô dưới 24 chỗ ngồi; các phương tiện khác chỉ chiếm 4,2%.
Có thể là do thời gian triển khai thí điểm vào mùa thấp điểm, việc chỉ cấm xe tay ga chạy xe lên bán đảo Sơn Trà, khách có thể sử dụng xe số, ô-tô cá nhân nên lượng khách sử dụng dịch vụ trung chuyển còn ít, chưa quen với việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện trung chuyển”, ông Nguyễn Đức Vũ phân tích.
Để phát huy được hiệu quả của việc sử dụng xe trung chuyển, nhiều ý kiến cũng cho rằng nên điều chỉnh các tuyến tham quan cho phù hợp; cân nhắc hạn chế các phương tiện cá nhân để sử dụng xe trung chuyển cho hiệu quả. Theo ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, khi thực hiện chủ trương thí điểm, quận đã tuyên truyền rất mạnh mẽ về vấn đề này với mong muốn quản lý được người lên xuống, tránh được tai nạn giao thông và những rủi ro đáng tiếc xảy ra. Người dân, du khách cũng ý thức hơn trong việc bảo vệ bán đảo Sơn Trà.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Tán Văn Vương cho hay, qua các chuyến khảo sát, số lượng du khách lên Sơn Trà tham quan bằng xe máy rất đông và khách thích đi bằng phương tiện này do thuận tiện. Lượng khách sử dụng xe trung chuyển chủ yếu là khách nước ngoài, nhưng cần phải thay đổi vì các xe hiện nay là xe có cửa kín nên khách không xem, không nhìn được nhiều phong cảnh. Du khách cần loại xe thoáng hơn, có thể thuận tiện cho việc ngắm cảnh, hít thở không khí thoáng đãng của cỏ cây, núi rừng. Có thể sử dụng phương tiện xe Jeep như một số doanh nghiệp đang khai thác hiện nay.
Ông Nguyễn Đức Vũ cũng thông tin thêm, thời gian tới sẽ đề xuất lắp đặt mới một trạm gác, barier tại đầu tuyến 3 (nút giao đường Yết Kiêu đi suối Ôm); đồng thời tham mưu phương án quản lý du khách bằng công nghệ thông minh và lộ trình chính thức cấm hoàn toàn xe máy; nghiên cứu thiết kế các mẫu xe trung chuyển phù hợp.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng của Covid-19 nên các hoạt động đang tạm dừng, thời gian tới sẽ điều chỉnh số lượng xe trung chuyển cho phù hợp. Đến khi hoạt động du lịch trở lại bình thường Ban quản lý sẽ đề xuất số lượng xe trung chuyển phù hợp với tình hình lượng khách.
Thu Hà
Theo Đà Nẵng Online
Link nguồn: https://www.baodanang.vn/channel/5404/202004/thi-diem-quan-ly-ban-dao-son-tra-can-giai-phap-phu-hop-3375845/