Tại sao chúng ta không nên quá trông chờ vào bệnh viện trong đại dịch?

Nghe thì có vẻ mâu thuẫn phải không, nhưng bạn hãy nghĩ về nguy cơ của một bệnh viện khi quá tải thì có thể trở thành trung tâm lây nhiễm chéo virus.

Đại dịch Covid-19 có thể định hình tương lai của các hệ thống y tế công cộng ở các nước. Hậu Covid-19, các bệnh viện trong tương lai có thể được hình thành với quy mô nhỏ hơn. Bệnh nhân bị các bệnh thông thường có thể được bác sĩ chẩn bệnh từ xa và các quốc gia có thể thực hiện các cuộc tập dợt chống dịch thường xuyên.

Bệnh viện Papa Giovanni XXIII đang chữa trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19 ở Ý.

“Trung tâm lây nhiễm chéo”

Trước khi đại diện Covid-19 xảy ra, hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu chủ yếu xoay quanh các bệnh viện hoạt động như cửa hàng một điểm đến, chữa trị từ bong gân đến phẫu thuật cho nạn nhân bị tai nạn giao thông.

Nhưng khi đại dịch Covid-19 đẩy các bệnh viện ra làm tâm điểm xử lý cuộc khủng hoảng, nơi này nghiễm nhiên trở thành một trung tâm lây nhiễm chéo, gây nguy hiểm cho cả các y bác sĩ và bệnh nhân, cũng như thân nhân của họ. Nhất là các bệnh viện hiện đại thường được đặt trong các tòa cao ốc và có cụm dân cư sống chung quanh.

Trường hợp một số bác sĩ, y tá tử vong do nhiễm Covid-19 thời gian qua là minh chứng cho việc này. Công luận từng rúng động trước tin 24 bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch tại Indonesia chết sau khi nhiễm virus.

Bác sĩ Mariel Berber ở thành phố Tustin, quận Cam, bang California, Mỹ, được ghi nhận mượn chiếc xe làm nhà di động để ở tạm trong nhiều ngày sau khi trở về từ ca trực ở bệnh viện. Bà là một trong các bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 và không muốn để xảy ra nguy cơ mình về nhà lây bệnh cho chồng con.

Các y bác sĩ trên tuyến đầu đang gánh chịu nguy cơ đưa virus Covid-19 về lây cho người nhà của họ.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Y học New England, các bác sĩ của bệnh viện Papa Giovanni XXIII ở Ý cho biết: “Chúng tôi nhận ra rằng các bệnh viện cũng có thể là nơi phát tán Covid-19.”

Trên lý thuyết, nguy cơ của môi trường bệnh viện được nhà chức trách quản lý chặt chẽ, nhưng các chuyên gia y tế công cộng cho biết cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể khiến các nhà hoạch định chính sách nghĩ lại về vai trò của các bệnh viện trước các đợt bùng phát đại dịch trong tương lai.

Bác sĩ Ramanan Laxminarayan, giám đốc một tổ chức nghiên cứu y tế công cộng ở Washington, DC cho biết: “Kiểm soát nhiễm trùng bệnh viện là một trong những bộ phận ít được coi trọng nhất. Chúng ta cần suy nghĩ một cách chủ động về kiểm soát nhiễm trùng trong cả thời gian bình thường và trong đại dịch.”

Chuẩn bị cho các đại dịch kế tiếp

Thay vì xem bệnh viện là ưu tiên, hoặc duy nhất để điều trị bệnh truyền nhiễm, các nhà nghiên cứu như Laxminarayan đề xuất phân cấp chăm sóc sức khỏe tốt hơn để chuẩn bị cho các đại dịch kế tiếp.

Một số bác sĩ có kinh nghiệm trên tuyến đầu chống dịch ở Ý đang đề xuất phương pháp “chăm sóc tập trung vào cộng đồng” thay thế cho “chăm sóc bệnh nhân làm trung tâm” khi một đại dịch xảy ra.

Một bức tranh tường về tấm lòng của các y bác sĩ trong đại dịch.

Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Singapore nhận định: “Để chống dịch hiệu quả, hệ thống bệnh viện nói chung cũng sẽ cần phải trở nên phi tập trung hơn. Các bác sĩ có thể cần phải tiến hành công việc từ xa, hoặc trong các môi trường cộng đồng nhỏ hơn, để tránh lây nhiễm chéo.”

Còn tại Hồng Kông, các bác sĩ đa khoa thực hiện chẩn đoán sàng lọc Covid-19 ban đầu thông qua hệ thống trực tuyến để tránh tiếp xúc gần gũi với người nghi nhiễm.

Một ví dụ khác, công nghệ xét nghiệm nhanh Covid-19 với người ngồi trên xe hơi đang được ứng dụng từ Hàn Quốc đến Mỹ cũng là hình thức chăm sóc sức khỏe phi tập trung.

Các chuyên gia y tế cho rằng ngay từ bây giờ, chính phủ các nước nên chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai bằng cách phát triển khả năng chuyển đổi khách sạn, ký túc xá đại học hoặc các cơ sở hiện có khác thành bệnh viện dã chiến hoặc bệnh viện di động.

Đây đều có thể là những giải pháp tạm thời để chăm sóc những bệnh nhân bị nhiễm bệnh nhẹ, miễn là họ có thể được cách ly một cách an toàn và được chữa trị trong lúc ở xa những người không bị nhiễm bệnh.

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ Inkstone

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/tai-sao-chung-ta-khong-nen-qua-trong-cho-vao-benh-vien-trong-dai-dich/

Cùng chuyên mục