Sống sành với tham, sân, si
Thứ sang chảnh để thiên hạ trầm trồ ngắm nhìn chỉ diễn ra trong tích tắc bề ngoài, không phải là của mình vĩnh cửu, và cũng không bao giờ là chính mình.
Buổi sáng mùa Hè năm ấy. Tôi nhàn nhã ngồi uống cà phê G7, ngắm hoa lan đang bừng hương sắc trong ngôi biệt thự đắt giá của một người bạn gốc Việt ở Berlin. Bạn tôi đã dậy từ 2 giờ sáng đi lấy hàng tận Frankfurt. Non trưa cô giúp việc đến, vào tắm cho mát cái đã. Sau đó cô bật Ipad chọn phim Hàn, vừa xem vừa lau dọn bếp và hỏi tôi “Trưa nay chị thích ăn gì em nấu?”
Tôi nhìn chiếc đùi lợn đen Tây Ban Nha bày trên giá gỗ sang trọng đặt giữa bàn ăn. Nhìn cô giúp việc gốc Việt thơm nức mùi sữa tắm. Rồi tự nhìn mình đang ngồi trong biệt thự không phải của mình, nhưng cơm ăn có người nấu, cà phê uống có người pha. Chủ nhân của tất cả những thứ đang hiện hữu này, tức là bạn tôi, hóa ra không sướng bằng tôi và cô giúp việc.
Sống sành với thời gian và tiền bạc
Cứ rảnh là tôi đi. Nhiều dịp được ở thăm trong nhiều gia đình gốc Việt tại châu Âu. Hầu hết khá giả, tích lũy tốt sau những năm tháng cơ hàn lao động xứ người. Rất nhiều biệt thự sang trọng ở những địa điểm nổi tiếng dành cho nhà giàu thuộc về người gốc Việt. Có lần, tôi kể với bạn bè bản xứ rằng một người bạn gốc Việt của tôi vừa mua nhà ở khu Ukkel của Brussels. Lập tức nghe tiếng rú “Oách thế. Mua được nhà ở khu đó cơ à”. Công nhận. Thăm nhà mới của bạn, ở giữa Brussels mà có rừng, và nhà bạn nằm trong khoảng xanh mát tĩnh lặng thế kia, oách rồi!
“Mẹ vào gội đầu đừng sốc nhé, khéo lạc đấy”. Con trai tôi vừa từ phòng tắm trong ngôi biệt thự của bạn tôi ở Ba Lan bước ra, dặn kỹ. Cả một vườn Nhật trong nhà tắm của bạn tôi chứ không đùa. Phòng karaoke như rạp chiếu phim thu nhỏ xây dưới tầng hầm thông ra hầm rượu sưu tầm lâu năm. Phần lớn để đãi bạn bè đến thăm, để nhận lấy những cái “ồ, à” thán phục. Còn chủ nhân những thứ sang trọng ấy đang chúi mũi vào kiểm hàng trong kho. “Mấy thằng Ukraina xếp hàng ẩu quá, vừa bị cả thùng áo khoác đổ vào người, suýt què cẳng”. Bạn tôi thừa tiền, nhưng chẳng có thời gian mà ngồi vào bồn tắm jacuzzi, uống một ngụm rượu vang, xúc một thìa trứng cá đen nhấm nháp. Hoặc cũng không có thì giờ đặt vé chỗ ngồi đẹp xem hòa nhạc, nằm phơi nắng ngắm view đẹp của Hollywood như giới nhà giàu trong chương trình truyền hình The sky is the limit của Bỉ.
Đời sống tinh thần văn hóa văn nghệ của Việt kiều vẫn có đấy, đại nhạc hội là ví dụ. Nhưng bao năm không thay đổi được quy mô và cách thức để làm sành điệu thực sự cho tâm hồn. Như một người bạn của tôi ở Anh gần đây đi xem đại nhạc hội về kể toáng lên phây. “Lần đầu trong đời đi nghe hát lúc bốn rưỡi chiều, đã nghĩ có thể họ phục vụ người ngoại tỉnh như mình kịp tàu về quê?! Vé ghi giờ biểu diễn như thế nhưng tiếng rưỡi sau khách vẫn lục tục kéo đến. Thế mới tài. Hay hơn ở chỗ họ đi lại trong rạp như chỗ không người, gọi nhau í ới, chổng lưng vào khán đài, buôn chuyện ầm ĩ mặc kệ bọn mét mốt như mình. Rồi họ đổi chỗ các bạn ạ, chưa ngồi ấm chỗ họ đổi tiếp. À không, nhầm, họ đi mua bánh mì, nem và cả trứng luộc rồi quay lại. Họ ăn trứng luộc trong khán phòng, đó là chuyện có thật. Ca sĩ vẫn hát say mê, dòng khán giả vẫn di chuyển không ngừng. MC bỗng cầm micro thông báo xe ai đậu ngoài cửa đang bị câu đi...”
Trí thức gốc Việt đi làm thuê, bán chất xám ở trời Âu cũng lắm người vướng mắc ở chỗ sống sang nhưng lại không sướng như thế. Chuyện thế này. Tôi làm được ít giò thủ ngon, cắt một khúc thật dày mang sang cho người bạn đồng niên đang làm việc ở một trường ĐH nổi tiếng tại Bỉ. Cô cùng chồng vừa dồn tiền mua căn nhà mới to, đẹp, giá gần 600.000 EUR. Tôi cũng ao ước có được ngôi nhà mới và đẹp như thế. Cô kể: “Chồng mình bảo mua nhà vừa khả năng tài chính thôi, tầm 350.000 EUR là đẹp. Tiền còn để cả nhà du lịch, trượt tuyết, tận hưởng cuộc sống bên nhau. Nhưng mình nghĩ phải mua hẳn cái nhà thật to, như thế mới gắng hết sức làm việc và tiết kiệm. Cái nhà chính là một khoản tích lũy cho bản thân và cho con cái sau này.”
Thay vì đi làm bán thời gian để còn chăm lo cho con cái, bạn tôi đi làm fulltime để có hai đầu lương trả tiền vay ngân hàng mua nhà. Hai tuần sau khi cho giò, tôi hỏi “Ăn thấy có được không”, cô giật mình vào tủ lạnh lôi ra khoanh giò mốc meo “Bận quá, quên cả ăn.” Cô còn moi ra những chai sữa, hộp bánh, túi rau… đã bốc mùi hoặc héo úa. Vừa vứt vừa lẩm bẩm, “Bận quá không kiểm soát hết. Từ chồng đến con đều đoảng, cứ mở đồ ăn ra rồi không ăn hết, không xem hạn sử dụng”. Lại mua. Lại vứt. Tiền cả đấy. Hoài của. Nhiều lúc mệt mỏi quá, cô hỏi: “Không hiểu mình đang bị bệnh gì mà lúc nào cũng cáu gắt, depression hay sao ấy.” Chúng tôi đùa, “Chẳng phải trầm cảm hay trầm luân gì đâu, thiếu tham, sân, si mà thôi.”
Một yêu đi bộ, hai yêu đạp xe…
Chẳng biết từ bao giờ cụm từ tham, sân, si được biến tấu, truyền tai nhau, trở thành kim chỉ nam cho một cách sống sành thời hiện đại: tham là time – có thời gian cho bản thân, sân- sun và si- sea để tận hưởng cuộc sống và ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp quanh mình. Hãy đi Pháp để ăn đẹp và đi Ý để ăn ngon!
Để giúp cô bạn kia bớt căng thẳng mệt mỏi, tôi tổ chức một bữa ăn nhỏ trong ngôi nhà cũ kĩ của mình. Mời nhóm bạn đồng niên tới. Ăn xong thì đi dạo trong rừng, thỉnh thoảng reo lên “Thu rồi, lá vàng hết rồi kìa, đẹp quá”, “Ô, nấm kìa, nấm đỏ đẹp như cổ tích nữa chứ”. Phải chăng chúng tôi đã già, người già mới biết dừng lại để nhìn ngắm và trân trọng tận hưởng thiên nhiên? Không hẳn. Nhìn xem, lũ trẻ đang chạy lăng xăng quanh đó, cũng ồ à khi thấy nấm, cũng reo lên khi tóm được một bụi dâu dại, nhí nhách nếm thử, lè lưỡi vì chua. Những người đang còng lưng đạp xe, chạy bộ nhễ nhại mồ hôi mỉm cười chào lại chúng tôi. Tôi bảo nhóm bạn “Toàn dân nhà giàu của Bỉ chuyển về khu này đấy. Đạo diễn, quay phim, nhà thiết kế thời trang, biên tập viên truyền hình.” Họ cũng ở trong những biệt thự ẩn hiện giữa rừng cây. Nhưng họ dành rất nhiều thời gian cho chạy bộ, đạp xe rèn luyện sức khỏe.
Mấy lần tôi chứng kiến S.W, một biên tập viên truyền hình nổi tiếng của Bỉ đạp chiếc xe cổ lỗ sĩ, túi nhựa quàng trên ghi đông bay lật phật trông khá hoàn cảnh. Tôi lúi húi tìm kiếm ở quầy hàng giảm giá trong siêu thị, chợt thấy anh này cũng thò tay vào chọn đồ như tôi. Ừ, giàu sang nổi tiếng đến đâu cũng một ngày chỉ có hai tư giờ, đến bữa cũng chỉ ăn uống được một lượng chất dinh dưỡng nhất định. Cứ đơn giản như S.W có phải đỡ stress không? Thứ sang chảnh để thiên hạ trầm trồ ngắm nhìn chỉ diễn ra trong tích tắc bề ngoài, không phải là của mình vĩnh cửu, và cũng không bao giờ là chính mình.
Cạn ngày, chủ nhân của ngôi biệt thự hoa lan ở Berlin cũng trở về nhà. Cô hỏi tôi “Con bé giúp việc có nấu ăn tử tế cho cậu không? Xin lỗi cậu nhé, hẹn cậu sang chơi mà tớ lại phải đi lấy hàng gấp ở hội chợ. Chả mấy khi có cơ hội mua hàng tốt và giá rẻ như thế. Xong hội chợ một cái là người ta cần thanh lí hàng hóa gấp để còn về nước cho nhẹ. Mình với lái xe đi từ lúc hai giờ sáng, suýt ngủ gật mấy lần, sợ quá phải tấp vào lề đường chợp mắt mười lăm phút mới dám đi tiếp.” Cô chủ quần áo đầu tóc sực mùi bụi đường vừa nói xong thì cô giúp việc cũng đã tắm xong lần thứ hai trong ngày. Cô chào chúng tôi để về, mùi sữa tắm còn sực lên khi cánh cửa đã khép lại.
Chẳng biết từ bao giờ cụm từ tham, sân, si được biến tấu, truyền tai nhau, trở thành kim chỉ nam cho một cách sống sành thời hiện đại: tham là time – có thời gian cho bản thân, sân- sun và si- sea để tận hưởng cuộc sống và ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp quanh mình. Hãy đi Pháp để ăn đẹp và đi Ý để ăn ngon! |
Lâm Văn
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh