Người khơi nguồn nữ học

Chúng ta đang sống trong điều kiện của xã hội văn minh đầu thế kỷ XXI, tiến trình bình đẳng giới đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, phong trào và ý thức nữ quyền vẫn là một dòng chảy mãnh liệt…

Tuy nhiên, quay trở lại một thế kỷ trước, đọc một dòng viết của Đạm Phương nữ sử: “Đàn bà là người, đàn bà là phần nửa nhơn loại… Nếu tất cả đàn bà thế giới không có học thức, thì một nửa nhân loại có lẽ là thú cả”, mới thấy để phụ nữ Việt có được vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội như ngày hôm nay là cả một nỗ lực vượt thoát ra vòng cương tỏa của những lớp ý thức cũ, đầy sự trói buộc thân phận và tư duy phụ nữ.

Chân dung Đạm Phương nữ sử.

Đạm Phương nữ sử (1881 – 1947), tên thật là Công nữ Đồng Canh, sinh ra trong một gia đình hoàng tộc, về vai vế là cháu nội vua Minh Mạng. Thời trẻ được tiếp thu một nền học vấn gồm cả Hán học lẫn chữ Quốc ngữ, về sau có học thêm tiếng Pháp. Bà được mời vào cung dạy cho các cung nữ dưới triều vua Thành Thái, Duy Tân, với chức danh nữ sử. Sau này khi viết báo, viết sách, bà lấy hiệu là Đạm Phương nữ sử, và từ đó trở thành tên gọi quen thuộc của bà. Đạm Phương thể hiện tài năng hiếm có của mình trên các lĩnh vực báo chí, sáng tác thơ văn, tiểu thuyết, dịch thuật, sưu khảo tài liệu, biên soạn sách tuồng, biên khảo về sách giáo dục gia đình, phụ nữ, nhi đồng, nghiên cứu Phật học, thành lập “Nữ công học hội”. Bà giao lưu với nhiều nhà yêu nước có tầm ảnh hưởng lớn thời đó như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh… Bà chủ trương cổ suý doanh nghiệp, thực nghiệp, đấu tranh cho nữ quyền, là tấm gương nữ liệt nửa đầu thế kỷ XX.

Trong không khí đấu tranh, đòi nữ quyền những năm 1925 – 1926, Đạm Phương và một số phụ nữ Huế đưa ra chủ trương thành lập “Nữ công học hội”, một tổ chức xã hội – nghề nghiệp của phụ nữ đầu tiên của Việt Nam được ra đời ngày 15/6/1926 tại Huế do nữ sử Đạm Phương làm Hội trưởng. Mục đích của Hội là dạy công việc gia chánh, đồng thời lấy đó làm nơi gặp gỡ của chị em phụ nữ, được hầu hết chị em trẻ ở Huế tán thành và hết lòng tham gia. Trong bài diễn văn thành lập, Đạm Phương đọc bài nói rõ tôn chỉ mục đích của Hội và kêu gọi sự ủng hộ của mọi người. Đồng thời, bà đưa ra những quan điểm về thói quen ỷ lại của nữ giới, cho rằng đó là nguồn gốc của sự nô lệ. Bà đã cho ra bài thuốc đầu tiên để trị bệnh lâu ngày đó như sau: “Cái bài thuốc ấy chính là cái mục đích quan trọng thứ nhất của bản hội. Cái bài thuốc ấy là: gây cho bọn quần thoa một cái tinh thần tự lập bằng các nghề nghiệp của mình, trong cái phạm vi đạo đức tri thức Đông phương với Tây phương hòa hợp với nhau đó. Sau hết là kết một cái dây đoàn thể để bênh vực lợi quyền cho nhau.”

Đạm Phương nữ sử và chồng, ông Nguyễn Khoa Tùng.

Chủ trương của Đạm Phương nữ sử về việc thay đổi, giải phóng phụ nữ thời bấy giờ nhấn mạnh vào vấn đề nữ học, trước khi đẩy lên một tầm cao hơn là phong trào nữ quyền. Nữ học là giai đoạn đầu tiên trong lịch trình phát triển tư tưởng giải phóng phụ nữ ở Việt Nam, nhấn mạnh đến các vấn đề văn hóa, xã hội của phụ nữ và đặc biệt là sự giáo dục phụ nữ. Những lời kêu gọi, bài viết cụ thể và hành động của Đạm Phương trong nhiều năm là đóng góp lớn trong vấn đề hình thành người phụ nữ mới. Bà xác định: “Vấn đề nữ học thật là một sự rất quan trọng thứ nhất trong mấy nghìn năm của nước ta” và trên thực tế, thời điểm Đạm Phương nhắc nhớ, vấn đề này đã trở thành lối tư duy bảo thủ, trì trệ, xem nhẹ sự hiểu biết, cái học của phụ nữ theo quan điểm hủ nho còn chiếm thế thượng phong trong xã hội ta thời đó.

Bà thẳng thắn phê bình tinh thần giáo dục phụ nữ theo ý thức cũ: “Nay sự học con gái mà cứ loanh quanh trong bếp nước, nồi cơm, thì chưa đủ tư cách làm một người ở đời”. Tư tưởng của Đạm Phương cao rộng hơn, đó là: “Sự học vấn của con gái là cốt để bổ ích thêm trí thức tư tưởng cho con người biết lo xa nghĩ rộng, khỏi bị mê hoặc ám muội như trước, đã là người thời biết cho đủ tư cách làm người, cuộc sinh tồn cạnh tranh là chung cả nhân loại, có phải riêng chi một ai, mà người làm được người làm không được”. Phụ nữ phải có tri thức, được học hành đầy đủ, ngoài biết chữ nghĩa phải am hiểu một số nghề nghiệp nữ công gia chánh vừa thể hiện cái tài của mình, vừa là phương tiện mưu sinh.

Mộ Đạm Phương nữ sử tại Huế.

Nhiệm vụ của giáo dục để người phụ nữ có chỗ đứng trong xã hội, tham gia vào công việc xã hội với vai trò mới, đầy thách thức. Giáo dục phụ nữ, theo Đạm Phương “… cần phải biết những điều thường thức trước, có thường thức, mới có cái tư cách thực tế xã hội, mà người ở về thời đại này, đều nên hiểu rõ cái chân lý ấy”. Đồng thời, Đạm Phương nữ sử cũng dành nhiều bài viết khuyên bảo chị em phụ nữ về cách tự chăm sóc mình, yêu chồng, dạy dỗ con cái trưởng thành và đặc biệt là giữ gìn hiếu đạo, lấy đó làm căn bản của đức hạnh: “Đạo làm con gái mong trọn vẹn chữ hiếu, nên thể tất tấm lòng hy vọng của người, mới là xứng nghĩa báo đáp.”

Có thể nói rằng, Đạm Phương là một nhà giáo dục sâu sắc, không những chủ trương nữ học mà còn chủ trương sức mạnh của nền giáo dục nước nhà: “Một nhà biết dạy con về đường luân lý đạo ngãi, mười nhà, trăm nhà bắt chước, thành muôn ngàn nhà cũng hóa theo, thuần phong mỹ tục, là đều ở tính nết của những người con trai, con gái trong nước, biết noi theo đường chính mà ra”. Cụ Thảo Am – Nguyễn Khoa Vy sinh thời đã đề một vế đối thể hiện bản lĩnh của bà như sau: “Văn tài nữ sử, sư phạm nữ công, e khi nữ giới yêu cầu, đi phó hội theo chân bà Trưng nữ”, để nói lên cả cuộc đời sôi nổi của một nữ lưu trí tuệ, hiểu biết và giàu ý chí bênh vực nữ quyền như Đạm Phương nữ sử.

Làm người chớ nên quên ơn

Sự giao tế với nhau giữa đời, đều có một cái dây tình nghĩa liên lạc, chịu ơn thì phải trả đền, hoặc trả cho người ấy, hay là trả cho người khác cũng nên, chỉ duy đừng quên ơn mới là phải nghĩa, vì đã quên ơn tức là không biết làm ơn cho ai nữa.

Người mà nhất sinh không chịu làm ơn cho ai, người như thế là hèn yếu lắm và cô độc mà lại ích kỷ quá, chắc là thường ngày thi thố việc chi cũng trái ngược với đời, ăn ở hững hờ không xứng đáng.

Vậy nên phải biết sự liên lạc, sống ở đời đều có quan hệ với nhiều người, từ một bữa ăn bữa uống, khi động, khi tĩnh, nhất nhất không phải một mình ta làm đủ việc, phải nhiều người giúp ta, thế là cái ơn chung trao đổi với nhau. Ví dụ như: Ta nuôi một đứa tôi tớ, hắn nhờ ta cơm ăn, ta nhờ hắn công nghiệp.

Tục mình có câu: Làm giàu có đầu có kép. Lại có câu: Thần cậy cây đa, cây đa cậy thần, nghĩa là phàm việc gì cũng sẽ có giúp đỡ lẫn nhau hết thảy. Đó là một cái dây tình nghĩa liên lạc giữa xã hội. Ai cũng phải có ân nghĩa thù tạc vãng lai hết thảy. Nếu có vãng mà không lai là làm đoạn tuyệt giao hảo. Người như thế là không tốt; như các lời trên kia đã kể: tính hèn yếu, tính ích kỷ, tính cô độc vậy, trong các sự ân nghĩa tầm thường không nên quên, huống hồ còn một cái ân đặc biệt của một người này thi ân riêng cho một người nọ, là cái ơn đề huề cho mình được nên danh tiếng vẻ vang, hoặc giúp đỡ mình trong cơn tật bệnh nghèo khổ hoạn nạn sau khi được thong thả mạnh dạn, thì lòng nào quên ơn người ta đi đặng, nếu những cái ơn dày nghĩa nặng như thế mà quên đi là một người bội bạc phản phúc vô cùng. Dầu người sang trọng giàu có đến đâu, cũng thường bị người ta sỉ mạ cho, lời bài biếm không sao tránh khỏi, vì học làm xấu phong tục và ngăn trở cái lòng tốt của đoàn thể vậy.

Có người lại nói: Tôi bình sinh không muốn mang ơn của ai hết thảy, nói thế thì cũng hay, mà có chắc đúng đặng hết không? Bởi vì cái ơn mình chịu riêng thì chưa có, chớ cái ơn chung giữa xã hội vị tất đã tránh khỏi, chỉ duy đừng có ở giữa đời này, từ hết xóm làng bà con họ hàng vào hang sâu núi rậm mà ở, mới có thể nói thế đặng. Vả lại người ta ở đời có ai dám trông thiên hạ hết thảy đều ghét mình và không ai biết đến mình không. Còn chỉ như người ta đã thương đến mình, biết đến mình, tức là thọ ơn người ta đó rồi. Cho nên thọ ơn có nhiều cách: một lời nói làm cho người tỉnh ngộ lại, sửa lại cái lỗi của mình là ơn, một sự chỉ vẽ chính đáng cho công việc mình làm cũng là ơn, có hạn gì là tiền bạc hay là cho chức vị mới là ơn, mà có lẽ nhất hạng quý là lấy cái lòng thật mà làm ơn. Kiều có câu: “Ngàn vàng gọi chút lễ thường. Mà lòng Phiếu Mẫu mấy vàng cho cân”, lại có câu: “Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương”, thế là cái ơn người ta thương xót mình rất nặng, dầu trả đến nghìn vàng cũng chưa phu, muốn cho thỏa mãn, trừ phi nối chí lòng của người trước đã làm ơn cho mình, mà lại làm ơn cho kẻ sau mình, như thế có lẽ trả nghĩa đền ơn mới xong xuôi phi phỉ đặng.

Vậy thì người đời ăn ở với nhau, chớ sợ sự mang ơn, mà chỉ lo quên ơn mà thôi.

Đạm Phương nữ sử

Theo Trung Bắc tân văn, số ra ngày 11/1/1926

Trích trong tuyển tập Đạm Phương nữ sử – Vấn đề phụ nữ ở nước ta NXB Phụ nữ ấn hành

Lê Vũ Trường Giang

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục