Dòng suối dịu hiền

1. Còn nhớ thuở nhỏ, mỗi ngày hai lần mẹ chở anh em tôi trên chiếc xe đạp cũ đi học, về nhà ngoại. Dù ốm đau, dù nắng mưa, mẹ vẫn đều đặn đưa đón chúng tôi chỉ vì lo con không theo kịp bài vở. Trí nhớ tôi vẫn in đậm hình ảnh mẹ đạp xe chở tôi qua cánh đồng Thanh Lam trời tháng Mười gió bão, liêu xiêu để tôi kịp đến trường dù áo quần sũng nước. Sớm sớm, tấm khăn nhúng nước ấm của mẹ lau mặt mũi đang kèm nhèm ngái ngủ xua đi mọi lười biếng thơ ngây. Chiều chiều, bát cơm đủ đầy mẹ nấu cho chúng tôi chắc dạ. Mùa giáp hạt, nhà thiếu gạo nhưng chúng tôi không lúc nào phải lo đói dù lương mẹ lúc đó được trả bằng những cân thóc. Lớn lên, mỗi lần tan học, tôi ra đồng phụ mẹ nhưng làm thì ít mà chơi đùa thì nhiều. Những cành sắn tôi cắm xiên xẹo, những hạt đậu phộng gieo chệch hàng là kết quả lao động của bàn tay bé xíu trên ruộng nhà. Bàn chân tôi chạy khắp cánh đồng, nhiều lúc để mẹ gọi rã họng mới chịu về. Tuổi thơ tôi đầy mơ mộng là nhờ khoảng yên bình mẹ vun đắp trong mái ấm nhỏ. Bao lần mẹ thức đêm chăm tôi những ngày ốm, bao lần nhịn ăn, nhường phần ngon để con được bữa ăn no. Nay dù tôi lớn khôn, mỗi bước đi của tôi mẹ vẫn dõi theo với nỗi lo lắng khôn khuây. Tôi có lần bắt gặp những giọt nước mắt của những người con mất mẹ trong ngày lễ cài hoa hồng tưởng nhớ mẹ cha ở một ngôi chùa. Anh bạn đi cùng tôi, vốn rất cứng cỏi đã khóc òa khi nghĩ đến người mẹ quá cố mà anh rất đỗi thương yêu. “Mẹ tôi mất rồi!”. Chỉ chừng đó, những khoảng lặng ập đến, nỗi trống trải tình thương bủa vây những người con không còn mẹ. Tôi nghe nhiều tiếng thút thít lặng lẽ trong khán phòng. Tôi còn mẹ, tôi phải làm gì để báo hiếu, làm gì để là một người con hiếu thảo và không thấy hối hận, sầu khổ khi mẹ mãi lìa xa?

2. Người phụ nữ lớn lao nhất là người phụ nữ của gia đình. Ở mái ấm nhỏ bé đó, người mẹ, người vợ đã thể hiện vai trò vun trồng tế bào xã hội bình an, hạnh phúc. Thế nên những người con nói rằng nơi yên ổn nhất là lòng mẹ. Những đứa con đã cất nên lời ca trong bài hát Bông hồng cài áo của Phạm Thế Mỹ, rằng: Mẹ là dòng suối dịu hiền. Mẹ là bài hát thần tiên. Là bóng mát trên cao. Là mắt sáng trăng sao. Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối.

Còn gì đẹp hơn hình ảnh lung linh dịu hiền đó của mẹ bạn, mẹ tôi, mẹ của cả dân tộc này. Sự tảo tần, lặn lội, hy sinh của người phụ nữ cho chồng cho con đã được tụng ca nhiều. Sự cống hiến âm thầm, lặng lẽ của người mẹ thật sự mang lại những giá trị lớn lao, thiêng liêng cho cuộc sống của mỗi mái nhà và của cả dân tộc. Mẹ là biểu tượng cao cả đối với người Việt chúng ta, là một hằng số trong văn hóa dân tộc Việt Nam ta và nhiều vùng văn hóa khác. Biểu tượng người mẹ vĩ đại vô cùng cả trong tâm thức mỗi người và trùm lên cả một dân tộc suốt mấy nghìn năm. Trong những yếu tố cấu thành đặc trưng văn hóa Việt Nam, hằng số mẹ có biểu hiện và ảnh hưởng khá lớn đến cách ứng xử của cộng đồng người Việt. Hàng ngàn năm nay, linh tượng mẹ Âu Cơ trở thành sức mạnh tâm linh bền bỉ trong dòng máu Lạc Hồng. Suốt bao nhiêu thế kỷ đã trôi qua, hình ảnh người mẹ giống nòi đã là tiếng gọi cộng đồng, đoàn kết toàn dân. Đây gương nữ liệt Hai Bà Trưng, Bà Triệu và biết bao người chị, người vợ, người mẹ đã làm nên bao trang sử dựng nước, giữ nước hào hùng. Yếu tính mẫu luôn có nhiều đóng góp quan trọng, quyết định vận mệnh của cộng đồng, đất nước. Yếu tính này có tính hàm ẩn, như mạch nước ngầm chảy trong văn hóa Việt.

3. Một lần nọ, tôi có dịp được ngắm bức tượng gỗ Mẹ tôi của nghệ nhân Lê Văn Xanh ở Huế, lòng dấy lên nỗi bồi hồi. Đó là bức tượng gỗ khắc họa cảnh hai mẹ con ngồi nghỉ bên một tảng đá sau khi người con trai khỏe mạnh cõng người mẹ mù qua suối. Hình ảnh này ông bắt gặp trong những năm tháng “ngậm ngải tìm trầm” ở núi rừng, trong lúc tình cờ dừng nghỉ bên bờ và thấy cảnh chàng trai Pa Cô cõng mẹ lội suối. Bức tượng khỏe khoắn, mềm mại với những đường gân thớ thịt y như người thật, người ta thấy rõ sự dẻo dai của người con hiếu thảo bên cạnh thân mẫu mù lòa. Ngắm bức tượng, người xem cảm nhận sâu sắc được tình cảm mẹ con và lòng hiếu thảo với nhiều cảm mến. Lại nhớ chuyện cụ Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) nghe tin mẹ mất, thương mẹ mà khóc đến mù lòa. Về nhà lại dành ba năm đóng cửa chịu tang mẹ, tấm lòng người con ấy hậu thế nào quên được. Hãy luôn hướng đến mẹ cha, dành tất cả tình thương yêu của một người con để làm những việc có ý nghĩa khiến cha mẹ vui lòng. Tôi cõng các ý nghĩ đó đi suốt những năm ấu thơ. Có những lúc xa mẹ, không làm trọn nghĩa của một đứa con; những lúc ham vui mà quên mất mẹ đương lo lắng cho mình và những lúc nói dối mẹ để được làm theo ý muốn, sở thích không mấy bổ ích của mình. Đó là những lúc mình có tội mà không biết, sau này nghĩ lại thật đáng trách, đáng xấu hổ. Diễm phúc nhất trong một đời người là có mẹ, được chăm sóc, yêu thương, chia sẻ với chúng ta bao nhiêu chuyện vui buồn của cuộc sống. “Không có bài hát nào nói đủ về Mẹ. Mất Mẹ là mất đi một tài sản lớn nhất trong toàn bộ sự giàu có của một đời người (Trịnh Công Sơn). Mẹ cùng cha dưỡng dục chúng ta, đem đến những lời khuyên, những dỗ dành, an ủi để chúng ta vững bước trên con đường đời. Đừng bao giờ quên sau mỗi bước đi của mình có hình bóng mẹ cha dõi theo, che chở cho ta vượt qua mọi gian nan, thử thách. Xin thành kính tạ ơn cha mẹ, cầu chúc những ai còn mẹ hãy luôn yêu thương mẹ mình và những ai không còn mẹ hãy lắng nghe những lời mẹ dạy thuở sinh thời.

Châu Phù

Ảnh: NAG Trung Thu

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục