Để sống gần với thiên nhiên mà không phải gồng mình gượng ép

Người ta thấy thỉnh thoảng trên trang cá nhân, nhà văn Nguyễn Lê My Hoàn lại “khoe” thành quả mà cô “gặt hái” được từ góc vườn trên sân thượng nhà mình, những quả đu đủ, mướp, chùm khế, củ gừng… nhìn rất ngon mắt. Trong cuộc trò chuyện với 24h Sống Xanh, tác giả của Lối đi ngay dưới chân mình chia sẻ những bí quyết nho nhỏ giúp cô “sống gần với thiên nhiên mà không phải gồng mình gượng ép”.

Nhà văn Nguyễn Lê My Hoàn.

Tuy tự nhận mình “làm vườn lèng èng”, nhưng người ta thấy bạn thường xuyên khoe “thành quả” trên trang cá nhân là những trái đu đủ to, mướp… trồng ngay trên sân thượng ở nhà. Bạn nói gì về sở thích này, và bí quyết nào để trở thành một người làm vườn nghiệp dư nhưng “thu hoạch” cũng đáng kể?

Tôi nghĩ mình là một phiên bản khác của ba tôi – một công chức ngân hàng mê làm vườn lúc rảnh. Ngày xưa, lúc ba mẹ tôi mua được một mảnh vườn nhỏ ở ngoại ô Đà Nẵng, nó hơi trũng và cằn cỗi, nên để cải tạo vườn, ba tôi phải đào những cái hố to và anh em chúng tôi phải mang phân heo, gà sau khi dọn chuồng đổ xuống hố và phủ lên bằng tro bếp, rau củ quả thừa, những đống cỏ nhổ trong vườn, những bao trấu xin từ nhà máy xay xát gần nhà về. Những hố đất đó là những kho dự trữ dinh dưỡng mà ba tôi dành cho khu vườn. Triết lý làm vườn của ba tôi là: bồi đắp và luân canh, tận dụng mọi thứ rác hữu cơ có thể phân huỷ thành mùn.

Tôi cũng học ba, cung cấp chất dinh dưỡng cho khu vườn nhỏ trên sân thượng của mình ở Sài Gòn bằng các loại rau, củ, quả thừa trong bếp và những bao vỏ bắp, vỏ cam, vỏ sầu riêng thỉnh thoảng xin từ chợ gần nhà. Không mua phân bón bên ngoài, ban đầu cây trong vườn của tôi rất còi cọc, nhưng dần dà khi lớp mùn trong các bồn đất dày lên, chỉ cần xới nhẹ là đã thấy mấy con trùn mập mạp thì gần như cây trổ mã, hạt giống thả xuống là mọc lên thành cây khoẻ khoắn. Tôi rất thích khu vườn nhiều cây lớn của ba mẹ, nên cũng cố trồng vài cây ăn trái cho vui.

Đu đủ, chanh, khế, cóc, bưởi… là những cây ăn trái không quá lớn, những bồn đất sâu 6 tấc, rộng 6 tấc là đủ trồng ngon lành rồi. Dưới những gốc cây này tôi giâm thêm những cọng rau lang, rau muống, bồ ngót, rau diếp cá, húng lủi, húng quế, lá lốt, ngải cứu, sả, nghệ, gừng… Có rất nhiều loại rau ăn lá có thể sống dưới bóng cây hoặc chỉ cần một số giờ nắng trong ngày, và vì chúng chỉ cần một lớp đất mặt mỏng thôi, trong khi bồn đất lớn và sâu, lại giàu dinh dưỡng nên một bồn như thế đủ cưu mang một cây ăn trái cỡ vừa và vài loại rau ăn lá cùng sum suê tươi tốt. Tôi rất thích những loài dây leo như mướp, bầu, bí, mồng tơi, đậu… vì chúng chỉ cần một khoảng đất bé tí để chen chân cùng một sợi dây để bám vào và leo lên giàn rồi ở trên cao thoải mái hít nắng gió mà trổ trái cực kỳ nhanh và nhiều. Khi tàn, chúng cũng là nguồn cung cấp sinh khối nhiều nhất để bồi đắp dinh dưỡng cho khu vườn của tôi.

Xơ mướp được dùng làm giẻ rửa chén.

Theo bạn, thế nào là “sống xanh” và làm sao để sống gần thiên nhiên hiệu quả, đem lại thay đổi tích cực cho bản thân mà không phải chạy theo các phong trào, xu hướng thời thượng?

Tôi nghĩ “sống xanh” có lẽ là sống sao cho ít rác thải nhất và ít gây hại nhất cho các thực thể sống quanh mình.

Nhà tôi cực kỳ ít rác thải, có lẽ cả tháng tôi mới cần thải ra một túi rác nhỏ gồm một số bao bì khó phân hủy. Do lúc đi chợ tôi luôn mang theo túi vải và hộp đựng để hạn chế nhận về túi nilon, rau củ quả hay thức ăn thừa thì đã mang lên khu vườn nhỏ trên sân thượng làm mùn cho đất rồi. Tôi cũng hạn chế mua những món đồ có bao bì khó phân hủy hoặc không tái sử dụng được, thế nên lượng rác thải ra trong tháng cực kỳ ít, dù tôi vẫn là công dân gương mẫu, đóng trước tiền rác cả năm.

Từ ba năm nay, tôi sử dụng enzyme bồ hòn cho mọi nhu cầu tẩy rửa trong nhà từ rửa chén, lau nhà, giặt giũ.

Thật sự thì lúc đầu tôi ngại khó nên toàn đi mua những chai bồ hòn làm sẵn, nhưng giá cũng đắt và thải ra nhiều chai nhựa quá nên để không đi ngược lại quy tắc sống ít xả rác của mình, tôi đành tự làm theo công thức phổ biến trên mạng, ai dè nó cực kỳ dễ. Bồ hòn thì đi mua, vỏ cam thì chỉ cần ngỏ lời là xin được cả bao tải từ mấy xe đẩy bán cam vắt, nên thành quả là một thứ nước giặt rửa sinh học vàng ươm, thơm mùi cam và khá nhiều bọt, rửa chén rất sạch và ít tốn nước, quần áo giặt xong cũng thơm tho. Nhưng vui nhất là cảm giác nước thải sinh hoạt từ nhà mình sẽ giúp làm loãng dòng nước đầy hoá chất trong lòng cống và khiến không khí trong nhà trong lành hơn.

Để sống gần gũi với thiên nhiên mà không phải gồng mình gượng ép, tôi nghĩ có lẽ mọi người cần xem phim hoạt hình Vua sư tử nhiều lần hơn. Đùa đấy, nhưng thực ra trong phim có một câu rất hay nói về “Vòng tròn sinh mệnh”, rằng vạn vật đều có liên hệ với nhau trong vòng tròn sự sống vĩ đại, và mỗi sinh mệnh dù nhỏ bé nhất đều đáng được trân trọng…

Nhớ được điều ấy rồi thì mỗi khi định làm gì sẽ tự dưng chùn lại một chút, sẽ nghĩ liệu việc mình sắp làm đây có ảnh hưởng đến sự sống nào không, làm thế nào để hạn chế những ảnh hưởng ấy…

Mỗi khi tôi ủ rác thải để làm vườn hay khi ngâm enzyme bồ hòn làm nước rửa chén, giặt giũ… đúng là hơi có chút mất công hơn so với việc bỏ rác vào bao và đem đi đổ hay ra tiệm tạp hoá mua một chai nước giặt tẩy. Nhưng thay vì vậy tôi có niềm vui được thưởng thức không khí sạch trong nhà hay niềm hạnh phúc được tự tay hái rau, quả mình trồng.

Khi tôi cố gắng để sự tồn tại của mình ít làm hại những sinh thể sống quanh tôi, có lẽ những sinh thể ấy đã tặng lại cho tôi niềm vui và sinh lực sống. Nếu hiểu về nhân quả và vòng tròn sinh mệnh, tôi nghĩ tự khắc người ta sẽ điều chỉnh được cách sống, khi cách sống đã trở thành thói quen thì thật ra cũng không lấy gì làm bất tiện nữa, xét nhiều bề còn có thêm lợi ích và tiết kiệm được tài lực nữa, còn chưa hiểu thì có theo xu hướng hay phong trào nào thì cũng chỉ được ít bữa thôi.

Hoa trái My Hoàn trong vườn nhà.

Là người có dịp đi công tác ở nhiều nước, bạn thấy có điều gì về lối sống thân thiện với môi trường mà người Việt có thể học hỏi, làm theo người nước ngoài?

Câu hỏi này hơi khó nhỉ, tôi cũng không biết phải trả lời ra sao.

Ban đầu, khi mới đi ra nước ngoài tôi chỉ biết trầm trồ khen ngợi là sao họ sạch thế, bỏ rác đúng nơi quy định thế, họ yêu cây cỏ chim muông thế, chắc là họ có cách giáo dục đặc biệt hơn chúng ta chăng? Về sau, khi hỏi thăm bè bạn nước ngoài, tôi cũng hiểu hơn, rằng: đúng là họ có lưu ý dạy cho trẻ em ý thức bảo vệ môi trường từ nhỏ, nhưng kèm theo đó là những quy định chế tài rất nghiêm khắc. Ví dụ các quy định về bảo vệ động thực vật ngoài tự nhiên hay quy định về việc phân loại rác. Ví dụ, rác sẽ không được đổ và chủ nhà sẽ bị phạt nếu không làm theo quy định. Ngoài ra những vật dụng lớn khi bị thải bỏ thường phải trả thêm tiền cho việc xử lý, nhiều khi tiền ấy cũng ngang ngửa việc mua mới… Chính những quy định nghiêm khắc ấy khiến người ta chùn tay khi muốn cư xử tuỳ tiện.

Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều bạn trẻ tiên phong trong việc sống xanh, thân thiện với môi trường. Tôi đã học được rất nhiều từ các bạn ấy. Tất nhiên việc chuyển đổi những thói quen của cả một cộng đồng không hề đơn giản. Tôi nghĩ để khởi đầu một điều tốt đẹp, đôi khi rất cần một bàn tay nghiêm khắc…

Bạn có phải là người theo chủ nghĩa xê dịch? Và có “được, mất” gì khi theo khuynh hướng này?

Lâu nay tôi được đi đó đi đây nhiều nên có thể một số bạn nghĩ tôi là người theo chủ nghĩa xê dịch, nhưng sự thực hơi ngộ là bản chất của tôi khá thụ động, từ nhỏ tôi vốn nhút nhát và lặng lẽ. Tôi thích đọc sách và thích ngồi yên như một cái cây nhiều hơn, tuy nhiên, có lẽ số phận dành cho tôi khá nhiều ưu ái khi tặng cho tôi một công việc mà nhờ đó tôi được đi đến rất nhiều nơi trên thế giới.

Cái được lớn nhất từ những chuyến đi, có lẽ là giác quan của tôi được chiêu đãi những thực đơn mới mẻ, nhờ vậy tầm nhìn và cảm xúc của tôi được mở rộng đa chiều hơn, tôi có thêm những người bạn tốt ở nhiều nơi, trái tim tôi bao dung hơn, càng đi nhiều tôi càng ít chê bai hơn, và thật sự kỳ lạ là càng đi tôi càng thấy hành trang của mình rất nhẹ, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tôi bây giờ chỉ cần trước mặt hiển hiện một vài điều tốt đẹp bé xíu là đã cảm thấy rất hạnh phúc rồi.

Cái mất từ việc xê dịch nhiều với tôi có khi lại nằm trong chính những cái được mà tôi đã có ở phía trên. Đi nhiều quá nên những thứ tôi học được và cảm được ngồn ngộn, với trí tuệ nhỏ bé của tôi, tiêu hoá hết chừng ấy thứ cũng hơi khó, nên trong khi ngôi nhà ngoài đời của tôi đã khá tối giản và ngăn nắp thì ngôi nhà tinh thần trong đầu tôi lại hơi bề bộn. Và sự bề bộn ấy khiến năng lượng của tôi bị phân tán khá phung phí – cái mất ấy có lẽ là lớn nhất.

Dường như đã lâu người đọc không còn thấy bạn ra mắt tác phẩm? Bạn tự thấy mình của ngày hôm nay có gì đổi thay, khác với thời của Lối đi ngay dưới chân mình?

Vâng, đúng là rất lâu rồi tôi không ra mắt tác phẩm nào. Có lẽ tôi đã bị cuốn theo công việc và những chuyến đi nên không còn đủ tĩnh tâm để viết cho ra một tác phẩm hẳn hòi ngoài những ghi chép vụn vụn.

Tôi cũng không rõ mình khác với thời của Lối đi ngay dưới chân mình như thế nào nữa, có lẽ người ngoài mới thấy rõ được. Có một điều tôi thấy mình vẫn như xưa là vẫn sống theo bản năng cảm xúc, vẫn khóc cười được với những điều tốt đẹp nhỏ bé, tôi cảm thấy đây là điều khiến mình ưng mình nhất, vì nếu mỗi ngày không cảm được có điều gì đó để vui mà sống thì cuộc đời sẽ buồn biết mấy…

Bá Nha (thực hiện)

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục