Bánh mì thanh long và mùa giải cứu nông sản
Mấy hôm nay, người Sài Gòn bỗng lên “cơn sốt nhẹ” đối với loại bánh mì mới xuất hiện, màu đo đỏ có tên gọi bánh mì thanh long…
Đây là sản phẩm mới của một thương hiệu bánh nổi tiếng của Sài Gòn, được làm ra với mục đích giải cứu thanh long. Tôi cũng tham gia vào những dòng người đi mua hàng giải cứu gián tiếp nông sản Việt đang lao đao ấy, bằng cách mua bánh mì. Chị mua bánh đứng trước bảo tôi hên lắm mới tới đúng lúc bánh mì vừa ra lò, mua kịp trước khi chúng hết veo. Hôm qua chị tới tiệm mua 2 lần mà hết, lại có việc phải đi nên không đợi mẻ bánh mới được.
Người Sài Gòn đang làm một điều khá lạ, đi mua bánh mì mà trật tự xếp hàng đợi tới lượt. Không hề càu nhàu khi tiệm bị hết bánh, kiên nhẫn chờ 20-30 phút đợi tới mẻ bánh mới. Tới lúc mua cũng chỉ được tối đa 5 ổ/ người vẫn vui vẻ đồng ý, giá bán cao hơn bánh mì bình thường một chút, 6000 đồng/ổ cũng không càm ràm nhăn nhó. Bánh mì thanh long làm ra luôn không kịp bán.
Rất nhiều người Sài Gòn mấy hôm nay cũng giống như tôi, có một sự tò mò nhất định với món bánh mì không phải là màu vàng quen thuộc xưa nay, mà là một màu hồng lấm tấm hạt đen của trái thanh long ruột đỏ. Món mới bao giờ cũng có hấp dẫn nhất định, nhưng thu hút người mua như bánh mì thanh long là điều chưa có tiền lệ đối với chuyện mua bánh mì từ trước đến nay.
Tất cả không chỉ vì bánh ngon, lạ, mà còn vì cái tâm của người làm ra loại bánh này, với mục đích đầu tiên và trên hết, giải cứu thanh long, góp phần giải cứu nông sản Việt đang lao đao trong cơn đại dịch Covid-19. Hiếm khi người làm ăn kinh doanh chia sẻ bí kíp của mình, nhưng ông chủ hiệu bánh sở hữu bánh mì thanh long này lại có suy nghĩ khác.
Tốn công bỏ sức nghiên cứu, bánh ra thị trường đang rất hot nhưng ông chủ lại không giữ làm của riêng, đăng ký bảo hộ độc quyền mà lại đi loan báo rộng rãi công thức làm bánh mình thanh long này cho nhiều người, nhiều nơi cùng làm. Nghĩa là sản lượng tiêu thụ ban đầu trên dưới 1 tấn thanh long mỗi ngày để làm bánh mì chỉ riêng ở hiệu bánh này, sẽ được nhân lên rất nhiều khi công thức này được lan tỏa, cộng đồng hưởng ứng.
Mỗi cải tiến dù nhỏ nhưng tích lũy lại cũng mang giá trị rất to lớn. Ông chủ của bánh mì thanh long cũng cho biết đang nghiên cứu thêm các nông sản Việt khác sầu riêng, dưa hấu, bơ… để tiếp tục làm bánh “giải cứu”.
Trong trường hợp khác, một người bạn tôi vừa khai trương một tiệm nước ép trái cây. Chưa kịp nghĩ đến chuyện lời lỗ, anh đã nghĩ ra việc mua dưa hấu giải cứu ép bán với giá vốn để góp phần tiêu thụ mạnh hơn cho dưa hấu. Hơn nửa tấn dưa được tiêu thụ chỉ trong vài ngày là con số đáng kể đối với một tiệm nước mới đi vào hoạt động. Chủ một hệ thống nhà hàng vừa quyết định, những món trái cây anh phục vụ cho khách hàng sẽ là danh sách những loại trái cây cần được giải cứu.
Tấm lòng của những người ủng hộ giải cứu nông sản, bằng cách này hay cách khác, thật đáng trân trọng. Mỗi lúc, hình thức giải cứu lại đa dạng phong phú. Mong rằng sắp tới sẽ có nhiều sáng tạo hơn về việc chế biến nâng cao giá trị trái cây Việt. Hẳn nhiên, còn nhiều thứ cần phải giải cứu cho nông dân Việt nữa và hình thức giải cứu không chỉ đơn thuần là mua giùm, bán giúp, ăn hộ. Nhưng một khi đã xuất phát từ tình người giúp nhau trong lúc khó khăn, sẽ nảy ra nhiều sáng kiến, ý tưởng hữu ích khác, để mỗi người chung tay góp vào, trong lúc chờ những giải pháp căn cơ khác từ các cơ quan chức năng liên quan.
Sơn Trà
Theo 24hsongxanh.vn
Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/banh-mi-thanh-long-va-mua-giai-cuu-nong-san/