Từ số lượng đến chất lượng

Khởi nghiệp cần chú trọng chất lượng chứ không phải số lượng, dài hạn chứ không phải ngắn hạn, giải pháp chứ không phải con số.

 

Chưa bao giờ mà số lượng startup tại Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ như vậy, và theo xu thế này thì có vẻ như không gì có thể ngăn cản số lượng này tiếp tục bùng nổ trong những năm sắp tới. Vấn đề là chừng nào số lượng sẽ biến thành chất lượng? Nhưng như thế nào thì được gọi là có chất lượng?

Thứ nhất, chất lượng liên quan đến tỷ lệ thành công mà nếu không nhầm thì ở Việt Nam tỷ lệ này không vượt quá 5%. Nghĩa là cứ 100 doanh nghiệp khởi nghiệp được mở ra thì chỉ có vài công ty được cho là thành công – khi tồn tại và tiếp tục phát triển sau thời gian 2-3 năm đầu tiên.

Đó là dựa theo một định nghĩa khá dễ dãi, còn đối với các nhà đầu tư thiên thần hay các quỹ đầu tư mạo hiểm thì thước đo của sự thành công rõ ràng có nghiêm khắc hơn: Startup thành công là phải gia tăng doanh thu, gia tăng thị phần và lớn mạnh không ngừng. Và nếu được thì danh tiếng của nó phải vượt ra khỏi biên giới địa phương càng xa càng tốt để giá trị công ty nhảy vọt đến mức hàng trăm triệu, hàng tỷ đô la Mỹ mà giới chuyên môn gọi là startup “kỳ lân” hay “unicorn”.

Ông Lý Quí Trung, Tổng giám đốc AKA Furniture Group.
Ông Lý Quí Trung, Tổng giám đốc AKA Furniture Group.

Nếu theo định nghĩa này thì tỷ lệ thành công đúng nghĩa của đội ngũ startup Việt Nam lại càng thấp nếu không muốn nói là gần như chưa có gì ngoài cái tên VNG hay VinaGame đình đám vừa được đưa lên thị trường chứng khoán tại New York cách đây không lâu. Nhưng đó là thành công loại “kỳ lân” mà ở bất cứ nền kinh tế nào cũng tương đối khan hiếm.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tại các hội thảo về khởi nghiệp ở Việt Nam: Nhìn chung đội ngũ khởi nghiệp của Việt Nam còn quá non trẻ và thiếu sự chuẩn bị để thành công ở mức thông thường như bất kỳ một doanh nghiệp nào trên thị trường.

Sự thiếu chuẩn bị ở đây bao gồm cả kinh nghiệm lẫn uy tín cũng như những khả năng về tài chính và quản trị kinh doanh cần thiết. Những kinh nghiệm và khả năng này cũng chính là yếu tố quyết định trong việc thuyết phục các nhà đầu tư khi doanh nghiệp bước vào giai đoạn cần tăng tốc. Điều này làm tỷ lệ thành công của startup Việt vốn đã thấp nay càng thấp hơn.

Để khắc phục tình thế khó khăn này, các nhà khởi nghiệp trẻ không còn cách nào khác là phải cải thiện năng lực của chính mình trước khi dấn thân vào con đường startup chứa đựng quá nhiều rủi ro.

Một trong những cách cải thiện hiệu quả đáng cân nhắc là thay vì mở doanh nghiệp startup ngay, nhà khởi nghiệp cũng có thể mở một doanh nghiệp nhỏ với những mục tiêu kinh doanh và phát triển khiêm tốn hơn nhằm tích luỹ kỹ năng và kinh nghiệm.

Cũng cần phân biệt sự khác nhau giữa một doanh nghiệp vừa và nhỏ bình thường so với doanh nghiệp khởi nghiệp đúng nghĩa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường đặt mục tiêu lợi nhuận và đường hướng phát triển ổn định lên hàng đầu trong khi doanh nghiệp khởi nghiệp lại chú trọng vào sự đổi mới, sáng tạo và sự đột phá trong kinh doanh. Hai con đường đi này nhìn từ bên ngoài có vẻ giống nhau nhưng bản chất thì hoàn toàn khác nhau.

Nền kinh tế Đài Loan xếp thứ 7 châu Á và được Quỹ tiền tệ quốc tế liệt kê trong nhóm các nền kinh tế tiên tiến của thế giới chính là nhờ biết dựa trên một lực lượng vô cùng hùng hậu các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính các doanh nghiệp này mới là bệ phóng lý tưởng cho các startup muốn thay đổi thế giới.

Trở lại câu hỏi làm sao cho đội ngũ startup Việt di chuyển dần từ số lượng sang chất lượng, một quan điểm kinh doanh rất quan trọng cũng cần được chấn chỉnh: Đó là mục tiêu để khởi nghiệp hay startup là gì?

Dường như nhiều nhà khởi nghiệp trẻ cũng như không ít nhà đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam hiện nay thường gắn cái mác “triệu đô la Mỹ” vào hai chữ startup. Các doanh nghiệp startup đã vô tình bị khoác lên mình một sứ mạng quá lớn về tài chính và quên đi những mục tiêu cốt lõi đó là tạo ra các sản phẩm hay dịch vụ có thể cải thiện cuộc sống, cải thiện chất lượng sống, thay đổi thế giới. Các con số triệu triệu đô la chắc chắn không phải là mục tiêu ban đầu. Nói khác đi, khởi nghiệp đúng nghĩa là khởi đầu một sự nghiệp có ý nghĩa, đem lại lợi ích cho cộng đồng – xã hội, chứ không phải là bắt đầu một hành trình làm triệu phú.

Giấc mơ trở thành triệu phú không có gì là sai, nhưng nó phải là hệ quả của các giấc mơ gắn liền với chất lượng cuộc sống trước đó. Đó là giấc mơ vừa đứng trên đôi chân của chính mình vừa đem lại một giải pháp nào đó cho môi trường xung quanh. Chất lượng quan trọng hơn số lượng. Thành công về giải pháp quan trọng hơn thành công về con số. Con số khi đó chỉ là thành quả của giải pháp.

Đó có lẽ là một trong những lý do khiến Nguyễn Hà Đông quyết định tháo gỡ game ứng dụng “Flappy Bird” của mình ra khỏi App store và Google Play khi đang kiếm hơn 50.000USD mỗi ngày. Thử tưởng tượng nhà thiết kế trò chơi trên điện thoại thông minh này sẽ giàu thêm như thế nào nếu không tự mình chấm dứt nguồn doanh thu mà ngay cả Mark Zuckerberg cũng không kiếm bằng vào thời kỳ đầu của facebook.

Đây là lời chia sẻ và nhắn nhủ của Nguyễn Hà Đông cho các bạn trẻ sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào tháng 11/2019 vừa qua: “Không nên đánh đổi sự trưởng thành bằng những thành công ngắn hạn”. Câu này cũng có thể hiểu là không nên đánh đổi chất lượng, ý nghĩa của cuộc sống bằng đồng tiền dù có lớn như thế nào đi nữa.

Lý Quí Trung

Theo theleader.vn

 

Link nguồn: https://theleader.vn/tu-so-luong-den-chat-luong-1579251651851.htm

Cùng chuyên mục