Thảm họa môi trường – Khủng hoảng trách nhiệm

Cháy “thường” đã khủng khiếp, nay có thêm loại mới không biết phải gọi là cháy gì, vì nó đã “nâng cấp” mối thiệt hại và gây ra bao nhiêu thảm họa đáng sợ…

Cháy ở nhà máy Rạng Đông ngoài Hà Nội, mà sao người Sài Gòn, người cả nước, thậm chí đài nước ngoài cũng phải làm bàn tròn trực tuyến để nói về nó?

Câu hỏi thì nhiều lắm, truyền thông phải đi tìm câu trả lời cho công chúng như: Có độc hay không độc? Ảnh hưởng thế nào? Bỏ nhà cửa đi rồi bao giờ về được? Ai chịu trách nhiệm? Biết kiện ai? Và rồi hàng loạt câu hỏi ấy làm lòi ra câu hỏi cốt lõi: Vì sao tuyên bố bất nhất? Phường Hạ Đình ra thông báo đầu tiên cho dân báo động có độc, hướng dẫn sơ bộ về thực phẩm trong vòng bao xa… nhưng rồi lại bị Quận Thanh Xuân phê bình bắt thu hồi văn bản. Báo đài nước ngoài phỏng vấn chuyên gia, rằng phát biểu của bộ trưởng nói an toàn có là quá sớm và có dựa trên một điều tra cẩn thận chưa? Xử lý vừa chậm vừa lúng túng, bất nhất khi đám cháy không là cháy “thường” mà trở thành thảm họa môi trường đã làm dân chúng nhận diện rõ một thảm họa khác – thảm họa trách nhiệm. Một thảm họa do tai nạn kéo theo thảm họa về xử lý khủng hoảng. Thái độ và cách ứng xử của con người làm cho tai nạn trở thành thảm họa. Một khoa học mà thế giới từ lâu đã đưa thành bài bản, nhưng ở Việt Nam còn rất mơ hồ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đụng chuyện mới “tóe ra” nhiều điều!

Nào là hai giới phải đi khám sức khỏe đầu tiên là lính chữa cháy và nhà báo. Giờ mới lại nhớ lại những nghề nguy hiểm và luôn phải “xông lên trước nhất” chả khác nào các anh bộ đội thời chiến. Người thì dập lửa người thì phải truyền tin nhanh nên phải xông vào đầu tiên.

Nào là vừa bị tai nạn, công ty Rạng Đông còn phải soạn công văn xin lỗi vì đã làm “phiền lòng lãnh đạo”. Dân mạng lại “còm”: Thế mới biết, cháy tuy có sợ thật nhưng chưa sợ bằng ở đâu bị các sếp ghét!

Nào là bao hoài nghi: Công ty đã nhiều lần xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng không được phép. Hay là sống trên 5,7 ha đất vàng bao người thèm, nên không được di dời? Có lợi ích nhóm không? Và sự hoài nghi “bị cháy hay… cố tình cháy?… khiến thông tin rối mù mà chưa có một điều tra đưa ra kết luận đúng với sự thật.

Có thông tin còn nhắc lại thảm họa năm nào ở Nhật cũng do chất thủy ngân rồi thành tên ghép cái nhà máy cháy với tên thành phố nơi xảy ra thành “Thảm họa Minamata”. Thế giới thành lập “công ước Minamata” để giữ an toàn và loại dần chất độc…

Có người còn nhắc lại cách xử lý khủng hoảng của Thái Lan năm ngoái khi đội bóng thiếu nhi kẹt trong hang do nước lũ ngập. Có tin một cái là họ phong tỏa hiện trường được ngay. Báo ngay cho cơ quan chức năng, hàng ngày họp báo sáng – chiều, cựu Tỉnh trưởng chỉ huy chiến dịch, thông tin chính thức, đầy đủ theo tiến độ. Kinh nghiệm của họ trong giải quyết cứu nạn quan trọng là thông tin. Không làm xáo trộn, không mất kiểm soát… Người dân thấy Chính phủ đầy tình người trong huy động và tổ chức cứu trợ…

Ôi sao họ làm được thế nhỉ? Ta có thể tổ chức ra bộ phận nào hành động nhanh trong khủng hoảng không?

Các câu hỏi và suy nghĩ dồn dập. Những thảm họa môi trường thật đáng sợ hơn khi  kèm theo nó là khủng hoảng trách nhiệm!

Vụ việc Rạng Đông, từ đám cháy tai nạn thành thảm họa môi trường, khủng hoảng trách nhiệm vì sự vào cuộc muộn của các cơ quan hữu trách, vì thông tin bất nhất giữa chính quyền và giới chuyên môn…

Quảng Yên

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục