Đà Nẵng hoán đổi đất, lấy đất dự án ven sông làm công viên
Mới đây TP.HCM, Huế, Cần Thơ và đặc biệt là Đà Nẵng có chủ trương dành đất dọc bờ sông để làm công viên. Chủ trương này được người dân đồng tình ủng hộ.
Điển hình như việc Đà Nẵng vừa có báo cáo về kết quả thực hiện rà soát các dự án ven sông Hàn từng gây xôn xao dư luận.
Theo đó, Đà Nẵng sẽ hoán đổi đất, bồi thường cho các nhà đầu tư để dành phần lớn đất làm công viên, trục đi bộ ven sông nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của cộng đồng và doanh nghiệp.
Không xây nhà cao tầng ven sông
Theo UBND TP Đà Nẵng, sau khi báo chí phản ánh về hai dự án này, lãnh đạo TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát hồ sơ pháp lý, làm việc với nhà đầu tư về điều chỉnh quy hoạch dự án Marina Complex và dự án Olalani Riverside Tower theo chủ trương của Thành ủy.
Đến nay, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch hai dự án theo hướng không cho phép xây nhà cao tầng ven sông, dành quỹ đất đó làm công viên. Cụ thể, với dự án Marina Complex sẽ mở rộng đường 8m ven sông thành trục đi bộ kết hợp cây xanh rộng 20m. Dịch chuyển toàn bộ công viên cây xanh về phía sông. Mở rộng trục giữa dự án từ 16,5m thành 53 – 57m thông ra trục đi bộ ven sông, quy hoạch vệt cây xanh kết hợp bãi đậu xe 2 bên.
Đáng chú ý, tại dự án Marina Complex, Sở Xây dựng đề xuất điều chỉnh không quy hoạch đất căn hộ, khách sạn. Đồng thời đất công viên, cây xanh tăng từ 4.259m2 lên 9.042m2, đất giao thông, sân nền tăng từ 14.830m2 thành 21.500m2 để phục vụ mục đích công cộng.
Còn đối với dự án Olalani Riverside Tower sẽ điều chỉnh tuyến đường ven sông thành đường đi bộ 20m dọc bờ sông. Mở rộng trục giữa dự án từ 33m thành 53m và thông ra đường ven sông, bố trí vệt cây xanh 2 bên kết hợp bãi đậu xe. Ngoài ra, điều chỉnh 2 khu đất chung cư cao cấp kết hợp trung tâm thương mại và khách sạn cao 25 – 30 tầng phía bắc và phía Nam thành công viên cây xanh kết hợp bãi đỗ xe.
2.000 tỉ đồngĐó là ước tính giá trị sử dụng đất tại hai dự án bất động sản bị giảm khi chuyển đổi công năng. Đà Nẵng dự tính hoán đổi đất để quy hoạch thành công viên ven sông Hàn. |
Hoán đổi đất cho chủ đầu tư
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên – môi trường TP Đà Nẵng, việc điều chỉnh quy hoạch sẽ làm giảm giá trị sử dụng đất của 2 dự án lên tới gần 2.000 tỉ đồng. Vì vậy, Đà Nẵng thống nhất chọn một số khu đất khác để hoán đổi cho hai chủ đầu tư nhằm bồi thường thiệt hại do việc điều chỉnh quy hoạch trên.
UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên – môi trường sơ bộ khái toán và xác định nguồn kinh phí bồi thường do điều chỉnh quy hoạch, vị trí các khu đất dự kiến hoán đổi. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, chủ đầu tư 2 dự án đã có văn bản đề nghị Đà Nẵng xem xét bồi thường do điều chỉnh quy hoạch bằng một số khu đất khác và đang được địa phương này xem xét.
Trong khi đó, dự án nhà hàng và bến du thuyền phía nam cảng sông Hàn do Công ty TNHH I.V.C của ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) làm chủ đầu tư cũng đang được Đà Nẵng điều chỉnh mục đích sử dụng. Theo đó, TP này sẽ dành toàn bộ đất xây dựng công trình công cộng để phục vụ cộng đồng.
Trước đó, vào năm 2015, UBND TP Đà Nẵng có quyết định cho Công ty TNHH I.V.C thuê 3.000m2, trong đó diện tích đất gần 1.633m2, diện tích đất có mặt nước là 1.367m2 với thời hạn sử dụng đất là 50 năm để xây dựng dự án nhà hàng và bến du thuyền phía nam cảng sông Hàn.
Mới đây, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã có báo cáo cho biết theo quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực xung quanh thành Điện Hải được UBND TP phê duyệt tại quyết định ngày 25-1 thì công trình nhà hàng và bến du thuyền được điều chỉnh chức năng thành công trình văn hóa, dự kiến làm trung tâm thông tin du lịch.
Tốn kém vẫn làm
Tại hội nghị lấy ý kiến phản biện dự án ven sông Hàn do Ủy ban MTTQ VN TP Đà Nẵng tổ chức, ông Bùi Văn Tiếng – chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng – cho rằng khi bàn về các dự án ven sông Hàn, Đà Nẵng phải luôn luôn vì lợi ích của cộng đồng và phát triển bền vững, đảm bảo dòng chảy và tầm nhìn trên sông Hàn.
Thời gian qua lãnh đạo TP đã thể hiện rất rõ tinh thần thực sự cầu thị và biết lắng nghe ý kiến người dân. Quyết định tạm dừng thực hiện dự án ven sông Hàn để rà soát hồ sơ pháp lý, tiếp thu ý kiến các chuyên gia là một dẫn chứng.
Trong khi đó, KTS Phan Đức Hải – chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng – nói: “Việc trả lại phần đất cho cộng đồng làm công viên ven sông, xây dựng bến du thuyền đúng chức năng là một chủ trương đúng”.
Ông Hải đặt vấn đề: TP văn minh hiện đại, thân thiện môi trường thì cớ gì một mảnh đất ven sông cũng phát triển đô thị? TP đang thiếu nhiều không gian cây xanh nên việc xây dựng bờ đông sông Hàn là cơ hội tăng mảng xanh, tăng không gian công cộng, tạo không gian giao tiếp và hưởng thụ mặt nước cho người dân, tất cả chỉ phục vụ mục đích công cộng.
“Cần có một tầm nhìn mới có thể đạt được một đồ án quy hoạch tổng thể mà trong đó chính quyền cân bằng được giữa lợi ích chính đáng của người dân và nhà đầu tư, dẫu biết rằng sẽ tốn kém thời gian, tiền bạc và uy tín” – ông Hải nói.
* Ông Đặng Việt Dũng (phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng): Tăng khả năng tiếp cận của dân với sông Đà Nẵng đã nhận được sự chia sẻ và đồng thuận của các nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua việc hoán đổi, thu hồi và điều chỉnh dự án. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn bởi sự ràng buộc về pháp lý nhưng tiến trình thực hiện đang rất khả quan, nhận được sự đánh giá tích cực của người dân. Cơ sở phương án điều chỉnh quy hoạch hợp lý với quan điểm hài hòa lợi ích của người dân và các nhà đầu tư, đặc biệt là khả năng thực thi theo đúng pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó chúng tôi sẽ đàm phán với nhà đầu tư một phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất, làm thế nào đó để tăng được diện tích không gian công viên cây xanh cảnh quan ven sông, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với sông Hàn. Đặc biệt giảm tối đa mật độ xây dựng nhà cao tầng của các dự án này, tạo không gian thông thoáng tốt nhất có thể. Bổ sung các công trình dịch vụ công cộng, vui chơi giải trí, thương mại dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. |
Hữu Khá – Việt Hùng
Theo Tuổi Trẻ Online