“Vẽ lối đi” trên tay

Bằng tình yêu và niềm đam mê hội họa, nhưng thay vì gửi gắm cảm xúc trên toan, hai bạn trẻ 8X và 9X đã tạo lối đi cho riêng mình bằng cách “múa cọ” lên… trang phục.

“Mặc” tranh cho áo

Trong thời gian học đại học mỹ thuật ở TP.Hồ Chí Minh, Phạm Thị Ánh Hồng (thôn 5, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) dạy kèm vẽ tranh. Đến năm thứ 3, cô sinh viên mỹ thuật này bắt đầu đi làm tại một công ty truyền thông với công việc liên quan đến chuyên ngành cô đang học. Thời gian này, Ánh Hồng cũng tranh thủ học thêm các khóa về truyền thông, quảng cáo. Nhờ vậy mà cô trở nên năng động, sáng tạo hơn với niềm đam mê của mình.

Phạm Thị Ánh Hồng tỉ mẩn với từng nét vẽ. Ảnh: C.N
Phạm Thị Ánh Hồng tỉ mẩn với từng nét vẽ. Ảnh: C.N

Làm nhiều việc liên quan đến hội họa, nhưng mãi đến năm 2015, sau khi sinh cậu con trai đầu lòng, Ánh Hồng mới bén duyên với những nét vẽ tay độc đáo trên trang phục. Ấy là khi Hồng muốn 2 mẹ con có áo cặp để mặc, mà hình ảnh phải thật riêng biệt, cá tính, không giống với các áo in sẵn bán rất nhiều trên thị trường. Cô suy nghĩ và quyết định vẽ chân dung 2 mẹ con lên áo. Vẽ trên áo khó hơn nhiều so với vẽ trên những chất liệu khác. Vì vải có độ co giãn, không như vẽ trên toan. Vải áo thông thường thì không thể căng như toan, mà căng hay giãn quá đều không thể cho ra sản phẩm như ý.

Rất bất ngờ khi đưa sản phẩm đầu tay của mình lên trang cá nhân, Ánh Hồng nhận được nhiều lời khen ngợi. Nhiều người tỏ ra thích thú và đặt hàng. Dù khách đặt với số lượng nhiều, Ánh Hồng cũng nhất quyết không chạy theo số lượng mà vẽ ẩu. Cô cứ tỉ mẩn, từng chút một để khách hàng ưng ý với sản phẩm. Hồng thổi hồn vào nét vẽ, không chỉ bằng đôi tay khéo léo, bằng sự sáng tạo mà còn bằng cái tâm của người cầm cọ. Có lẽ nhờ vậy mà từ khi khởi nghiệp với nghề vẽ áo đến nay, sản phẩm của Hồng chưa bao giờ bị khách hàng phàn nàn. Điều đó cũng tạo thêm động lực để cô miệt mài sáng tạo và gắn kết với công việc của mình.

Tùy mức độ khó dễ, Hồng thường phải mất hơn một ngày mới vẽ xong một bức tranh hoặc chân dung trên áo. Và cũng tùy chất liệu vải và hình ảnh, mỗi chiếc áo Hồng bán với giá khoảng 150 – 300 nghìn đồng. Hồng dành toàn bộ thời gian trong ngày để vẽ áo, vậy mà nhiều lúc khách đặt hàng phải nhiều ngày mới có. Với khách đặt số lượng nhiều, như đồng phục cho công ty, cơ quan… hay khách muốn có sản phẩm độc đáo, cá tính để tặng trong các dịp lễ hoặc làm quà đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, đám cưới… thì phải đặt hàng từ sớm.

Thăng hoa cùng áo dài

Ngày còn nhỏ, Nguyễn Đăng Pháp (SN 1993, trú thôn Kiệu Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) đã sớm có niềm ham thích hội họa, hẳn vì lẽ đó mà cậu học trò nghèo nuôi ý chí học thật giỏi để theo đuổi ước mơ. Năm 2011, Pháp thi đỗ vào ngành kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng vì đam mê hội họa ngày càng lớn nên Pháp vẫn quyết “tầm sư học đạo”. Tranh thủ khoảng thời gian rảnh sau giờ học, chàng trai trẻ này nhận làm thợ phụ vẽ hoa văn trên đèn lồng. Những tháng ngày miệt mài vừa làm vừa học pha màu, vẽ họa tiết với nhiều loại đèn lồng khác nhau, Pháp đặt ra câu hỏi: tại sao không đưa những nét vẽ của mình lên áo? Và rồi từ đó, chàng trai tự mày mò học hỏi, tập vẽ trên mọi loại vải, đặc biệt là lụa và gấm. Đến năm 2012, Nguyễn Đăng Pháp bắt đầu hành trình khởi nghiệp với việc vẽ tranh trên áo dài.

Nguyễn Đăng Pháp với cảm hứng hội họa trên tà áo dài. Ảnh: NHƯ TRANG
Nguyễn Đăng Pháp với cảm hứng hội họa trên tà áo dài. Ảnh: NHƯ TRANG

Những chiếc áo dài đầu tiên Pháp vẽ làm không ít người trầm trồ thán phục trước sự sáng tạo độc đáo. Mỗi tác phẩm được Pháp thổi hồn, trở nên vô cùng sống động và đặc sắc. Đó có thể là ao sen, chim công, phượng hoàng hay đơn giản là cánh đồng làng, một bông hoa mẫu đơn ấm áp… Tất cả đều không bị gò bó vào khuôn mẫu đơn điệu mà luôn mang những sắc thái riêng biệt. Chị Thanh Thảo – một khách hàng đến từ TP.Đà Nẵng bày tỏ sự thích thú với chiếc áo dài mới hoàn thành: “Tôi có niềm đam mê rất mãnh liệt với áo dài vẽ tay vì nó mang nét gì đó rất cổ điển. Hơn nữa lại không “đụng hàng!”.

Hẳn nhiên, để làm nên một tác phẩm nghệ thuật nhiều ý nghĩa như thế đòi hỏi cả quá trình sáng tạo cần mẫn và kỹ lưỡng. Từ khâu pha màu cho đến chọn loại cọ thích hợp với từng loại vải. Rồi hình dung mẫu vẽ, đi nét vẽ bằng phấn và vẽ màu sao cho không bị lem trên vải, mọi công đoạn đều phải được đầu tư công phu cùng sự tập trung cao độ. Nguyễn Đăng Pháp gọi đó là hành trình đi tìm và hiện thực hóa cảm xúc. Anh chia sẻ: “Để có được ít nhiều kinh nghiệm như bây giờ, tôi phải trải qua vô số lần thất bại. Thậm chí, để tìm ra mẹo vẽ riêng không giống ai, tôi đã phải hy sinh rất nhiều tấm lụa quý”. Vẽ trên lụa vốn không dễ dàng và hầu như không nhiều họa sĩ hào hứng với nó. Vậy mà, Pháp dường như quá thành thục trong việc đi nét vẽ trên mỗi tấm lụa khiến cho chúng có hồn và trở nên mềm mại, tha thướt hơn.

Chị Trần Thị Yến – Chủ cửa hàng bán lụa tại Công ty TNHH Lụa Mã Châu cho biết: “Những nét vẽ của chàng trai này thật sự rất tuyệt. Tôi thường giới thiệu khách hàng mang áo dài lụa đến vẽ tranh theo ý muốn. Bên cạnh đó, tôi còn đặt hàng vẽ áo dài, khăn choàng số lượng vài trăm chiếc để cung cấp cho thị trường”. Sau hơn 7 năm đến với nghề, Nguyễn Đăng Pháp dần tạo được thương hiệu riêng cho những tác phẩm nghệ thuật “sống” trên mọi trang phục. Hàng chục đối tác tại TP.Hồ ChíMinh, TP.Đà Nẵng và Hội An tìm đến Pháp đặt đơn vẽ gia công, xuất khẩu đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ… Được biết, tác phẩm đơn giản có giá trung bình 100 – 350 nghìn đồng; riêng loại cao cấp đòi hỏi sự sáng tạo và đầu tư công phu có giá lên đến 2,5 triệu đồng.

Hiện nay, dù đang là Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn thiết kế kiến trúc và xây dựng Brahma đóng tại TP.Hội An, thế nhưng Pháp vẫn duy trì cảm hứng hội họa trên tà áo dài, nhận vẽ cho nhiều đối tác và khách hàng có đam mê nghệ thuật thời trang. Mới đây, Pháp còn mở lớp dạy vẽ miễn phí cho một số bạn trẻ.

Như Trang – Châu Nữ

Theo Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục