Du lịch Hội An quá tải?
Du lịch Hội An liệu đã quá tải? Đây là câu hỏi được các nhà quản lý du lịch cũng như lãnh đạo TP.Hội An đặt ra trong thời gian gần đây khi mà lượng khách không ngừng gia tăng.
Tăng trưởng nóng
Thống kê của Phòng VH-TT TP. Hội An cho thấy, từ năm 2013 – 2017 tổng lượng khách đến Hội An đã tăng gấp 2 lần (từ hơn 1,6 triệu lên 3,3 triệu lượt), tốc độ phát triển bình quân 5 năm đạt gần 119%. Riêng 9 tháng đầu năm 2018, thành phố đã đón 4,55 triệu lượt, tăng 76,84% so với cùng kỳ (khách quốc tế: 3,4 triệu, tăng 42,83%; khách Việt Nam: 1,15 triệu, đạt 98,06% so với cùng kỳ). Với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, từ năm 2013 – 2017 lượng khách cũng tăng gấp 2,45 lần, tốc độ phát triển bình quân 5 năm khoảng 126.5%.
Sự gia tăng của khách bên cạnh mặt tích cực cũng mang đến nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến các giá trị nhân văn, sinh thái, cảnh quan, môi trường, nhất là không gian phố cổ. Ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm VH-TT TP. Hội An thừa nhận, sự gia tăng khách chắc chắn sẽ gây bức bí cho Hội An, rõ nhất là quá tải khu phố cổ giờ cao điểm. “Năm nay, dự kiến phố cổ sẽ bán hơn 2 triệu vé tham quan, chia ra bình quân mỗi ngày có khoảng 5.500 lượt khách, cộng với người dân sinh sống và khách trốn vé…, con số ước khoảng 11 nghìn người trong phố cổ vào giờ cao điểm nên tình trạng quá tải là có” – ông Phùng nói.
Giờ cao điểm tham quan phố cổ Hội An là 16 – 21 giờ. Tuy nhiên, theo ông Phùng, không thể giãn khách ra những thời điểm khác trong ngày do cơ chế phí, lệ phí phải đồng giá và Nhà nước không có cơ chế khuyến mãi. Chưa kể, phố cổ Hội An có nhiều cửa nên không thể khống chế lượng người vào phố cổ. “Nếu như việc bán vé theo giá dịch vụ thì mình có thể điều chỉnh kiểu như buổi sáng đến 10 giờ, một mệnh giá, từ 10 giờ đến 15 giờ là một mệnh giá, từ 15 giờ đến 19 giờ một mệnh giá và sau 19 giờ là một mệnh giá theo kiểu tăng dần…, nhưng không được. Đặc biệt, hiện tại có 17 ngõ kiệt vào phố cổ chưa kể đường sông, điều này khác Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm hoặc Huế… là có một cửa nên có thể quyết định lượng người vào, nên không có cách và cớ gì để hạn chế khách vào phố cổ” – ông Phùng chia sẻ thêm.
Hội An có diện tích đất liền khoảng 45km2, trong đó phố cổ diện tích khoảng 2km2. Với dân số hiện nay khoảng 92 nghìn người nên mật độ dân số so với bình quân cả nước rất cao (gấp 7 – 8 lần) và khoảng 40 lần so với mật độ chuẩn thế giới. Riêng mật độ dân trong khu phố cổ hiện đã hơn 10 nghìn người/km2.
Cần nghiên cứu khoa học
Theo ông Phan Xuân Thanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, đã qua rồi cái thời thu hút khách bằng mọi giá, năm sau cao hơn năm trước, mà nên tập trung vào chất lượng, hướng về các đối tượng khách có lưu trú và chi tiêu cao. “Khách tham quan đông nhưng không lưu trú, không ăn uống, chi tiêu thì hiệu quả sẽ không cao vì chúng ta chỉ bán được vé tham quan, nhưng cái nhận lại được là sự ô nhiễm, ồn ào và chật chội. Mà thực tế Hội An đã quá chật chội rồi, bằng chứng là tình trạng kẹt xe, chen chúc trong phố cổ những giờ cao điểm ngày càng nhiều hơn” – ông Thanh nói.
Thực ra, câu chuyện Hội An quá tải hay chưa quá tải đã được đặt ra từ vài năm gần đây nhưng dường như vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học nào về vấn đề này, hầu hết chỉ mang tính cảm tính. Ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, Hội An và Sở VH-TT&DL nên tổ chức một hội thảo chuyên đề về sức chứa của du lịch Hội An, hay đúng hơn Hội An đã thật sự quá tải chưa. “Theo tôi phải có một nghiên cứu khoa học về vấn đề sức chứa của di sản. Kiểu bao nhiêu khách là vừa nếu không đến một lúc nào đó sẽ vỡ. Đơn cử như Cù Lao Chàm bây giờ khách đã quá nhiều khiến tài nguyên cạn kiệt, nếu chúng ta không có giải pháp thì đến một lúc nào đó những sinh vật biển trên đảo cũng sẽ tuyệt chủng do du lịch số đông mang lại” – ông Cường cảnh báo.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, để khẳng định Hội An quá tải hay không phải có phân tích nghiên cứu khoa học cụ thể. Tuy nhiên, thời gian qua thành phố cũng đã xây dựng nhiều giải pháp như mở rộng không gian tham quan ra ngoài phố cổ về các vùng ven, làng nghề như Cẩm Thanh, Thanh Hà, Cẩm Kim. Riêng với không gian phố cổ, thành phố đã và đang xây dựng các giải pháp mở rộng phố đi bộ về phía đông đến các đường Phan Bội Châu, Nguyễn Duy Hiệu, kể cả Phan Châu Trinh cũng như di dời bãi đỗ xe xuống phía đông để giãn khách ra khu vực phía Chùa Cầu, nên áp lực về sức chứa của phố cổ sẽ thuyên giảm.
Theo Báo Quảng Nam