Đêm Trung thu năm cũ
Đường phố Sài Gòn đã náo nhiệt không khí Trung thu, đèn lồng đủ kiểu được bày bán khắp nơi, các gian hàng bán bánh trung thu cũng tràn ngập. Lướt qua từng gian hàng, cửa tiệm mà tôi nghe nao nao, nhớ da diết cuộc dạo chơi đêm Trung thu năm nào…
Tuổi thơ chúng tôi nghèo khó, biết gì gọi là đèn trung thu điện tử chớp nháy như bây giờ. Hồi ấy đứa nào được cha mẹ mua cho đèn trung thu chạy bằng pin, vừa sáng đèn vừa có tiếng nhạc là ngon lắm, tụi con nít trong xóm cứ gọi là trố mắt say sưa nhìn, thậm chí có phần ganh tị.
Đều là con nhà nông, lấy đâu ra tiền mua lồng đèn ông sao đẹp đẽ, kể cả lồng đèn làm bằng chai bia đơn giản, đèn lồng của chúng tôi hoàn toàn là đồ “handmade”. Trước Trung thu cả tuần, tụi con nít chúng tôi bỏ ngủ trưa, kéo nhau đi trộm trúc nhà hàng xóm về làm lồng đèn ngôi sao. Hì hục chặt chặt, kéo kéo rồi gom nhau về nhà thằng lớn nhất trong nhóm cưa trúc thành từng đoạn, vót làm lồng đèn. Gắn kết những đoạn trúc lại với nhau để cho ra hình ngôi sao là mấy cọng thun vàng của mẹ để dành, xí lụm được từ củi chén trong góc bếp, không có bao kiếng đỏ đỏ vàng vàng gì. Không khí vui như ngày đám giỗ ông bà vậy. Đứa đứt tay, đứa xước da nhưng đứa nào cũng ánh ngời niềm vui. Trong mắt đám trẻ nghèo chúng tôi, lồng đèn ngày ấy cũng đẹp lắm rồi, những ngôi sao xinh xinh dù trơ khung trơ sườn và không được bao bọc bằng giấy kiếng. Háo hức chờ đến chạng vạng tối, chúng tôi cùng nhau đốt đèn cầy dạo quanh khắp xóm. Nhưng vui chưa được bao lâu, những lồng đèn ngôi sao “handmade” đều tắt phụt vì gió, đứt cả thun cột vì để đèn cầy quá cao trong khi ông sao thì nhỏ xíu. Thế là cụt hứng! Niềm vui nhỏ chưa được bao lâu đã tắt ngấm. Chúng tôi đành quét lá tre gom lại thành đống nhỏ rồi đốt lên, đi vòng quanh đốm lửa ấy. Những cái bóng đổ dài đi hết vòng này đến vòng khác cho đến khi người lớn la cho một trận tơi bời vì sợ cháy lan, bọn tôi mới chịu tứ tán ai về nhà nấy…
Trưa hôm sau chúng tôi quyết làm lại lồng đèn ông sao. Biết khôn hơn, chúng tôi nhịn ăn vặt, lấy tiền hùn nhau mua kẽm để giữ chắc thanh trúc, mua giấy kiếng màu về dán để che gió, học làm y như lồng đèn ngôi sao treo bán ở chợ. Cả bọn thích mê, lại háo hức chờ đến tối để đi rước đèn. Đám con nít chúng tôi, đứa này í ới đứa kia, hơn chục đứa con nít nối đuôi nhau, vừa hát nghêu ngao “tùng phình tùng phình trống rộn ràng ngoài đình, có con sư tử vui múa quanh vòng quanh…” vừa cười đùa vui vẻ vòng hết đường này qua đường khác trong xóm… Vui ơi là vui!
Lâu lắm rồi tôi chưa nghe lại bài hát ấy, bài hát chúng tôi nghêu ngao mùa Trung thu những ngày thơ dại. Tuổi thơ dễ thương biết bao nhiêu! Trẻ con bây giờ không có “tuổi thơ dữ dội” như chúng tôi ngày ấy, vì điều kiện sống đã khá lên rất nhiều, vật chất đầy đủ hơn rất nhiều và xã hội cũng hiện đại lên rất nhiều. Những ngôi sao ngày ấy mãi là ký ức tươi đẹp trong trái tim non nớt của chúng tôi.
Ngày ấy, tụi con nít chúng tôi cũng làm gì được ăn bánh trung thu ngon như bây giờ. Không phải là không có bánh ngon, chỉ là cha mẹ không có tiền mua những cái bánh trung thu xa xỉ ấy, dành tiền mua những thứ cần thiết hơn. Tất cả số tiền có được cha mẹ chỉ đủ lo cơm áo hàng ngày. Bánh trung thu của chúng tôi ngày ấy là những chiếc bánh tròn tròn, nhỏ xíu, nướng vàng với nhân ngọt dừa xào đậu phộng mà chúng tôi mua ở quán ăn vặt gần trường học. Đứa nào trong bọn được ăn bánh trung thu “thứ thiệt” là oách lắm. Rồi đám con nít chúng tôi sẽ tụ họp chia nhau “bánh người giàu – bánh người nghèo”, “cho mày miếng bánh trung thu nhân dừa nè, cho tao miếng nhân thập cẩm đi”, ăn hết rồi mà tôi vẫn còn tiếc nuối, thòm thèm.
Những năm sau này, gia đình khá giả hơn chút nhưng không còn không khí của những ngày xưa nữa. Cha mẹ đã có thể cho tôi tiền mua được bánh trung thu ngon hơn, đèn lồng đẹp hơn nhưng tôi cứ nhớ hoài 2 chiếc đèn lồng ông sao bằng trúc đu đưa theo nhịp bước hoan ca năm nào rồi được treo lặng yên trước giường 2 chị em tôi cho đến khi cháy hết đèn cầy, cháy xém luôn tờ giấy kiếng. Hai đứa hoạt náo nhất trong bọn đã theo gia định định cư nước ngoài, rồi chúng tôi cũng lớn hơn, ngại ngùng bạn trai bạn gái nên cũng chẳng còn hồn nhiên chơi đùa như ngày xưa.
Tết Trung thu đang đến thật gần, không khí đang rộn ràng từng ngày mà lòng tôi bùi ngùi nhớ, khóe mắt cứ cay cay…
Miên Viễn