Phát huy giá trị rừng dừa nước Cẩm Thanh: Giao quyền cho cộng đồng
Rừng dừa nước Cẩm Thanh (Hội An) là rừng trồng hình thành từ rất lâu. Hiện chưa tìm thấy tài liệu nào cho biết rừng dừa nước được trồng thời gian nào và lấy ở đâu. Ban đầu, dừa được trồng thành từng cụm nhỏ dọc theo các sông, mương; về sau, chúng phát triển thành rừng dừa nước bạt ngàn nên có tên gọi Bảy Mẫu.
Nỗi niềm chủ rừng
Kỹ sư Phạm Công Sanh, cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, theo Quyết định 120 năm 2017 của UBND tỉnh, rừng dừa nước xã Cẩm Thanh có tổng diện tích 115ha là rừng phòng hộ. Ngoài diện tích khoảng 30ha rừng trồng bởi các chương trình, dự án, diện tích còn lại là do người dân địa phương trồng qua nhiều thế hệ, trong đó tập trung ở thôn Thanh Tam. Kết quả khảo sát, kiểm kê của Ban Điều hành dự án VNM/ICCA-GSI/2017/3 cho biết, tổng diện tích do người dân trồng ở thôn Thanh Tam là 22,75ha với 146 lô do 95 hộ dân sở hữu, khai thác.
Mặc dầu về mặt pháp lý, các quyền sở hữu, quyền khai thác rừng dừa nước ở Cẩm Thanh từ trước đến nay chưa được xác lập nhưng trong thực tế nó đang được điều tiết một cách không chính thức bởi những quy định bất thành văn. Các hộ dân tự công nhận ranh giới, diện tích rừng dừa nước của mình với nhau và việc khai thác lá dừa cũng tôn trọng nguyên tắc không xâm phạm diện tích dừa nước của người khác. Tuy vậy, hình thức quản lý mang tính truyền thống này cũng rất lỏng lẻo. Ngoài việc tập trung quản lý, khai thác phần diện tích dừa nước của mình, các hộ sở hữu diện tích dừa nước hầu như ít quan tâm đến những nguy cơ ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng dừa. Theo kỹ sư Phạm Công Sanh, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng các công cụ hủy diệt như lưới lồng có kích thước mắt lưới quá bé hay đánh bắt bằng hình thức trũ điện, châm điện trên rừng dừa và thảm cỏ biển hầu như không được chủ rừng dừa tham gia ngăn chặn.
Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, việc phát triển du lịch sinh thái trong rừng dừa nước mặc dầu đã góp phần cải thiện sinh kế người dân nhưng cũng phát sinh nhiều mâu thuẫn về lợi ích từ việc khai thác rừng dừa. Ông Võ Tấn Mười, chủ sở hữu gần 2ha dừa nước ở thôn Thanh Tam bức xúc cho biết, để làm vui lòng du khách, các chủ thuyền thúng đã đốn “giáo” dừa để làm một số sản phẩm lưu niệm tặng cho du khách. “Giáo” dừa là chồi non hay chồi sinh trưởng của cây dừa. Mỗi “giáo” dừa có khoảng 50 lá non (sau này lần lượt phát triển thành bẹ dừa). Khi khai thác, người ta chỉ chặt bẹ dừa nước già và để lại “giáo” dừa để tiếp tục phát triển tạo thành bẹ dừa mới. Việc chặt “giáo” dừa sẽ làm cho cây dừa nước phát triển kém, số lượng bẹ mới sẽ ít đi và dần dần cây sẽ chết.
Theo TS. Chu Mạnh Trinh – Phó Trưởng phòng Nghiên cứu và hợp tác quốc tế Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm, cây dừa nước do người dân trồng là tài sản cá nhân, nhưng nhiều cây dừa nước đứng sát lại với nhau tạo ra rừng dừa, tạo ra hệ sinh thái rừng dừa thì giá trị chung này là tài sản nhóm, tài sản công cộng thuộc về cộng đồng. Vì vậy, người trồng dừa ngoài lợi ích cá nhân là cây dừa, còn có lợi ích nhóm và cộng đồng, do đó cần sự chia sẻ lợi ích từ các hoạt động khai thác tài sản công cộng này. Ngược lại, các hoạt động khai thác, nuôi trồng, du lịch trong khu vực dừa trồng hay rừng dừa cần có trách nhiệm đối với tài sản nhóm, tài sản công cộng hay lợi ích của người khác trong cộng đồng.
Giao hệ sinh thái cho cộng đồng
Rừng dừa nước Cẩm Thanh đã được xác định có giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị tài nguyên thiên nhiên rất lớn. TS. Chu Mạnh Trinh nói, giá trị hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh bao gồm cảnh quan rừng dừa, nguồn lợi thủy sinh trong rừng dừa, bãi đẻ, bãi ươm con non, bãi giống các loài thủy sản, khu hệ chim di cư hay những giá trị lớn hơn như phòng chống thiên tai, chống xâm nhập mặn, chống xói lở. Rừng dừa còn có giá trị lịch sử rất lớn khi là căn cứ cách mạng trong kháng chiến, ghi dấu nhiều chiến công vang dội…
Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm – Trần Thị Hồng Thúy chia sẻ, rừng dừa nước Cẩm Thanh là vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm – Hội An, được xem là lá phổi xanh của TP.Hội An. Vì vậy, để bảo tồn và phát huy các giá trị của rừng dừa nước Cẩm Thanh, cần phải thực hiện giao rừng cho cộng đồng. Có thể lấy ví dụ từ việc bảo vệ rạn san hô ở Cù lao Chàm để minh chứng. Tại thôn Bãi Hương, từ năm 2011, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã mạnh dạn giao một phần diện tích mặt nước cho cộng đồng tự quản lý, bảo tồn và khai thác các dịch vụ để mang lại sinh kế. Đến nay, mô hình Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển Bãi Hương đã mang lại hiệu quả, đời sống cộng đồng được nâng lên và tài nguyên rạn san hô được bảo tồn rất tốt.
Theo bà Trần Thị Thiên – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cẩm Thanh, Trưởng ban Điều hành dự án VNM/ICCA-GSI/2017/3, khi được giao quyền quản lý, cộng đồng sẽ có các quyền như được tham gia trong việc lập quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án bảo vệ và phát triển hệ sinh thái, đa dạng sinh học rừng dừa nước; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập; tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, giải trí và cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, giải trí trong rừng dừa nước; khai thác dịch vụ môi trường rừng…
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Đình Lâm – Hạt phó Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam cho rằng, Luật Lâm nghiệp 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 tiếp tục khẳng định chủ trương của Nhà nước về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư. Đối với rừng dừa nước Cẩm Thanh, do vị trí đặc thù, là vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ sinh thái đa dạng nên có thể giao rừng cho cộng đồng quản lý, kể cả 19,5ha do Sở NN&PTNT trồng và quản lý từ năm 2017. Bên cạnh các quyền theo quy định trong phương án giao rừng, cộng đồng cũng sẽ có trách nhiệm quản lý, phát triển rừng dừa nước một cách bền vững.
Với kinh nghiệm trong nghiên cứu đồng quản lý nguồn tài nguyên, TS. Chu Mạnh Trinh chia sẻ, việc giao quyền quản lý hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh cho cộng đồng sẽ giải quyết hài hòa lợi ích của 3 nhóm đối tượng – chủ thể quan trọng trong hệ sinh thái rừng dừa nước: nhóm hoạt động quản lý, dịch vụ du lịch, bao gồm Ban quản lý du lịch xã, các doanh nghiệp du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, người dân bơi thuyền thúng du lịch; nhóm người dân trồng, sở hữu dừa nước; nhóm đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trong rừng dừa. Việc giao quyền quản lý hệ sinh thái rừng dừa nước ở Cẩm Thanh cho cộng đồng là một nét mới trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng ở Hội An. Rồi đây, những chủ sở hữu dừa nước cùng với cộng đồng sẽ trở thành những chủ nhân thật sự, có trách nhiệm đối với rừng dừa nước mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên này.
Quảng Lâm
Theo Quảng Nam Online