Quyết liệt chứ không chung chung!
Như vậy là cùng với các địa phương như Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Ngãi, Cần Thơ…, đến lượt TP. HCM “tuyên chiến” với rác thải nhựa bằng một kế hoạch cụ thể.
Theo đó, từ ngày 1-8, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP HCM phải có kế hoạch cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và hoạt động khác của cơ quan, đơn vị mình.
Thực ra, không phải đến bây giờ TP. HCM mới có những hành động cụ thể đối với rác thải nhựa. Trước đó, từ năm 2010, TP đã triển khai chương trình giảm rác thải nhựa trên địa bàn. Đến năm 2015, chương trình tiếp tục được mở rộng trong các trung tâm thương mại, siêu thị và đã thu được một số kết quả bước đầu, như việc nhiều siêu thị hạn chế sử dụng bao ni-lông để tăng cường sử dụng các túi đựng dễ phân hủy, nhiều hàng quán thay thế dần ống hút nhựa bằng ống hút sản xuất từ vật liệu dễ phân hủy.
Với lần ra quân này, TP. HCM đang cho thấy việc “nói không với rác thải nhựa” sẽ cụ thể hơn, mang tính chiều sâu hơn chứ không chỉ ở mức vận động chung chung. Điều này có thể thấy qua việc các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế… theo kế hoạch sẽ phải tiên phong thực hiện để tạo sự lan tỏa ra cộng đồng dân cư. Rồi biện pháp tài chính cũng được đưa ra một cách quyết liệt khi bắt đầu từ năm 2020, Sở Tài chính TP sẽ không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp để mua những sản phẩm nhựa dùng một lần. TP. HCM cũng đặt mục tiêu đến hết ngày 31/12/2020, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách… sử dụng bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông khó phân hủy; tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng… Cùng với các giải pháp về hành chính, tài chính, TP. HCM còn yêu cầu đưa nội dung giáo dục về tác hại của chất thải nhựa và túi ni-lông khó phân hủy đối với môi trường, cũng như hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn, vào chương trình giảng dạy ở các cấp học trên địa bàn.
Với quy mô hành chính đến 24 quận, huyện như TP. HCM, việc triển khai một kế hoạch hành động bảo đảm về tiến độ, chất lượng, hiệu quả là khó hơn rất nhiều địa phương khác. Tuy vậy, TP. HCM lại có lợi thế do có kinh nghiệm từ việc vận động trong nhiều năm qua, cùng với đó là ngay trong TP đã có một số cơ quan, đơn vị tiên phong triển khai và làm hiệu quả. Trường ĐH Mở TP. HCM là một đơn cử, khi từ đầu năm đã ban hành quy định ngưng sử dụng nước uống đóng chai nhựa, ống hút nhựa trong toàn trường, trong tất cả các cuộc họp từ ngày 5-5; khuyến khích sinh viên, giảng viên, nhân viên mang theo bình nước uống cá nhân hoặc sử dụng nước trà do phòng hành chính quản trị phục vụ…
Mới đây, ngày 29/7, tại hội nghị sơ kết giao ước thi đua 6 tháng đầu năm của cụm thi đua 5 TP trực thuộc trung ương, TP. HCM cùng Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng đã đưa ra thông điệp về mục tiêu phấn đấu trở thành các đô thị “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp”. Khi đưa ra mục tiêu như thế, lãnh đạo các TP này đã thể hiện quyết tâm với vấn đề môi trường. Nhiều vấn đề sẽ được giải quyết và dĩ nhiên trong đó, việc “tuyên chiến” với rác thải nhựa sẽ là một trong các nội dung được đặt lên hàng đầu.
Long Duy Cường
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)