Ai khổ hơn ai
Nếu đã không đủ khả năng lo được cho bản thân mình, cớ chi phải sinh con ra để đời con không tốt hơn đời mẹ…
Trong một lần về ngang qua ngã tư giao giữa Tỉnh lộ 10 và Quốc lộ 1A, giữa lúc dừng xe đợi đèn đỏ, tôi vô tình thấy bàn tay bé xíu của trẻ con thò ra dưới lớp áo mưa của người mẹ trẻ, bàn tay xanh xao, ướt mưa, và có lẽ đang lạnh ngắt. Bà mẹ trẻ ngồi đó, ánh mắt sầu não, van lơn với hy vọng xin được chút tiền bố thí từ người đi đường xuôi ngược. Nếu không nhìn thấy bàn tay ấy, tôi không biết được rằng dưới lớp áo mưa bùng nhùng ấy là một em bé còn nhỏ xíu phải theo mẹ vất vả mưu sinh, trông cậy vào từng đồng của những người hảo tâm để có miếng cơm manh áo. Mưa Sài Gòn nặng hạt, khi ấy tôi cay đắng nghĩ rằng hà cớ chi chị bắt con mình phải khổ theo chị, đem con mình ra như một phao cứu sinh để trông mong nhiều người vì tình cảnh ấy mà cho thêm chút đỉnh tiền. Sao chị không làm nghề lương thiện hơn mà phải vin vào đứa trẻ chưa biết sự đời ngửa tay xin tiền bố thí từ thiên hạ? Tôi không thương cảm cho hoàn cảnh ấy mà trái lại tôi trách người mẹ, sao chị lại vô dụng, vô tâm đến vậy. Nhưng khi đặt vị trí vào hoàn cảnh của người mẹ, có lẽ người mẹ trẻ cũng bất đắc dĩ thì sao, có lẽ không có ai trông con khi mẹ “đi làm”, hoặc có lẽ mẹ không thể an tâm giao con cho ai vì bên mẹ con luôn luôn được an toàn. Vì thế, con đành chịu lạnh theo mẹ, phải nghe tiếng mưa lộp độp lạnh ngắt, vô tình rơi mặt đường nhựa, phải nghe tiếng còi xe, tiếng động cơ đinh tai nhức óc của người đi đường đang hối hả về nhà càng sớm càng tốt.
“Trong tất cả các kỳ quan, kỳ quan vĩ đại nhất là trái tim người mẹ”, tôi đọc đâu đó như thế, nên tôi đồng cảm với bà mẹ trẻ, và le lói hy vọng rằng chị là một người mẹ tốt. Chị là mẹ đơn thân hay gặp phải anh chồng khốn nạn? Hay chị may phước gặp được anh chồng tử tế, cũng đang dầm mưa ngược xuôi vất vả kiếm tiền nuôi vợ nuôi con? Bao nhiêu câu hỏi cứ xoáy trong tôi suốt dọc đường về.
Không ai có thể chọn lựa cho mình một người mẹ người cha cũng như hoàn cảnh mình sinh ra. Đó đã là số mệnh, mà số mệnh đã an bài thì mình không có quyền thay đổi. Nhưng liệu bé con ấy có đầu hàng số phận, có cam chịu cuộc sống khổ cực, vất vưởng rày đây mai đó, có khả năng không được học hành đàng hoàng, tử tế. Bé con còn nhỏ quá! Tôi dại dột nghĩ nếu đó là con cháu mình, mình phải làm sao? Tôi chua xót nghĩ, nếu đã không đủ khả năng lo tốt cho chính bản thân mình, tôi thà không sinh con để con phải chịu khổ cực, thua thiệt với bạn bè, ít nhất là các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày, từ tình cảm gia đình đến nhu cầu vật chất.
Ai cũng hiểu mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhưng sao nhìn thấy những mảnh đời như thế lòng tôi lại xót đau. Bạo động, nội chiến, thiên tai, vượt biên di cư, nghèo đói,… diễn ra triền miên trên thế giới, có biết bao người, đặc biệt là trẻ em phải hứng chịu bao cảnh tang thương, đói khổ? Khi ấy, các con sẽ mơ ước điều gì? Thế nào là hạnh phúc với các con? Phải chăng hạnh phúc là một ngày trôi qua bình lặng với cuộc sống thường nhật giản đơn bên người thân, bạn bè chòm xóm? Phải chăng hạnh phúc là có được bữa ăn đủ no, không phải đói cơm, khát nước, rét run người? Phải chăng hạnh phúc là một ngày không nghe tiếng bom, tiếng súng, tiếng máy bay vần vũ trên đầu? Hay hạnh phúc chỉ là một ngày con được ngủ thật ngoan, thật lành trong căn nhà ấm áp, mặc kệ ngoài kia thế sự xoay vần, vạn vật biến thiên thay đổi?
Miên Viễn