Bạo lực ngôn từ và ẩn ức xã hội
Thứ bảy 13.10.2018, Ngày Văn hóa Hòa bình đầu tiên do Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM khởi xướng đã diễn ra tại Dinh Thống nhất, với chủ đề “Vì một xã hội không bạo lực”. Nhiều hoạt động như trình diễn nghệ thuật, triển lãm, tọa đàm với sự tham gia của nhiều nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn trẻ, và một cuộc thi ngắn dành cho sinh viên báo chí với chủ đề “Người đưa tin thân thiện” đã được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện này.
Tất cả nhằm gửi đi một thông điệp: đã đến lúc mọi thành phần trong xã hội không thể tiếp tục dửng dưng với sự leo thang của bạo lực trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ bạo lực xã hội, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội và mọi hình thức bạo lực khác… Cổ vũ, kêu gọi chung tay “vì một xã hội không bạo lực” giờ này là sớm hay muộn? Cứ đọc những gì được phản ánh hằng ngày trên báo chí, trên mạng xã hội, có lẽ mọi người đều có thể nhận định rằng cũng đã muộn.
Nhưng dù thế nào, muộn còn hơn không làm gì cả. Bởi nếu không ngăn chặn được xu hướng leo thang của bạo lực, một ngày nào đó xã hội chắc chắn sẽ chìm xuống đáy sâu khốc liệt và tất cả sẽ là nạn nhân, trước hết là những người yếu thế trong xã hội, những người thân cô thế cô, thấp cổ bé miệng.
Bài này chỉ muốn đề cập đến một loại bạo lực, đó là bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội. Tất nhiên ở đây không đề cập đến mặt tích cực mà ai cũng thấy của mạng xã hội và internet như là phương tiện sẻ chia tri thức, nơi trao đổi ý kiến, quan điểm và những tình cảm tích cực. Nhưng cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước mặt tối của nó như là môi trường lan truyền tin giả, tin bịa đặt; gieo rắc hoài nghi; cổ vũ cho hận thù và bạo lực khi ai cũng có thể là người đưa tin, nhà bình luận.
Tuy vậy, nhìn sâu hơn vào hiện tượng này, có thể thấy bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội phản ánh những “âm thanh và cuồng nộ” của cuộc đời thực dội vào, và được khuếch đại lên gấp nhiều lần, lây lan khủng khiếp, đôi khi như cơn bão nhờ tính năng chia sẻ, bình luận của mạng xã hội.
Nhìn vào xu hướng bạo lực ngôn từ ngày càng gia tăng trên mạng xã hội, có thể thấy ở đó những ẩn ức xã hội bị dồn nén trước nay mà không có môi trường để thảo luận công khai, dân chủ nhằm đi đến một sự hiểu biết và đồng thuận chung, nay nhờ môi trường mạng xã hội mà được kích hoạt và bùng phát. Đó là những ẩn ức thắng cuộc – thua cuộc; ẩn ức do cảm giác bất lực trước nạn tham nhũng, sự phung phí kéo dài, sự kém hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên, nguồn lực để kiến thiết, phát triển đất nước; ẩn ức do cảm giác thua thiệt, không công bằng trong đóng góp và phân bổ nguồn lực quốc gia giữa các vùng miền; ẩn ức do khác biệt văn hóa, lối sống; ẩn ức do bất lực trước tình trạng bị tước đoạt đất đai, nhà cửa, tài sản một cách bất công, vì lợi ích nhóm ở các địa phương; ẩn ức do lo ngại về vị thế của quốc gia trong quan hệ quốc tế và vị thế của công dân khi ra nước ngoài; ẩn ức do môi trường sống, cả môi trường vật chất và môi trường tinh thần, ngày càng xuống cấp; và những ẩn ức khác do những thất bại chính sách trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, nâng cao đời sống người dân…
Nơi nào có công lý, nơi nào công lý là tối thượng, công lý được đề cao thì nơi đó có hòa bình, ngược lại, bạo lực luôn có nguy cơ bùng phát dưới hình thức này hoặc hình thức khác.
Nhìn từ chỗ đứng của người dân, đó là những thực tế có thật mà một nhà cầm quyền sáng suốt cần có đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào và tìm cách vừa đối thoại chân thành với người dân bằng những diễn đàn thảo luận công khai, cởi mở để giải tỏa những hiểu lầm nếu có và đi đến đồng thuận về giải pháp, vừa ra sức giải quyết từng bước những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến những ẩn ức xã hội kéo dài. Bạo lực ngôn từ không thể chỉ được giải quyết bằng cách kêu gọi ý thức của người tham gia mạng xã hội mà không đồng thời tìm cách giải quyết những ngọn nguồn dẫn đến những ẩn ức xã hội và từ đó đến bạo lực ngôn từ và bạo lực xã hội.
Hòa bình chỉ có thể tồn tại trên cái nền công lý. Hòa bình gắn liền với công lý. Nơi nào có công lý, nơi nào công lý là tối thượng, công lý được đề cao thì nơi đó có hòa bình, ngược lại, bạo lực luôn có nguy cơ bùng phát dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Khi tôi viết những dòng này thì vụ khiếu kiện của người dân ở khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn đang sốt xình xịch. Bởi ở đó công lý vẫn chưa ngự trị.
Theo NguoiDoThi.net.vn