Xanh lại những cánh rừng ngập mặn
Ngoài dự án hỗ trợ khôi phục rừng ngập mặn ven sông, người dân ở các địa phương trên địa bàn huyện Núi Thành còn trồng mới và tự ra quy ước bảo vệ, khai thác nhằm phát triển sinh kế bền vững và chống sạt lở đất.
Khôi phục
Mỗi đợt mưa bão xuất hiện, xã đảo Tam Hải, hay vùng cửa sông, ven biển như xã Tam Giang, Tam Quang (Núi Thành) thường đối mặt với tình trạng ruộng đồng bị bồi lấp, ao nuôi tôm xói lở, nhà cửa bị sóng biển tấn công, xâm thực. Để phòng tránh nguy cơ thiệt hại, người dân ở xã đảo Tam Hải trồng cây chắn sóng như mắm, bần, đước…, tạo thành khu rừng rộng hàng chục héc ta nằm tập trung và phân tán rải rác ở khu vực cửa Lở.
Theo UBND xã Tam Hải, để hạn chế việc xâm thực của nước biển vào đất liền, năm 2018 Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng kè cứng bằng bê tông, nhưng đã bị sóng biển đánh hư hỏng trong quá trình thi công dang dở, phải tốn kém tiền tỷ để khắc phục hậu quả. Ở các khu vực sạt lở nặng, nếu Nhà nước lồng ghép thêm nguồn vốn đầu tư trồng rừng ngập mặn kết hợp thì sẽ hiệu quả hơn.
Năm 2009, cơn bão số 9 càn quét qua các xã bãi ngang, trong đó xã Tam Giang (Núi Thành) bị thiệt hại nặng nề, nhất là một số tàu thuyền bị trôi dạt, hư hỏng do không có nơi trú ngụ. Từ đó, người dân địa phương mới nhìn thấy sai lầm trong việc phá rừng nuôi tôm, không có chỗ kín gió neo đậu tàu thuyền an toàn. Tháng 6.2014, xã Tam Giang được Trường Đại học Nông lâm Huế hỗ trợ khôi phục và trồng mới các loại cây bản địa như cây đước, bần và mắm. Sau 5 năm trồng và chăm sóc, giờ đây rừng ngập mặn đã cao ngang đầu người. Người dân thôn Đông Xuân (xã Tam Giang) chia sẻ, bây giờ rừng được khôi phục tạo thành một “bức tường xanh” vững chắc để chắn gió, chắn sóng.
Từ mô hình hỗ trợ ban đầu này, năm 2015 huyện Núi Thành bố trí ngân sách 3,2 tỷ đồng để trồng 27ha rừng tại các thôn thuộc xã Tam Giang nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau đó, chính quyền xã ban hành quy chế mô hình đồng quản lý và sử dụng rừng ngập mặn, trong đó đưa ra yêu cầu là khai thác thủy hải sản không được gây tác động xấu đến rừng ngập mặn. Địa phương cấm hoạt động lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất rừng ngập mặn trái phép; chặt phá, đào bới đất rừng ngập mặn để khai thác thủy sản hay làm ao nuôi trái phép. Sau nhiều năm phục hồi rừng, theo ghi nhận của người dân, các loài tôm, cua bắt đầu sinh sôi nảy nở, nghề đánh bắt thủy sản cũng dần ổn định. Theo Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Nguyễn Văn Mau, việc phục hồi rừng ngập mặn ở các xã cửa sông ven biển trên địa bàn đem lại hiệu quả nhờ nhận thức đúng đắn của người dân, sự hỗ trợ của các mô hình thí điểm và quy hoạch hợp lý không gian xanh của địa phương.
Dân tự trồng và hưởng lợi
Mười năm nay, rừng dừa nước ở thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa (Núi Thành) là bãi đẻ cho các loài thủy sản. Người dân địa phương giữ thói quen trồng dừa nước vừa để lấy lá bán, vừa tạo ra vành đai xanh bảo vệ xóm làng, “xây nhà” cho cá tôm sinh sản. Bà Nguyễn Thị Tranh (thôn Tịch Tây) trồng 1ha dừa nước, sau khi khai thác lá tươi về phơi khô, mỗi ngày bà đan lá dừa thành các tấm mái lợp bán cho các cơ sở đặt hàng, thu nhập bình quân khoảng 200 nghìn đồng/ngày. Về Tịch Tây, người dân “khoe” gia đình này sở hữu bao nhiêu cây dừa nước, chứ không phải là mấy ao nuôi tôm, hay bao nhiêu sào ruộng. Nhờ rừng dừa nước trải dài với diện tích hơn 30ha, thôn Tịnh Tây không có hiện tương sạt lở, hạn chế đáng kể tình trạng xâm nhập mặn. Chính quyền xã Tam Nghĩa khẳng định, tất cả rừng dừa nước của thôn Tịch Tây đều do nhân dân tự trồng, tự bảo vệ. Theo định hướng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện Núi Thành thì Tam Nghĩa được chọn là nơi phát triển du lịch sinh thái cộng đồng rừng dừa nước.
Ngoài khuyến khích nhân dân tự trồng dừa nước, thôn Tịch Tây còn thành lập Ban Quản lý khu du lịch sinh thái dừa nước, do Trưởng thôn Tịch Tây kiêm nhiệm Trưởng ban. Được biết, mỗi tuần một lần, ban quản lý kết hợp với công an xã, lực lượng dân phòng đi tuần tra trong rừng dừa bằng thuyền nhằm phát hiện, xử lý tình trạng người dân hủy hoại nguồn lợi thủy sản trong rừng dừa. Rừng dừa Tịch Tây đưa ra quy định là không được khai thác thủy hải sản gây hại đến rừng ngập mặn như lưới cào, bắt ốc và hàu bằng tay. Chỉ được đánh bắt ở những khu vực rừng ngập mặn có tuổi cây lớn hơn 5 năm. Đồng thời việc chặt tỉa cây ngập mặn phục vụ công tác chăm sóc rừng phải được giám sát của lực lượng bảo vệ rừng dừa thôn Tịch Tây.
Trần Hữu
Theo Quảng Nam Online