Làng Văn Ly và trận Bãi Chài năm 1886

Cách đây 133 năm, quân Nghĩa hội Quảng Nam đã nhận chìm 7 ca nô của giặc Pháp trên một bãi sông thuộc làng Văn Ly (nay thuộc xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn), làm cho ngôi làng vốn nổi tiếng này lại càng thêm nổi tiếng!

Làng Văn Ly nơi địa đầu của Gò Nổi (phía dưới ngã ba sông Thu Bồn).
Làng Văn Ly nơi địa đầu của Gò Nổi (phía dưới ngã ba sông Thu Bồn).

Viên ngọc quý

Văn Ly là ngôi làng đặc biệt nằm ở phía cực tây của cù lao sông Thu. Sông Thu Bồn sau khi nhận thêm nước sông Vu Gia đổ vào, chảy thêm một đoạn thì chẻ làm hai nhánh bọc lấy một vùng đất cực kỳ đặc biệt: “Phù Kỳ” (Gò Nổi). Từ tây sang đông, Gò Nổi gồm các làng: Văn Ly, Tư Phú, Phi Phú, La Kham, Bảo An, Cẩm Lậu, Xuân Đài, Bàn Lãnh, Đông Bàn, Trừng Giang, Phương Trà, Phú Bông, Hà Mật, Thi Lai, An Trường). Làng được hình thành từ cuối thế kỷ 15 sau khi thành lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam vào tháng 6/1471.

Nguyễn Sinh Duy trong tác phẩm Quảng Nam và những vấn đề sử học (Nxb VHTT, năm 2005) cho biết trong gia phả của tộc Lê Nhứt làng Văn Ly có ghi (dịch): “Thủy tổ tộc Lê Phước là Lê Phước Thôi, thủy tổ tộc Lê Nhứt là Lê Cảnh đều người nguyên quán huyện La Sơn, phủ Đức Quang trấn Nghệ An, anh em cùng nhau dắt díu vợ con tiến vào đất phủ Thăng Hoa, Quảng Nam, khai phá vỡ hoang dần dần thành ruộng vườn, chiêu dân lập ấp, thành lập xã hiệu là Văn Ly. Bèn giết trâu để cúng tế ruộng tổ, cắt hai sừng trâu chia cho hai tộc làm tù và báo hiệu cho nhau. Đến khoảng niên hiệu Thịnh Đức thì ruộng vườn khẩn trương biên chép thành bộ điền các hạng cả thảy sáu xứ: Ma Ly, Na Kham, Phù Sa, Cồn Chùa, Cồn Muồng và Mẹ Đô thực thụ hơn 100 mẫu” (trang 43).

Tuy nhiên tra vào Ô Châu cận lục của Dương Văn An (1555), trong số 66 làng của Điện Bàn không thấy địa danh Văn Ly. Phải đợi hơn 200 năm sau, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776) mới nhắc đến địa danh này: Văn Ly thuộc tổng An Sơn, huyện An Nông, phủ Điện Bàn. Địa bạ Gia Long (1814) cho biết cụ thể hơn: “Văn Ly xã thuộc tổng Đa Hòa Trung: đông giáp xã Tư Phú và 4 thôn Phú Quý, Đông Mỹ, Hội Thành, Na Kham Đông Phúc lập cột gỗ làm mốc. Tây giáp thôn Thượng Phúc (thuộc Phú Châu). Nam giáp thôn Phù Sa (thuộc Hoa Châu), bắc giáp xã Tư Phú, lập cột đá làm mốc. Tổng diện tích hơn 335 mẫu” (trang 186).

Thời Đồng Khánh, trong Đồng Khánh Địa dư chí (1887 – 1890), Văn Ly là một thôn thuộc tổng Đa Hòa Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn Sau Cách mạng Tháng 8, Văn Ly thuộc xã Điện Quang. Từ sau năm 1954, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Văn Ly thuộc xã Phú Mỹ trong khu Phù Kỳ. Sau 1975, Văn Ly là một thôn của xã Điện Quang.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy cho rằng: “Trong cái nhìn phong thủy, sông Thu Bồn với lòng vực sâu thăm thẳm một màu đen uốn mình lượn qua những gò đồi nương rẫy trườn xuống làng mạc hướng đông bắc Điện Bàn, đến địa đầu xã Văn Ly thì rẽ làm hai nhánh ôm lấy mảnh đất này, thủy đạo thủy văn chẳng khác gì một con rồng đen há hàm ngậm hòn ngọc châu”. Vì thế “Văn Ly với tự dạng định hình biểu ý từ bao thế kỷ nay là hòn ngọc quý nằm dưới hàm con rồng đen Thu Bồn”. Và ông cũng cho rằng chắc người xưa khi đặt tên cho vùng đất này đã “nghĩ đến câu nói của Trang Tử: “Thiên kim chi châu, tất tại cửu trùng chi uyên, nhi ly long hàm hạ”, nghĩa là: hòn ngọc đen quý giá tất ở dưới hàm con rồng đen trong chín tầng vực thẳm” (sđd, trang 44).

Trận Bãi Chài – Gò Muồng

Bãi Chài là một bãi sông nơi tụ tập của các ghe chài lưới và ghé nghỉ chân của các ghe thương hồ trên sông Thu nằm ở đầu làng Văn Ly.

Cuối năm 1886, sau thảm bại của đạo quân Khâm sai do Phan Liêm chỉ huy trong trận Phong Thử, người Pháp muốn “dằn mặt” quân Nghĩa Hội của Nguyễn Duy Hiệu nên đưa 7 ca nô với đầy đủ binh lính và súng ống tối tân theo sông Vĩnh Điện vào Thu Bồn đến đóng tại Bãi Chài.

Từ trạm tiền tiêu ở Phong Thử do đội Đôn và đội Thóa trấn giữ, tin tức được báo về Tổng hành dinh ở làng Bình Yên. Tán tương Trần Huy và Bang tá Nguyễn Đình Tán liền hội ý và vạch kế hoạch tấn công. Theo đó, nghĩa quân được chia làm 4 đạo, 3 đạo đường thủy dùng ghe tam bản tấn công đồng loạt vào Bãi Chài. Một đạo quân bộ từ làng Văn Ly tấn công ra phía bến đò để chặn hậu.

Tán tương Trần Huy trực tiếp lên phía thượng nguồn tổ chức thả bè hom dâu có người điều khiển trên có cài chất nổ thả theo sông hướng về Bãi Chài. Đúng giờ đã định bè hom dâu được dứt dây cho lao thẳng về phía ca nô của giặc. Giặc trở tay không kịp, chất nổ trên bè nhận chìm 3 trong số 7 ca nô của giặc. Khi nghe tiếng nổ quân Nghĩa Hội 4 mặt dùng gươm, giáo và nhất là câu liêm, xông vào cắt đầu giặc. Bốn ca nô còn lại tiếp tục bị nhận chìm. Quân Pháp hoàn toàn thảm bại.

Để trả thù, Pháp đưa đạo quân hùng hậu, theo đường Vĩnh Điện – Ái Nghĩa tiến lên. Đến Phong Thử vẫn không có bóng dáng quân Nghĩa Hội. Quân Pháp tiến vào Ái Nghĩa, quyết tâm hạ đồn Núi Lở, một căn cứ quan trọng của nghĩa quân. Tại đây, Tán tương Trần Huy cùng Bang biện tỉnh vụ Bùi Xuân Bảng đã huy động một đội quân tinh nhuệ, kết hợp cùng những dân binh giỏi võ nghệ phục kích dọc theo Gò Muồng (Gò đất cao có nhiều cây muồng mọc thành rừng, nay thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc). Quân Pháp tiến lên và lọt ngay vào ổ phục kích nên phải tháo chạy. Quân Nghĩa Hội hoàn toàn thắng lợi!

Chiến thắng nối tiếp chiến thắng. Tin vui truyền liên tiếp về đại bản doanh ở Bình Yên (Trung Lộc). Nghĩa Hội cho tổ chức khao quân với sự có mặt của hai thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến. Trên sân khấu lộ thiên có treo hai câu chữ bằng vải điều do thủ lĩnh mang đến:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Hai bên sân khấu là câu đối của hai vị tú tài, một Nôm, một Hán:

Câu đối của Tú tài Văn Đồng (người làng Quảng Huế, Đại Lộc):

“Bãi Chài khải ca, ăn cho no, uống cho say, rượu thịt cơm xôi bánh

Gò Muồng chiến thắng, hết thì bưng, thiếu thì rội, rang hầm xáo tái phay!”.

Câu đối của Tú tài Lý Thừa Trạch (người Hội An):

“Thiên vị ngô hoàng tồn xã tắc;

Nhơn tùng tâm thượng khởi kinh luân!”.

(Nguyễn Sinh Duy dịch: Trời đã vì vua ta mà giữ gìn xã tắc; lòng người cũng theo ý trời mà phát huy tài kinh luân (để) cứu nước!).

Bãi Chài – Văn Ly – Gò Nổi được đời sau nhắc mãi!

Lê Thí
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục