Bức tranh từ trang phục truyền thống
Giữa những chộn rộn của các cuộc phục hưng, bảo tồn di sản văn hóa, lại thêm một câu chuyện về giữ gìn tinh hoa trang phục truyền thống được quan tâm. Nhưng để trang phục của mỗi tộc người không bị tàn phai giữa bao nhiêu va đập, không hẳn chỉ cần có kinh phí...

Tháng 3/2019, Bộ VHTT&DL phê duyệt đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam, với tổng kinh phí thực hiện là 222,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 51,2 tỷ đồng và ngân sách đối ứng từ các địa phương là 171,7 tỷ đồng.
Trang phục… để trình diễn
Không còn mấy người muốn bận trang phục của đồng bào mình mỗi khi về xuôi. Ngay ở các hội làng, việc một đứa trẻ không biết cách đóng khố… cũng không còn chuyện lạ. Chị Nguyễn Thị Kim Lan – HTX dệt Zara huyện Nam Giang cho biết, các sản phẩm dệt của làng vẫn chủ yếu thiên về các mặt hàng lưu niệm, từ khăn quàng cổ, khăn choàng, túi xách, túi đựng di động… Nếu có dệt ra được một tấm áo hay khố, thời gian và công sức quá nhiều nhưng lại không có người mua. Bởi, khố bây giờ, chỉ dùng để trình diễn. Một con số đáng báo động trên cả nước, do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam khảo sát, là 40/54 dân tộc ở Việt Nam không còn mặc trang phục truyền thống đúng như những gì mà bảo tàng này đang lưu giữ, thay vào đó là trang phục công nghiệp với nhiều chủng loại, hoa văn giống hệt nhau, được bày bán tràn ngập trên thị trường. Tương tự, việc không sử dụng trang phục truyền thống đã trở thành hiện tượng phổ biến ở một số dân tộc, theo những gì Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thông tin với báo giới. Ở nhiều nơi, đồng bào dân tộc chỉ mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, tết, khiến trang phục này gần như trở thành một thứ lễ phục không còn thân thuộc với đời sống sinh hoạt của người dân.
Ở những cuộc hội ngộ giữa các sắc màu văn hóa cả nước vẫn thường diễn ra ở Hội An hằng năm, khá dễ dàng tìm thấy các mặt hàng thời trang ứng dụng chất liệu thổ cẩm. Người mua cũng không quan tâm sâu sắc đến chuyện nó được dệt bằng tay hay sản xuất hàng loạt, cũng không cần phải tìm hiểu kỹ càng về các loại hoa văn, về sợi; chỉ cần thấy đẹp, có dáng dấp truyền thống của đồng bào vùng cao, cộng với giá thành chấp nhận được, thì họ móc hầu bao. Chủ nhân của các gian hàng thổ cẩm Cơ Tu Nguyễn Thị Kim Lan nói thêm, những sản phẩm bán chạy, thì chị em phụ nữ cố gắng để dệt nhiều hơn.
Bà Lê Thị Thủy – Trưởng ban Dân tộc tỉnh, chia sẻ, thậm chí trang phục truyền thống hoàn toàn biến mất ở nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số. “Nhiều thanh niên còn ngại khi mặc trang phục của mình trước đám đông. Ngay tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, nhiều học sinh miền núi không muốn bận trang phục của đồng bào mình” – bà Thủy nói. Và không chỉ có trang phục. Chuyện học đánh cồng chiêng, học thêm vài điệu hát lý nói lý của đồng bào mình, hay thậm chí, tiếng nói, ngôn ngữ của cộng đồng vùng cao… cũng đang dần trở nên khó khăn với lớp người trẻ vùng cao.
Lạt phai… đường kim mũi chỉ
Dạo một vòng phố cổ Hội An, du khách rất dễ dàng để mua các mặt hàng lưu niệm bằng thổ cẩm. “Mấy ai quan tâm nó của dân tộc nào. Khách du lịch chỉ cần thấy nó giống như hàng thủ công của miền núi là họ mua để sử dụng hoặc tặng bạn bè. Nguồn hàng này chúng tôi lấy chủ yếu từ phía Bắc” – bà T. – chủ một quầy kinh doanh tại chợ Hội An cho biết. Câu chuyện này không chỉ xảy ra ở Hội An, khi mà các mặt hàng thời trang từ thổ cẩm na ná nhau được bày bán với giá thành khá rẻ. Ở chợ Sapa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang), các cô gái H’mong, người Dao, người Tày… vẫn sử dụng khung cửi và đôi tay để thêu thùa, dệt vải. Thế nhưng, để tiện lợi, họ dùng cả máy khâu và mua sẵn những vạt hoa văn từ Trung Quốc. Và họ dầu ngồi dệt trước mặt du khách, nhưng vẫn bận những bộ quần áo may sẵn, giá thành họ nói chỉ khoảng trăm nghìn đồng. Trong khi một bộ trang phục truyền thống làm bằng tay hoàn toàn, vải và hoa văn mua sẵn, cũng phải mất cả triệu đồng. Họ nói chỉ còn có bà và mẹ ở nhà mới ngồi làm từng tí vậy thôi. Bộ váy áo cầu kỳ tỉ mẩn kia chỉ dùng vào lễ hội của địa phương, hay tết của đồng bào mình.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng chia sẻ trong cuốn “Nghệ thuật ngày thường”, rằng cuộc sống hiện tại thì không sắc tộc nào có thể phát triển riêng biệt hoàn toàn mà không bị pha nhiễm. Càng phát triển càng pha tạp, mất bản sắc không chỉ là quần áo hay tiếng nói. Không có du lịch thì đồng bào Dao, Thái, Tày, H’mong ở Tây Bắc vẫn sẽ sử dụng các phục trang may sẵn, vì tiện. Có du lịch, may thay, họ gìn giữ được những đường kim mũi chỉ mà cha ông truyền dạy để có thêm thu nhập. “Nhưng cũng chính du lịch làm cho biến dạng dần các tinh hoa văn hóa và dần trở thành một thứ bản sắc và di tích mô hình” – nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng viết. Không quá ngạc nhiên khi ngày càng nhiều các bản làng vùng cao xuất hiện các mô hình du lịch cộng đồng, trong đó, không thể thiếu không gian và hình ảnh những người phụ nữ đồng bào ngồi dệt vải. Sự hoài nghi từ những đoàn khách tìm đến chóng vánh là hẳn nhiên, nhưng ở đó, nghĩ một cách lạc quan, những chỉ dấu bản sắc vẫn còn, may thay!
Với đề án bảo tồn trang phục truyền thống của Bộ VHTT&DL, với các nội dung thực hiện từ năm 2019 – 2030, bao gồm hoàn thành 100% việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số…; phấn đấu 100% học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần và các dịp lễ, tết, hội; bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của 3 dân tộc đã mai một; tổ chức các cuộc liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số, tổ chức lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam gắn với Ngày đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Ngày di sản Việt Nam. Phần lớn các trang phục truyền thống lâu đời đã được bảo tồn “tĩnh” trong bảo tàng, thư viện… Cái hiện cần, hẳn là sự bảo tồn “động” trong cuộc sống hàng ngày!
Lê Quân
Theo Quảng Nam Online