Ngôi trường xứ Quảng mang tên cô gái Nhật
Có những ngôi trường không được xây dựng bằng tiền ngân sách mà từ tấm lòng của những người tốt…
Nằm trên con đường tỉnh lộ qua xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) có một ngôi trường mang tên của một người con gái… Nhật Bản. Di ảnh của cô để trong phòng truyền thống nhà trường.
Giấc mơ dang dở của cô gái Nhật
Trong căn nhà kế bên con đường liên huyện, thầy Trần Công Trường – nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Junko – đang vui đùa cùng đứa cháu nội.
Nhắc về những ngày đầu xây dựng Trường Junko, đôi mắt thầy lại đầy hoài niệm. Thầy Trường là người có mặt tại trường từ khi nơi đây còn là đồng ruộng.
“Mới đó mà đã 1/4 thế kỷ rồi” – thầy Trường nói.
Năm 1993, Junko Takahashi đang học năm thứ ba ĐH Meiji Gakuin, cô cùng người bạn thực hiện chuyến du lịch một tháng tại Việt Nam. Họ đi qua Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An và TP.HCM, vừa xem phong cảnh, vừa tìm hiểu văn hóa và tình hình đầu tư của doanh nghiệp Nhật.
Theo giáo sư hướng dẫn ở đại học của Junko, hai người khi trở về Nhật đã kể lại chuyến đi ở Việt Nam đầy thích thú với cảnh lạ, nhưng cảm thấy thật gần gũi và nhất là cảm thấy thân thiết với người dân các nơi mà họ gặp. Đồng thời, họ cũng thấy Việt Nam lúc đó quá nghèo, nhiều trẻ em lang thang ngoài đường thay vì đến trường học. Junko mong sẽ có cơ hội đóng góp vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
“Junko muốn trở lại Việt Nam, giúp đỡ trẻ em có môi trường học tập tốt hơn. Tất cả những điều ấy cô ghi lại trong cuốn nhật ký luôn mang theo trong suốt hành trình” – thầy Trường kể.
Trở về Nhật Bản, Junko hoàn thành bài luận của mình. Giáo sư Ebashi Masahiko, người tiếp nhận bài luận của Junko, cho biết một đoạn ngắn trong bài luận này khiến ông đánh giá rất cao tâm hồn của cô học trò.
“Junko viết: Tôi nghĩ cần phải tạo điều kiện thuận lợi để các bạn Việt Nam cũng như mọi người thuộc các nước đang phát triển được khỏe mạnh và được hưởng một nền giáo dục toàn diện, không chỉ bằng hình thức viện trợ tài chính mà còn hỗ trợ trên tất cả các mặt”.
Thật kỳ lạ, chỉ đến Việt Nam trong thời gian ngắn ngủi, Junko lại muốn dành tuổi trẻ của mình cho giáo dục của Việt Nam. Trớ trêu thay, những dự tính ấp ủ của cô gái Nhật phải gác lại vào ngày 9/12/1993, khi tai nạn giao thông cướp đi tính mạng cô.
Ông bà Horotaro Takahashi rất đau đớn trước cái chết đột ngột của con. Trong những di vật còn lại của Junko, ông Horotaro thấy cuốn nhật ký của con gái và họ quyết định hoàn thành tâm nguyện của con.
Xây trường ở xứ Quảng
Nhưng vì sao cha mẹ Junko lại chọn miền quê nghèo Điện Phước – trong khi con gái chưa từng đến vùng quê này? GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo), là người tường tận về sự lựa chọn này.
Theo GS Thọ, sau khi Junko mất, cha mẹ cô muốn thực hiện ý nguyện của con gái về việc xây dựng một cơ sở giáo dục tại Việt Nam. Họ muốn dùng tiền bồi thường bảo hiểm, và tiền họ để dành cho đám cưới của Junko trong tương lai… vào việc này.
Ông bà đã đến bàn với GS Ebashi Masahiko – người hướng dẫn của Junko – và họ đã quyết định xây dựng giúp Việt Nam một trường tiểu học. Nhưng GS Ebashi không biết nên bắt đầu như thế nào.
“Vốn là bạn của GS Ebashi, tôi được ông hỏi ý kiến và đề nghị làm đầu mối tiếp xúc với cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam. Trong một chuyến về quê sau đó tôi đã đến gặp ông Nguyễn Đình An – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng – và đề nghị tỉnh quan tâm dự án, chọn một làng quê ở Quảng Nam để xây dựng một trường tiểu học” – GS Thọ cho biết.
Sau đó, GS Thọ đã giới thiệu GS Ebashi Masahiko với em trai mình là GS Trần Văn Nam (nguyên giám đốc ĐH Đà Nẵng). Hai người đã cùng với ông bà Takahashi tìm hiểu và lựa chọn địa điểm.
Với truyền thống “Ngũ phụng tề phi”, đất học Điện Bàn, xã Điện Phước đã được các bên thống nhất lựa chọn.
Điện Phước còn có vị trí địa lý không quá xa Hội An hay Đà Nẵng để người Nhật, nhất là các thế hệ sinh viên ĐH Meiji Gakuin, có thể dễ dàng ghé thăm…
Ân tình ấy nhận được sự đồng thuận của chính quyền lẫn người dân Điện Phước. 100.000 USD (hơn 1 tỉ đồng thời đó), số tiền mang tâm nguyện của cô gái trẻ biến thành những viên gạch, dựng lên ngôi trường khang trang 2 tầng với 8 phòng học, nhà thi đấu, công trình vệ sinh… cùng nhiều trang thiết bị dạy học.
Ngày 4/9/1995, ngôi trường hoàn thành đưa vào sử dụng. Chẳng thể nói hết niềm vui của thầy và trò, người dân nơi đây. Mọi người đến dự rất đông, tất cả đều thương cảm và xúc động trước tấm lòng của Junko.
Theo thầy Trường, cha mẹ Junko không đề nghị lấy tên con gái mình đặt tên trường. Nhưng đến năm 2003, ngôi trường được chính quyền địa phương đổi tên thành Trường tiểu học Junko để tri ân cô gái Nhật đoản mệnh.
Lan tỏa
Thầy Lê Quốc Hà, hiệu trưởng Trường tiểu học Junko, dẫn chúng tôi đi quanh trường, đâu đâu cũng thấy những hình bóng về Junko. Thầy Hà tâm sự: “10 năm sau khi trường hoạt động, Hiệp hội Junko lại đến xây thêm tầng trên để hoàn thiện hạ tầng, hằng năm họ đến trường hai lần để trao quà cho học trò”.
Thấy chúng tôi bất ngờ về Hiệp hội Junko, thầy Hà chia sẻ: “Tấm lòng của Junko lan tỏa rất lớn, các giáo viên và sinh viên nhiều trường đại học ở Nhật Bản đã thành lập hiệp hội này để tiếp nối sứ mệnh dang dở của cô.
Để chắp cánh ước mơ cho học sinh Việt Nam, hiệp hội phối hợp với ĐH Đà Nẵng thành lập chương trình học bổng du học Nhật Bản, tạo điều kiện để học sinh và sinh viên hai nước tìm hiểu và tiếp cận văn hóa, kiến thức của nhau”.
Junko ra đi lúc đôi mươi, nhưng đã để lại nhân gian một câu chuyện cổ tích. Tên cô vẫn được học trò ở đây đeo trên ngực áo mỗi ngày.
Học bổng dành cho cựu học sinh Junko Mỗi năm, cựu học sinh Trường tiểu học Junko thi đậu vào ĐH Đà Nẵng và có thành tích học tập giỏi nhất sẽ được nhận học bổng sang Nhật Bản một năm. Tại đây, các em sẽ có thời gian một năm để học 12 tín chỉ tại ĐH Meiji Gakuin. Tính đến nay đã có hơn 10 em là cựu học sinh Trường tiểu học Junko được nhận học bổng này. |
Trần Mai – Đoàn Cường
Theo Tuổi Trẻ Online