Một liều thuốc chữa bệnh ‘bạo hành’
Tên sách là Phẩm cách cha mẹ, nhưng đây xứng đáng là một “cẩm nang cho các bậc cha mẹ” vì người đọc có thể tìm thấy trong sách gần như những điều mà những người làm cha, làm mẹ cần biết trong quá trình nuôi dạy con.
Phẩm cách cha mẹ của Bando Mariko đã bán tới 90 vạn cuốn tại Nhật Bản. Những bài học về dạy con có tự ngàn xưa, nhưng tại sao cuốn sách của một tác giả Nhật Bản lại được nhiều người chú ý?
Tên sách là Phẩm cách cha mẹ, nhưng đây xứng đáng là một “cẩm nang cho các bậc cha mẹ” vì người đọc có thể tìm thấy trong sách gần như những điều mà những người làm cha, làm mẹ cần biết trong quá trình nuôi dạy con, từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành.
Tác giả cuốn sách là nhà giáo dục có uy tín ở Nhật Bản, sinh năm 1946, hiện là chủ tịch hội đồng quản trị Đại học nữ sinh Showa. Bà Bando Mariko đã viết cuốn sách này từ những trải nghiệm bản thân kết hợp với tri thức của một nhà giáo dục nhiều kinh nghiệm.
Ra mắt độc giả Việt Nam, cuốn sách trở nên… thời sự trong bối cảnh nạn bạo hành đang có xu hướng leo thang. Trong hai chương sách Kỹ năng bảo vệ bản thân và Để tội ác không xảy ra trong gia đình, tác giả nhắc nhở cha mẹ “cần phải nói cho con biết vào các thời điểm thích hợp về sự khổ sở của các triệu chứng gây nghiện, nguy cơ bị lôi kéo vào các hoạt động phạm pháp…”.
Tác giả không ngại dẫn ra tình trạng bạo lực, thậm chí là những vụ giết người xảy ra với người thân do nhiều nguyên nhân. Và một “phương thuốc” được nêu ra: “Để phòng chống những tấn bi kịch như thế… cần phải có cả ánh mắt của người khác dõi vào gia đình, thay vì coi gia đình như thánh địa… Cần phải có các chuyên gia hay những người bạn thân”.
Nhiều biểu hiện mê tín tràn lan cũng có thể được soi chiếu từ những đề cập của tác giả trong cuốn này. “Tôn giáo đem lại cho con người sự bình yên trong tâm hồn và nền tảng của quan niệm luân lý… chế ngự hành động của bản thân, không để bản thân chạy theo dục vọng…” nhưng mặt khác, “cần phải nói cho con biết rằng không bao giờ có chuyện chỉ cần cúng bái, bói toán, phù phép hay cúng tiền mà mọi việc rồi sẽ diễn ra trôi chảy…”.
Ở tác phẩm này, tác giả cũng đưa ra những chỉ dẫn rất cụ thể như nhắc nhở con khi lên tàu xe hay đến chỗ đông người, không chỉ phải biết nhường ghế cho người già, phụ nữ mà còn phải biết “nghiêng mình”, không chiếm dụng chỗ gần cửa, vào thang máy thì không ra vào trước mà giữ cửa để nhường người khác…
Tất cả đều là chuyện nhỏ, rất nhỏ – sẽ có người cho là “vụn vặt”, nhưng giáo dục con như thế mới có thể tạo nên những con người luôn có trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội.
Luôn giữ lời hứa, Khiêm tốn vừa phải, Dạy con không bắt nạt người khác, Nếu trẻ gặp rắc rối, Coi trọng tổ tiên, Không cần đặt tivi trong phòng của con, Khi con kết hôn, Về tiền bạc và tài sản, Chăm sóc cha mẹ, Phẩm cách của di chúc…; chỉ cần đọc tên vài “tiết mục” đó, bạn đọc đã có thể hình dung phần nào sự phong phú của Phẩm cách cha mẹ – một cuốn sách bổ ích khi chúng ta ngày càng nhận thức vai trò quan trọng của gia đình trong việc xây dựng con người.
Nguyễn Khắc Phê
Theo Tuổi Trẻ Online