40 năm ngày giỗ nghệ sĩ Thanh Nga và câu chuyện kể sau mỗi tấm ảnh

Chủ nhật cuối tuần qua, có một sự kiện mang tính chất gia đình nhưng lại được khán thính giả yêu cải lương, nghệ sĩ và giới truyền thông quan tâm đặc biệt và đều mong muốn được tham dự. Đó là khi nghệ sĩ Hữu Châu, cháu ruột Thanh Nga và Phạm Duy Hà Linh – con trai duy nhất của Thanh Nga đứng ra đại diện gia đình cố nghệ sĩ Thanh Nga thực hiện một buổi kỷ niệm 40 năm ngày giỗ của vợ chồng bà.

Một ngày giỗ diễn ra cuối tuần giữa Sài Gòn đang nhộn nhạo với đội tuyển bóng đá Việt Nam, không có khói nhang nhưng ở đó là một không gian ấm áp tình kỷ niệm giữa bạn bè thân hữu, các nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng từng quen biết yêu mến Thanh Nga và những nghệ sĩ của đoàn cải lương Thanh Minh -Thanh Nga thuở nào.

NSND Kim Cương: “Khi hãng phim Kim Cương ra đời, tôi có mời Thanh Nga đóng vài phim của tôi, đó là dịp chị em tôi gần gũi với nhau, tuy rất ít ỏi. Ngành nghề, tuổi tác khác nhau nhưng có cái chung là được khán giả thương yêu, yêu nghề, sống chết với nghề và chịu đựng bao nhiêu thị phi của cuộc đời với người nổi tiếng lúc đó. Kỷ niệm trong nghề không có, nhưng trong đời sống, chúng tôi có một kỷ niệm mà chỉ có chúng tôi thấu hiểu nhau sâu sắc. Nữ nghệ sĩ mới bước chân vào nghề sợ có gia đình sợ mất khán giả. Khi có con cũng lo, vì mất hơn 1, 2 năm thì sợ tình cảm khán giả phai lạt đi. Ngày Thanh Nga sanh Cúc Cu, tôi vô thăm, nhìn nhau cười. Tụi tôi hiểu được cái gì của một người đàn bà đã mất đi trong đời, trong nghề nghiệp. Tôi nói với Thanh Nga, chị mừng cho em, em cũng phải mừng cho chị nha, chị đương có bầu ba tháng. Nhìn Thanh Nga ôm Cúc Cu, tôi rơi nước mắt: người này đây, bây giờ đang dám nghĩ, dám sống cho hạnh phúc riêng tư của mình, để là một người mẹ, người vợ như bao nhiêu người đàn bà khác. 40 năm qua rồi, tôi nhìn thấy những em rất trẻ, có những em chưa bao giờ được diễm phúc xem Thanh Nga diễn trực tiếp, nhưng lòng của Thanh Nga đối với nghề, cái tình của Thanh Nga đối với cuộc đời thì khán giả không bao giờ quên. Đó cũng là bài học cho anh chị em nghệ sĩ chúng tôi”

NSND Bạch Tuyết: “Thật hiếm có nghệ sĩ cải lương nào hội tụ thanh-sắc-tài toàn vẹn như Thanh Nga. Tôi xem chị như một người thầy của mình và tôi luôn lặng lẽ xem chị diễn, quan sát chị để học hỏi. Như hôm nay đây, tôi ngồi tại đây xem lại vai diễn Quỳnh Nga của chị trong Bên cầu dệt lụa, đoạn chị tiễn anh Trần Minh – Thanh Sang lên đường đi thi mà nể phục. Chỉ một cái nón thôi mà chị diễn năm động tác, lúc hất ra sau, lúc để trước ngực, lúc quàng lên vai, lúc ôm vào người, lúc đội trên đầu. NS Thanh Nga thật xứng đáng với tình cảm mà khán giả luôn dành cho chị”.

Rất nhiều khán giả được sinh ra sau khi cô Thanh Nga mất, rất nhiều bạn trẻ chỉ tầm hai mươi ba mươi. Tôi nghĩ Thanh Nga không chỉ là quá khứ, hiện tại Thanh Nga vẫn được đón nhận. Hình như ở Việt Nam chỉ có Thanh Nga là người nghệ sĩ duy nhất đã mất 40 năm rồi mà người ta vẫn yêu mến, ngưỡng mộ như khi còn sống, vẫn được tìm mua băng đĩa, vẫn có lượt xem, share rất cao.

Nhiều, rất nhiều hoa hồng trong buổi họp mặt đám giỗ 40 năm ấy. Hoa trên sân khấu, hoa trên lối vào, hóa bó hoa cành hoa lẵng từ các văn nghệ sĩ gửi đến. Ban tổ chức có chuẩn bị sẵn hoa cho người đến dự cắm. Riêng NSND Hồng Vân xuất hiện với một cành hoa hồng màu khác tất cả. Chị cười tươi, hoa hồng nhà tui trồng đó. Canh hoa nở và chờ đến giờ đi chị mới cắt mới đem đến đám giỗ cô Ba.

Thủy Tiên, Hoa khôi Hoa học đường, Hoa khôi điện ảnh và là cựu người mẫu một thuở có lẽ là người ở xa nhất về dự buổi giỗ kỷ niệm này. Thủy Tiên hiện đang định cư ở Bangkok, Thái Lan. Khi được biết buổi giỗ này, Thủy Tiên đã làm mọi cách để xin phép đến dự buổi giỗ. Từ Bangkok bay về Sài Gòn, chỉ để được đến cầm một nhành hoa hồng gắn lên hai chữ Thanh Nga.

Nghệ sĩ Hữu Châu và món quà đặc biệt

Thật là một cái “duyên” mà tờ báo này, với ảnh bìa là cố nữ nghệ sĩ Thanh Nga, đã đến được tay gia đình của cô ấy sau hơn 45 năm từ ngày ra mắt độc giả. Tôi, tác giả bài viết này, là người tình nguyện làm kẻ “trung chuyển”. Tờ báo này đầu tiên được gửi đến tặng độc giả Mỹ, tại Washington, D.C. Người nhận đầu tiên là bà Eleanore S. Haviland, một người bạn của bố bạn tôi. Bà Haviland giữ tờ báo đó cho đến năm 1975, khi bà lại mở rộng vòng tay nhận hai chị em bạn tôi vào sống một năm với bà ở New Jersey. Hai chị em bạn tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi được giới thiệu những món quà từ Việt Nam mà bà có: một chai nước mắm (hiếm hoi vô cùng vào thời điểm đó), hộp bánh đậu xanh, búp bê, tranh ảnh, dĩa nhạc, các bản nhạc in rời, và vài tờ báo như tờ này trong nhà của bà. Những món này phải nói là đã an ủi hai chị em rất nhiều trong những ngày đầu xa quê hương và gia đình. Bà Haviland tặng lại tờ báo cho bạn tôi khi từ giã bà một năm sau đó để đoàn tụ với gia đình ở California. Bạn giữ kỹ tờ báo sau bao lần dọn nhà vì là một trong những kỷ niệm bà mẹ nuôi Haviland tặng. Trong một lần về Việt Nam, bạn đem tờ báo tặng tôi. Giữ gìn như kỷ vật yêu quý về Thanh Nga, đến lần giỗ thứ 40 này, tôi chợt có ý nghĩ y như khi bạn tặng tôi: sẽ có ý nghĩa hơn biết bao nếu tờ báo được chuyển tay lần nữa. Và bây giờ, tờ báo đến tay gia đình của cố nghệ sĩ Thanh Nga! Phải là một cái “duyên”, để tờ báo đi từ Việt Nam đến Washington, D.C, qua New Jersey, về San Diego, và quay trở lại Sài Gòn, sau hơn 45 năm! Nữ nghệ sĩ Thanh Nga và bà Haviland, nơi chín suối, chắc chắn sẽ rất vui vì cuộc hành trình của tấm ảnh bìa tờ báo này!

Bài và ảnh: Lê Minh Hạ

 

Cùng chuyên mục