11 kiệt tác MỎNG phải đọc trước khi SỐNG

Vì nhiều lý do có tính cách tế nhị và bí ẩn, người ta thích dùng cụm từ “10 cuốn sách phải đọc trước khi chết”, nghĩa là xem việc đó quá khẩn thiết, phải làm trước khi kết thúc đời người. Tôi thì không nghĩ việc đọc sách lại nguy hiểm và bí ẩn như thế, nên thử nghĩ ngược lại xem sao.

Với lại, đọc sách cũng giống như trồng một cái cây, tôi thích nghĩ đó là chuyện của bắt đầu, hơn là kết thúc. Sách của văn minh, văn học Việt Nam mà bắt chọn ra 10 cuốn đã khó, vì quá nhiều, huống  chi nhìn ra thiên hạ, phải nói là vô thiên lủng. Thôi thì, với tất thảy sự chủ quan về quan điểm thẩm mỹ và sở thích, tôi chọn 10 kiệt tác chẳng theo tiêu chí hay quy tắc nào. Tôi chọn chỉ vì có ba điểm chung: chúng đã được dịch sang tiếng Việt hoặc bằng tiếng Việt, in một hoặc nhiều lần; chúng thuộc diện sách mỏng, chẳng tốn nhiều thời gian để chinh phục số chữ, nhưng cần vốn luyến cả đời để chiêm nghiệm; tác giả của chúng đều đã chết.

Hoàng tử bé

Quyển đầu tiên mà tôi thường nghĩ đến trong bất kỳ danh sách kiệt tác nào là Hoàng tử bé (nguyên tác: Le Petit Prince) của Antoine de Saint-Exupéry (1900-1944), một văn hào – phi công người Pháp. Từ năm 1943 đến nay, kiệt tác này đã được dịch ra khoảng 260 ngôn ngữ lớn nhỏ, đã bán hơn 200 triệu bản; được chuyển thể thành nhiều thể loại khác nhau; riêng trong tiếng Việt đã có gần 10 bản dịch, bán khoảng 30 ngàn bản.

Bùi Giáng là người đầu tiên dịch Le Petit Prince thành Hoàng tử bé, nó trở thành cái tên kinh điển và được cho là hợp nhất cho đến nay. Nếu lỡ cầm bản dịch này đọc, chắc chắn bạn khó bỏ xuống vì sức hấp dẫn của triết lý, văn phong và cả độ mỏng mảnh đến ngạc nhiên của nó. Tác phẩm là cuộc đối thoại miên viễn và đầy phản tư giữa thế giới người lớn và trẻ con, nơi mà theo hoàng tử bé: “Những người lớn chẳng bao giờ tự mình hiểu được cái gì cả, và trẻ bé nếu cứ phải giải thích đi giải thích lại, mãi mãi, hoài hoài, cho họ hiểu, quả thật là điều mệt nhọc vô cùng”.

Bùi Giáng gọi đây là “tác phẩm thơ mộng nhất và u uẩn nhất trong những tác phẩm của Saint-Exupéry”. Một ngụ ngôn mà càng trưởng thành, nếu đọc lại, ta lại càng sững sờ trước vẻ ngu ngơ, đần độn của chính ta. Nghe hoàng tử bé luận về một bức tranh trừu tượng, một ngôi nhà đẹp, một vị vua hay tên say sượu…, quả là điều tuyệt diệu muôn thuở.

Người đẹp say ngủ

Tác phẩm thứ hai chưa hẳn là tác phẩm hay thứ nhì, mà tôi thích chọn chỉ vì không khí đặc biệt của nó. Thử hỏi, với các tiểu văn nhân loại khá, khi gặp một chủ đề như sau đây thì họ sẽ viết thế nào: Trong phòng kín của kĩ viện, mấy cô gái trinh trắng, tuổi dưới đôi mươi đang say ngủ vì uống thuốc mê, mấy ông già liệt dương tha hồ ngắm ngía, dày vò thân thể. Có lẽ đa phần nhà văn Á châu sẽ viết chửi mấy ông già kia bệnh hoạn; còn các nhà văn Âu châu, Mỹ châu thì sẽ viết theo hướng phân tâm học, hoặc khía cạnh nhân đạo, dưỡng sinh.

Một bậc thầy thì không bao giờ dừng lại ở các khía cạnh tầm thường, sống sít đó, cho nên tác phẩm mà ta đề cập ở đây là Người đẹp say ngủ (nguyên tác: 眠れる美女 – Nemureru Bijo) của văn hào Kawabata Yasunari (1899-1972) đã vượt mọi rào cản để bước lên tầm biểu tượng về mỹ học và sắc dục. Về sức hấp dẫn của kiệt tác này, chỉ cần dẫn một ví dụ là quá đủ, đó là văn hào Gabriel García Márquez (Nobel văn học 1992) đã lấy nó làm cảm hứng để viết truyện ngắn Chuyến bay của người đẹp ngủ say và tác phẩm Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi. Văn hào này có Trăm năm cô đơn rất đáng để đọc trước khi sống, nhưng do dày quá, tôi không đưa vào đây.

Trong khi chờ Godot

Viết trong khoảng 9/10/1948 và  29/1/1949, công diễn lần đầu tại Nhà hát Théâtre de Babylone, Paris vào ngày 5/1/1953, Trong khi chờ Godot (nguyên tác: En Attendant Godot) của Samuel Beckett (1906-1989) là một kịch bản phi thường, thuộc thể loại phi lý. Estragon và Vladimir trong lúc chờ Godot (chơi chữ giống như God – Thượng đế) đã nỗ lực làm mọi thứ, ngay cả tự tử hay móc đít ngửi… nhưng đều bất thành. Suốt vở kịch là sự chờ đợi mỏi mòn, để cuối cùng Godot không đến, nên chuyện Godot có hiện hữu hay không chẳng còn quan trọng nữa. Cao thủ của Samuel Beckett là ông đã hài hước hóa một bi kịch mang tính thời đại, nơi con người có ước muốn và tham vọng thật nhiều, nhưng hoài bão, sự tỉnh táo thì gần như vô vọng. Tác phẩm này được dịch ra tiếng Việt 3-4 lần, mà lần đầu tiên do Mai Vi Phúc thực hiện khi nó vừa nhận giải Nobel văn học năm 1969. Trong tiếng Anh, với tên gọi Waiting For Godot, nó được đánh giá là vở kịch vĩ đại nhất thế kỷ 20; được dàn dựng hàng ngàn lần; rất tiếc, nó chưa bao giờ lên sân khấu tại Việt Nam.

Bắt trẻ đồng xanh

Người Việt nói “mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, Holden Caulfield là nhân vật chính và là người kể chuyện trong Bắt trẻ đồng xanh (nguyên tác: The Catcher In The Rye), ở tuổi 17, bị đuổi khỏi trường dự bị đại học Pencey Prep, đầy tư tưởng nổi loạn. J.D. Salinger (1919-2010) đã rất xuất sắc khi phác họa nhân sinh quan thời đại, khi mà, sau Thế chiến 2, tuổi trẻ lớn lên trong tâm trạng bị bỏ rơi và cả “nỗi buồn chiến tranh”. Xuất bản lần đầu tiên tại Hoa Kỳ năm 1951, ban đầu tác phẩm này gần như bị dán mác cấm trẻ em, hoặc kiểm duyệt cắt bỏ tùm lum, vì tính dục vị thành niên và ngôn ngữ thô tục. Nhưng rồi, nguyên bản tác phẩm đã mau chóng được vào chương trình giảng dạy bậc trung học của nhiều nước nói tiếng Anh, được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ lớn trên thế giới. Bản dịch tiếng Việt đầu tiên do Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch, xuất bản tại Sài Gòn những năm 1964-1965, được tái bản bởi NXB Văn học và Nhã Nam năm 2008.

Gatsby vĩ đại

Với giọng văn mỉa mai và châm biếm cao độ, Gatsby vĩ đại (nguyên tác: The Great Gatsby, có nơi dịch là Đại gia Gatsby) ra đời năm 1925 đã vẽ nên được “tâm trạng mất mát, chán chường của những giấc mơ vàng thời tuổi trẻ, bị tan vỡ trong thất bại ở thời đại nhạc jazz”. Chuyện xoay quanh cuộc đời chàng trai nghèo Jay Gatz (tức Gatsby), vì muốn chiếm trái tim Daisy Buchanan, giàu có và xinh đẹp, mà Gatsby đã bất chấp thủ đoạn để leo lên xã hội thượng lưu, mờ ám chiếm được một tài sản lớn nhằm chinh phục người đẹp. Chỉ khi bước chân vào thế giới đó, Gatsby mới nhận ra được những giả dối, nhảm nhí và sáo rỗng, nên quyết chọn đời lên voi xuống chó. Sự độc đáo F. Scott Fitzgerald (1896-1940) là mượn cái khung của xã hội thượng lưu, xa xỉ để vẽ nên bộ mặt của xã hội tiêu dùng, thực dụng của cả thời đại. Kết cục kinh hoàng của Gatsby cũng là cái kết được nhìn thấy qua các cuộc khủng hoảng của thế kỷ 20 và sau này.

Kẻ xa lạ

Tác phẩm Kẻ xa lạ (nguyên tác: L’Étranger) được viết bởi một cây bút xa lạ của nền văn chương và triết học thế kỷ 20. Albert Camus (1913-1960) viết tiểu thuyết này vào năm 1942, ở tuổi 30 mươi, nó mau chóng được đánh giá là tác phẩm bản lề của nền tư tưởng hiện đại, nơi suy tư chuyển biến từ vô thức đến phi lý, rồi nghịch lý của phi lý. Tuy được đánh giá là một triết gia vĩ đại, nhưng cái lối hành văn ma quái và cao tay nghề của ông đã đem về giải Nobel văn chương năm 1957, chỉ sau Rudyard Kipling, ông là nhà văn trẻ tuổi nhất nhận giải thưởng danh giá này.

Vì tự vệ nhầm mà Meursault đã vô tình giết một người, để khi bị tống giam, chính anh lại ngồi tưởng tượng ra quang cảnh của lễ hành hình, về cái chết, về thượng đế và cả kiếp sau. Tác phẩm nêu ra những cặp nhị nguyên phi lý như: sáng và tối, sống và chết, hạnh phúc và đau khổ… “Chúng ta đánh giá cao đời sống và sự hiện hữu, trong khi đó lại biết rõ rằng chúng ta sẽ chết và nếu vậy, các cố gắng của chúng ta sẽ trở thành vô nghĩa”. Làm sao chúng ta có thể sống với nghịch lý “đời này rất quan trọng nhưng lại là vô nghĩa”.

Vụ án

Nếu chỉ chọn một nhà văn cho thế kỷ 20, tôi không ngại ngần chọn Franz Kafka (1883-1924), người mà những tác phẩm như Hóa thân, Vụ án, Lâu đài… đều làm chúng ta ngỡ ngáng vì hấp lực và tính tiên tri của nó. Viết Vụ án (nguyên tác: Der Process) năm 1914, nhưng mãi đến 1925 mới được in thành sách, do sự phản bội di chúc của người bạn thân, vì Kafka muốn đốt bỏ toàn bộ bản thảo.

Một sáng, Josef K. thức dậy thì xuất hiện hai người lạ, họ cho biết K. bị bắt; dù người bắt cũng không biết anh mắc tội gì, họ chỉ nhận lệnh đến giám sát. Anh bị tuyên án mà không biết tòa án nằm ở đâu, không biết mình mắc tội gì, ngày ngày vẫn được đi làm, chỉ chực chờ ngày ra hầu tòa.

Tiểu thuyết cổ điển luôn được viết với công thức “tội ác” và “hình phạt”, nghĩa là tội ác có trước, hình phạt đến sau. Trong Vụ án, tác giả, Josef K., tòa án và cả người đọc chẳng biết tội ác là gì, nhưng hình phạt thì vẫn tiếp diễn. Sự phi lý này không chỉ đẩy lịch sử tiểu thuyết bước thêm một bước dài, mà còn vẽ nên được diện mạo của những xã hội toàn trị.

Con cú mù

Chỉ khoảng 120 trang, nhưng truyện dài Con cú mù (nguyên tác: Boof-e Koor, tựa tiếng Anh: The Blind Owl) của Sadegh Hedayat (1903- 1951) là một đại diện tiêu biểu của văn học thế giới Ba Tư thế kỷ 20. “Tác phẩm kể về một họa sĩ trang trí tự thú với cái bóng hình con cú về tội giết người. Nó pha trộn chất siêu thực và hiện sinh, không chỉ của Tây phương, mà từ truyền thống thôi miên, bùa chú, ma thuật trong văn hóa Ba Tư”. Sống trong sự cô độc của kiếp người, đến mức người họa sĩ đã phải tìm cách giết chết cái bóng của chính mình ở trên tường, nó mang hình con cú mèo.

Con cú mù lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt bởi Hà Vũ Trọng, NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book phát hành quý 3/2012). Trước khi tự sát tại Paris vào tuổi 48, Sadegh Hedayat đã viết 16 tiểu thuyết, 16 tập nghiên cứu, phê bình, tư liệu, 7 dịch phẩm từ tiếng Pháp, 3 vở kịch, 2 tập du ký và rất nhiều truyện ngắn.

Số đỏ

Đừng ngạc nhiên khi tôi đưa Số đỏ (bản dịch tiếng Anh: Dump Luck) của Vũ Trọng Phụng (1912-1939) vào đây, vì như đã nói, một chọn lựa hoàn toàn chủ quan. Tôi nhiều lần tự hỏi, với sự độc đáo của văn hào này, nếu ông mà viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, thì một tác phẩm như Số Đỏ (ra đời năm 1936) sẽ ra sao nhỉ? Trong khi tại Việt Nam, tác phẩm này liên tục bị hiểu lầm và cấm lưu hành, mãi tới thập niên 1980 mới dần được phục hồi, với bản in gần sát nguyên tác. Cách thức tiếp thị văn học, chứ chưa nói đến phê bình, lý luận của chúng ta còn quá ấu trĩ và yếu kém.

Một nhân vật điển hình cỡ Xuân Tóc Đỏ thì nền văn học thế giới thế kỷ 20 chẳng có được mấy người. Chỉ tiếc một điều, Số đỏ là chỗ “phe bình”, nhiều độc giả đã thưởng thức rồi, nên không tiện nói nhiều. Tôi chỉ muốn lưu ý một điều rằng, khi đọc chung với 9 tác phẩm trong bài này, hay nhất thì không dám nói, chứ cùng “thứ hạng” để so kè thì Số đỏ hoàn toàn có quyền được nghĩ đến.

Trại súc vật

Tôi thật vui khi bắt đầu bài viết bằng ngụ ngôn con nít, thì kết bài lại bằng ngụ ngôn loài vật. Trại súc vật (nguyên tác: Animal Farm, còn được dịch Chuyện ở nông trại) là một ngụ ngôn siêu phàm, được viết với một văn phong nhẹ như không, nhưng lại chuyển tải được nhiều điều trong và ngoài văn học, tùy lăng kính của mỗi người.

George Orwell (1903-1950) viết nhiều tác phẩm và nhiều thể loại, nhưng được ngưỡng mộ nhất vẫn là Trại súc vật (1945) và Một chín tám tư (Nineteen Eighty-Four, 1949). Trại súc vật được dịch ra khoảng 75 thứ tiếng, thuờng xuyên được tái bản và thường xuyên nằm trong danh sách bình chọn 100 tác phẩm hay nhất thế kỷ 20.

“Cho đến năm 1930 nói chung tôi vẫn chưa phải là người theo trường phái xã hội. Thực ra tôi vẫn chưa xác định được quan điểm chính trị của mình. Tôi trở thành người theo trường phái xã hội vì căm thù cách người ta đàn áp và khinh thường tầng lớp công nhân công nghiệp nghèo khổ chứ không phải vì thán phục xã hội theo kế hoạch hóa về mặt về mặt lý luận”, George Orwell cho biết về nguồn cơn của tác phẩm.

Đọc tác phẩm, chúng ta sẽ biết Heo già Major luận giải như thế nào về quan điểm: “Con người là Kẻ Thù. Các con vật vì vậy cần phải tránh xa các thói quen của con người: không xài nhà ở, giường nằm, quần áo, tiền bạc, mậu dịch, rượu. Và trên hết, Tất cả chúng ta đều là Bạn. Không con vật nào được giết một con vật khác. Mọi con vật đều bình đẳng”. Chuyện ở nông trại là bản dịch tiếng Việt thứ 5 tại Việt Nam, An Lý dịch, NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam vừa phát hành tháng 2/2013.

Mùi hương

Trước câu hỏi bạn có thể bênh vực hay đồng cảm với một kẻ giết người hàng loạt không? Vì nhiều lý do, dù chân thật, dù giả dối, thì phần lớn con người thời nay sẽ trả lời là không. Thế nhưng, khi đọc (và cả xem phim) Mùi hương của Patrick Süskind, cái cảm giác ấy gần như ngược lại, dù bìa sách đã ghi rõ “Chuyện một kẻ giết người”. Vậy cái lý do của sự đồng cảm này do đâu?

Trong truyện có đoạn: “… Mùi mồ hôi ngựa cũng quý như hương xanh mềm mại phảng phất từ nụ hoa hồng chớm nở, mùi cay xè của con rệp không dở hơn mùi thịt bê quấn mỡ rán toả ra từ bếp nhà giàu”, (dẫn theo bản dịch Lê Chu Cầu). Rõ ràng ở đây là một triết lý rốt ráo về mùi, “cực thơm cũng như cực thối” – là kết luận của nhiều chuyên gia nước hoa.

Jean-Baptise Grenouille sinh ra trong bối cảnh: “Mẹ hắn đã cố tình để mặc hắn chết sặc trong đống ruột cá với mùi máu tanh tưởi. Thế rồi bà ta bị kết án tử hình, còn hắn thì vẫn lớn lên”. Chính vì nơi cực đại về mùi hôi mà Grenouille đã có thiên khứu đặc biệt về mùi thơm, hắn ta muốn trở thành nhà tạo tác nước hoa bậc nhất. Thế nhưng trong cái xã hội phân biệt đối xử và kỳ thị, một con người như hắn thì làm sao có cửa, nên việc giết người của hắn trở thành cuộc đấu tranh chống lại bất công, cái ác… đang ẩn mình trong bộ dạng quý phái giả tạo. Tìm kiếm quyền tự do cho sáng tạo và khẳng định danh tiếng là con đường mà Grenouille phải đi. Để cuối cùng, khi ở bước đường cùng của đoạn đầu đài, lọ nước hoa đặc dị của hắn đã làm cho cả thành phố và pháp trường chìm trong cơn hoan hạc. Tiểu thuyết đã đến sát trần của triết lý về sáng tạo và hủy diệt, đau khổ và hoan lạc, xấu và đẹp, tự do và ràng buộc, chân lý và ngụy tạo… cho nên đọc chuyện giết người mà thấy thông điệp tốt đẹp.

Từ 1985 đến nay, Mùi hương đã được dịch ra hơn 50 thứ tiếng, ấn hành khoảng 20 triệu bản, tại Việt Nam, sách này được tái bản nhiều lần.

Lý Đợi

Dẫn theo Sành điệu

Cùng chuyên mục