100 năm văn chương Quốc ngữ

Năm 2019 đánh dấu tròn 100 năm ngày vua Khải Định xuống chiếu chấm dứt các khóa học và khoa thi chữ Hán, công nhận chữ Quốc ngữ là chữ viết chính thức của dân tộc Việt trên toàn cõi Việt Nam. Trong những thành tựu vượt trội về văn hóa, khoa học kỹ thuật, đời sống nước Việt… có lẽ không thể không nhắc đến văn chương Quốc ngữ với sự đột biến phát triển kể từ quyết định này.

Nhà in Làng Sông hiện nay. Ảnh: T.T.S
Nhà in Làng Sông hiện nay. Ảnh: T.T.S

Trước đó, vào năm 1906, vua Thành Thái đã tuyên bố trong một sắc lệnh rằng, cha mẹ có thể quyết định việc cho con theo học một trường ấu học Hán văn hoặc một chương trình giảng dạy Nam âm (Quốc ngữ). Vào năm 1915, vua Duy Tân ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi (Hương – Hội – Đình) ở Bắc kỳ. Năm 1918 vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi này ở Trung kỳ và đến năm 1919 bãi bỏ hoàn toàn các trường dạy chữ Nho, thay thế bằng hệ thống trường Pháp – Việt. Như vậy, hoàn cảnh và môi trường sự phát triển văn chương Quốc ngữ đã bộc phát trước cả thời điểm năm 1919.  Cụ thể, cùng với sự nở rộ của báo chí, bắt đầu từ Gia Định báo ra đời năm 1865 ở Sài Gòn, cùng với phong trào Truyền bá Quốc ngữ, phong trào Đông Kinh Nghĩa thục, một dòng văn xuôi tự sự Quốc ngữ Nam Bộ đã gợi mở và đặt nền móng cho những trào lưu văn học Tự lực văn đoàn, Thơ Mới sau này. Và tiếp theo là dòng văn học hiện thực và văn học hiện đại về sau…

Những tác phẩm văn học đầu tiên

Trước đây, nhiều thế hệ người yêu thích văn học Việt Nam mặc định rằng “tiểu thuyết lãng mạn đầu tiên của Việt Nam là cuốn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, in năm 1925 tại Hà Nội”. Tuy nhiên, đến năm 1994, khi GS. Nguyễn Văn Trung phát hiện và công bố quyển Truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, in tại Sài Gòn năm 1887 thì Tố Tâm “mất ghế danh dự”. Trong tập sách khảo cứu Hồ sơ về Lục Châu học (Nxb Trẻ, 2015), GS. Nguyễn Văn Trung cho rằng: “Những ai hiểu biết ít nhiều về văn học Việt Nam thời hiện đại có lẽ ngạc nhiên khi nghe nói đến văn học bằng quốc ngữ ở miền Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khoảng 1865 đến 1930, và thốt ra: Ủa, có thực sao? Vì cho đến nay trong những sách báo viết về văn học sử mà chúng tôi đọc được, hầu hết đều chỉ nói phớt qua hai người: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, bỏ qua Trương Minh Ký, ba người có sinh hoạt văn học vào những năm 1875…, sau đó nói đến Đông Hồ và Hồ Biểu Chánh. Họa lắm mới có người nhắc đến tên ông Nguyễn Chánh Sắt. Có thế thôi. Vậy có một sự kiện là: mảng văn học này bị bỏ quên vì không biết hay bị bỏ qua vì bị phủ nhận”.

Tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu.
Tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu.

Theo GS. Nguyễn Phú Phong, trên mặt chứng tích cụ thể thì truyện ngắn đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ là cuốn Truyện thầy Lazaro Phiền do P.J.-B. Nguyễn Trọng Quản làm ra chỉ được một cái duy nhất thôi: đó là truyện ngắn đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ. Trong khi cuốn tiểu thuyết kế tiếp là cuốn Ai làm được, do Hồ Biểu Chánh viết năm 1912 (nhuận sắc năm 1922), trên mặt lịch sử là một sự kiện quan trọng vì đó là cuốn thứ hai viết bằng văn xuôi chữ Quốc ngữ, nhưng trên mặt nội dung và hình thức không gây được tác động mạnh trên văn đàn. Tuy nhiên với tác phẩm này, Hồ tiên sinh có thể được xem như một tiểu thuyết gia tiên phong trong lịch sử tiểu thuyết Việt Nam”.

Cần nhắc lại, vào thời điểm này, còn có nhiều cuốn tiểu thuyết khác ra đời của các tác giả như: Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Bân, Đặng Trần Phất, Huỳnh Thị Bảo Hòa… Song đến nay, phần lớn các nhà nghiên cứu khẳng định, tiểu thuyết được bắt đầu với Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu đăng báo năm 1912 và in thành sách năm 1915. Sau khi được xuất bản thành sách khoảng 10 năm, trước áp lực của dư luận, cuối cùng Hà Hương phong nguyệt đã bị chính quyền thuộc địa ra lệnh tịch thu và tiêu hủy vì lý do tác giả đã miêu tả những cảnh “ăn chơi trác táng trái với thuần phong mỹ tục”.

Những nhà in đầu tiên

Nhà in Làng Sông (Quy Nhơn) là một trong những nhà in được thành lập sớm nhất, và đảm nhiệm vai trò trung tâm truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ trong gần một thế kỷ  (1868 – 1953).

Nhà in Làng Sông được Giám mục Eugène Charbonnier Trí thành lập năm 1868 trong khuôn viên Chủng viện Làng Sông. Năm 1904, Giám mục Damien Grangeon Mẫn tái thiết. Theo thống kê trong Mémorial de Quy Nhơn năm 1922, Nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác… Ấn phẩm cuối cùng của Nhà in Làng Sông/ Quy Nhơn in tháng 12.1953. Sau non một thế kỷ hoạt động lúc thăng lúc trầm, Nhà in Làng Sông đã có những đóng góp quan trọng trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ vào nửa sau thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20. Trong đó, một số lượng lớn tác phẩm của các cây bút nổi tiếng Nam Bộ lúc bấy giờ như: Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký, 30 đầu sách của Lê Văn Đức gồm nhiều thể loại: Tây hành lược ký, Đi săn bắt cướp (tuồng), Tìm của báu (tiểu thuyết), Chúa hài nhi ở thành Nazarét (kịch), Du lịch Xiêm… Số lượng sách Quốc ngữ in tại Nhà in Làng Sông lên đến hàng ngàn bản. Thư viện Quốc gia (Hà Nội) hiện đang lưu giữ 241 đầu sách của Nhà in Làng Sông/ Quy Nhơn, hầu hết là sách Quốc ngữ, một số ít tiếng Pháp, quyển sớm nhất in năm 1910, quyển muộn nhất in năm 1944, như: Lưu tình (tâm lý tiểu thuyết, 1931, Nguyễn Vân Trai), Thiệt phận thuyền quyên (tiểu thuyết, 1925, Đinh Văn Sắt), Hai chị em lưu lạc (tiểu thuyết trẻ nhỏ, Pierre Lục), Địa dư tỉnh Phú Yên (bản đồ, 1937, Nguyễn Cầm, Trần Sĩ), Địa dư mông học Bình Định (1933, Bùi Văn Lăng)… Trong chiến tranh, cơ sở nhà in cùng một số kiến trúc khác của Chủng viện Làng Sông bị phá hủy. Vừa qua, Giáo phận Quy Nhơn đã phục dựng những hạng mục bị hư hỏng, trong đó có Nhà in Làng Sông…

Tiểu thuyết Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản.
Tiểu thuyết Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản.

Đặc biệt tại Sài Gòn, cùng thời gian này, nhiều người Pháp tư nhân theo nhau mở nhà in, nhà xuất bản, có lẽ vì coi đây là một nghề kinh doanh có lời… Nghề in ở Sài Gòn phát đạt vì sách báo in ra, nhất là thơ truyện phổ biến khắp Lục tỉnh, cuốn “Chuyện đời xưa” của Trương Vĩnh Ký in đến lần thứ tư ngay trong thời ông còn sống.

Dòng văn học chữ Việt lên ngôi

Nhà báo – nhà văn Trần Nhật Vy, người dành nhiều thời gian thực hiện công trình biên khảo Chữ Quốc ngữ 130 năm thăng trầm (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2013) nêu rõ: “Thời này, các tác giả viết truyện hay làm thơ cũng là một cách để truyền bá Quốc ngữ, nên nội dung khá cô đọng và dễ hiểu, lời văn bình dị, nhẹ nhàng, văn gần với tiếng nói thể hiện sinh hoạt một thời của người Sài Gòn nói riêng và người miền Nam nói chung, vì khi đó các tác phẩm rất gần gũi với đời sống hằng ngày. Văn chương chủ yếu viết từng kỳ, viết để in liền nên mỗi kỳ phải hấp dẫn người đọc. Tôi muốn giới thiệu những sáng tác, dịch phẩm của những cây bút này để người đọc trẻ hôm nay thấy được rằng, ngay từ thuở ban đầu chữ Quốc ngữ, tiền nhân của chúng ta cũng có công, có sức gầy dựng một mảng văn chương đáng kính trọng như thế nào nhưng vẫn còn nằm trong góc tối của lịch sử văn học nước ta”.

Mới đây, hồi tháng 11.2018, trong chuyến lễ viếng mộ phần linh mục Alexandre de Rhodes (người góp công lớn trong việc hình thành chữ Quốc ngữ) đúng ngày giỗ thứ 358 năm của ông, tại thành phố Isfahan, Iran, nhà văn Hoàng Minh Tường đã phát biểu: “Nói không ngoa, một trăm năm qua là cuộc đại hợp thành của nền văn học hiện đại Việt Nam, là cuộc vật vã khai mở vào ngôn ngữ tiếng Việt của những phu chữ (theo cách nói của nhà thơ Lê Đạt), để khởi sinh và phát triển một dòng văn học chữ Việt, ào ạt tuôn chảy, nhanh chóng chiếm lĩnh những đỉnh cao và sự toàn bích, đưa ngôn ngữ Việt, văn hóa Việt trở thành vi diệu, có khả năng giao hòa, khuếch tán vào nhân loại…”.

Trần Trung Sáng

Theo báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục