10 ổ dịch cúm A/H5N6 tại 5 tỉnh, thành
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cập nhật đến chiều 12/2, cả nước đã ghi nhận có 10 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) do chủng virus A/H5N6 gây ra tại 5 tỉnh, thành phố.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cập nhật đến chiều 12/2, cả nước đã ghi nhận có 10 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) do chủng virus A/H5N6 gây ra tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và Bắc Ninh với tổng số gia cầm phải tiêu hủy trên 43.000 con. Mới nhất là tỉnh Bắc Ninh, tính đến ngày 11/2, địa phương này đã ghi nhận 2 ổ dịch CGC xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi tại phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) và xã Việt Thống (huyện Quế Võ) làm chết và tiêu hủy 8.731 con vịt.
Thống kê của Cục Thú y cho thấy CGC do virus A/H5N6 gây ra xảy ra nhiều nhất trên đàn gà với tỷ lệ 94%, vịt chiếm 5% và ngan là 1%. Cho đến ngày 11/2, chỉ có 1 ổ dịch cúm A/H5N6 xảy ra tại hộ chăn nuôi tại xã Dực Yên (huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) đã qua 21 ngày không ghi nhận có gia cầm chết mới; 9 ổ dịch còn lại chưa qua 21 ngày.
Cục Thú y cũng cho biết virus cúm A/H5N6 được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2014, hằng năm các chủng vi rút này vẫn gây ra các ổ dịch trên đàn gia cầm của 1 – 2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa tiêm phòng vắc xin nhưng được kiểm soát tốt, không để lây lan trên diện rộng.
Dự báo về diễn biến dịch CGC trong thời gian tới, Cục Thú y cho biết hiện tổng đàn gia cầm cả nước rất lớn, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao, trong điều kiện thời tiết mưa, ẩm ướt; tỷ lệ tiêm vắc xin trên đàn gia cầm ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp, đặc biệt ở nhóm chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ nguy cơ dịch bệnh CGC xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nhiễm CGC chủng virus A/H7N9 nhưng nguy cơ vi rút này và một số chủng virus khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm là cao.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết qua kiểm tra tại các ổ dịch CGC mới phát hiện gần đây, thì các địa phương đã làm rất tốt các biện pháp khoanh vùng, dập dịch để không lây lan trên diện rộng. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh, Bộ NN-PTNT đã thành lập các đoàn công tác chủ động đi kiểm tra ở các địa phương có đàn gia cầm lớn, có các hoạt động buôn bán, giết mổ gia cầm quy mô lớn thuộc diện nguy cơ cao bùng phát các ổ dịch CGC để hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng tổng thể các giải pháp phòng dịch.
“Nguy cơ phát sinh dịch bệnh CGC là rất cao, để chủ động phòng ngừa, chúng tôi luôn khuyến cáo các địa phương tuyên truyền sâu rộng đến cơ sở chăn nuôi tuân thủ các biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin triệt để trên đàn gia cầm đảm bảo có miễn dịch đối với bệnh CGC”, ông Đông nói.
Các địa phương có dịch và chưa có dịch cũng đã triển khai những biện pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Trong đó, ngoài các biện pháp bao vây, dập dịch, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thành lập 2 tổ công tác kiểm tra toàn bộ các trang trại chăn nuôi gia cầm trên địa bàn.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng có công điện khẩn về việc tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm A/H5N6. UBND TP.Hải Phòng và Sở NN-PTNT đã chỉ đạo thành lập các chốt kiểm dịch động vật tại các bến phà, bến đò, đầu mối giao thông với các tỉnh lân cận; thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch từ cấp xã để kịp thời phát hiện, xử lý dịch; và đang thực hiện tiêu độc, khử trùng môi trường tại tất cả các xã, phường. Hải Dương cũng đã ra quân thực hiện tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh…
Lê Tân – Lã Nghĩa Hiếu – Phan Hậu
Theo thanhnien.vn
Link nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/10-o-dich-cum-ah5n6-tai-5-tinh-thanh-1182161.html