Nghĩ về sự kỳ thị ở vùng liên quan đến đại dịch Covid-19

Có bao giờ bạn bị kỳ thị ngay chính trên quê nhà mình chưa? Tôi vừa bị trong mùa  đại dịch Covid-19 này đấy!

Nhà thờ chính tòa Đà Nẵng – hay còn gọi là nhà thờ Con Gà đóng cửa không nhận khách tham quan từ dịp Tết đến nay. Cổng sau nhà thờ cũng cửa đóng then cài, hoặc chỉ he hé với tấm bảng nhắc nhở ra vào nhớ đóng cổng ngay để ngăn những bước chân du khách tò mò.

Lực lượng trật trự nhà thờ Chính tòa luôn để mắt theo dõi tất cả các du khách đang đứng trước cổng nhà thờ, vốn mở rộng cửa trong những ngày thánh lễ.

Nên những hôm nhà thờ có lễ, phải mở cửa là lúc lực lượng trật tự của nhà thờ tập trung làm nhiệm vụ khá căng thẳng. Họ luôn phải để mắt phân biệt đâu là người đi lễ và đâu là du khách để có động thái cho phù hợp, nhất là khi hầu như ai cũng đeo khẩu trang, việc “nhận dạng du khách” càng khó. Cũng dễ hiểu vì sao ngay từ khi bước vào tôi đã được những người làm công tác trật tự của nhà thờ dõi theo rất kỹ. Chỉ cần đưa điện thoại, máy ảnh lên chụp là tôi nghiễm nhiên được nhận dạng nhầm là khách nước ngoài, được kiên quyết yêu cầu rời khỏi khuôn viên trong sân nhà thờ ngay lập tức. Sau này tìm hiểu, mới biết đây là cách để sàng lọc khách nước ngoài của những người bảo vệ ở đây, giữa hàng trăm người bịt kín khẩu trang đến nhà thờ. Hễ thấy ai muốn chụp hình nhà thờ là biết ngay du khách, người xứ khác đến. Người dân đi lễ thường xuyên thì không thường làm vậy!

Tôi bị kỳ thị ngay chính trên quê nhà mình, vì bị nhìn nhầm, bị mời ra khỏi nhà thờ mà lại không thấy buồn, trái lại còn thấy vui. Ý thức người dân ở những nơi đông người, đặc biệt có đông du khách, là điều đáng khích lệ.

Trong một diễn biến khác, Hội Thánh Cao Đài Truyền Giáo Đà Nẵng vẫn đóng kín cửa từ Tết đến nay. Bảng thông báo tiếng Việt nay đã được thay bằng thông báo có 4 thứ tiếng Việt, Anh, Hàn, Hoa. Ảnh chụp chiều ngày 12/3/2020.

Trong một ngôi chợ ở Đà Nẵng, một số du khách người Hàn Quốc đã vội kéo khẩu trang xuống khi tiểu thương đang ngồi bán có ý xua tay không bán và muốn đuổi khách. Họ nhất loạt nói bằng tiếng Việt trọ trẹ mới học: Hàn Quốc, Hàn Quốc. Ý khẳng định rằng mình là người Hàn Quốc. Sự lanh trí cho thấy những vị khách nước ngoài này đã quá quen với chuyện bị nhận nhầm quốc tịch xứ có bệnh và họ đã biết thủ thân bằng tiếng địa phương trọ trẹ nghe vừa ngồ ngộ vừa thấm thía tính thời sự. Dạo một vòng các chợ, dễ nhận thấy là các tiểu thương có thể tầm mức hiểu biết về đại dịch Covid-19 – tên chính thức của virus corona chủng mới, có thể  khác nhau, nhưng hầu hết đều có chung một thái độ cảnh giác với du khách nước ngoài, đặc biệt là với các du khách châu Á, những nhóm khách mà tiểu thương ngờ vực rằng đến từ Trung Quốc.

Sự kỳ thị là hành động luôn không được ủng hộ. Trong lúc chờ đợi những diễn tiến mới khả dĩ có lạc quan hơn với đại dịch Covid-19, thì những sự “kỳ thị”, ngờ vực như thế này tạm thời được chấp nhận và thậm chí là khuyến khích? Cẩn thận cái đã, nước xa đâu cứu được lửa gần?!

Sơn Trà

Cùng chuyên mục