Bia An Thái, tấm bia Chăm độc đáo

Bia An Thái là một trong 8 tấm bia Chăm có nguồn gốc Quảng Nam trong bộ sưu tập bia ký Chăm độc đáo của Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại Hà Nội.

Tháp Chiên Đàn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Bi ký Chăm

Theo các nhà nghiên cứu thì Chămpa là quốc gia có hệ thống chữ viết sớm nhất ở Đông Nam Á. Từ thế kỷ 4 – 5 họ đã dùng chữ viết để khắc lên bia đá. Điều này được chứng minh bằng các bi ký có niên đại từ thế kỷ thứ 4 – 5 như bia Võ Cạnh ở Nha Trang hay bia Đông Yên Châu ở Trà Kiệu. Vì vậy hệ thống bi ký Chăm là một trong những nền bi ký cổ nhất Đông Nam Á. Đây “không chỉ là một trong những nguồn tư liệu vô giá đối với việc nghiên cứu lịch sử – văn hóa của vương quốc Chămpa mà còn là những cứ liệu quý để các nhà khoa học tìm hiểu về lịch sử và quá trình du nhập văn hóa Ấn Độ đến các nước Đông Nam Á” (Ngô Văn Doanh, Văn hóa cổ Chămpa, Nxb Văn hóa dân tộc, 2002).

Do người Chăm không có truyền thống viết sử theo biên niên nên mọi hoạt động đều được khắc lại trên bia để nhắc nhở cho đời sau. Ngoài giá trị về mặt tư liệu, các bi ký Chăm còn là những tác phẩm điêu khắc có giá trị lớn về nghệ thuật.

Lâu nay nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng bi ký Chăm được viết bằng chữ Phạn (Sanskrit). Nhưng gần đây nhiều nghiên cứu cho rằng “không có chữ Phạn trên bi ký Chăm cổ” (từ thế kỷ thứ 2 đến trước thế kỷ 17), mà đó là chữ Chăm cổ điển. Đây là loại ký tự phát xuất từ chữ cái Phạn ngữ ở miền Nam Ấn Độ (bộ chữ Devanagari), khi du nhập vào Chămpa, nó được sửa nét và thêm 3 ký tự mới (nja, nda, mba) cho phù hợp với ngôn ngữ quốc gia họ. Sự nhầm lẫn này là do “xét về nét chữ, chữ viết Chămpa cổ điển hầu như giống với chữ Phạn về mặt hình thể, chẳng hạn như: Số 1 (sa), 2 (dua), 3 (klau), 4 (pak). Nếu không phải nhà nghiên cứu về văn bản cổ thì rất khó phân biệt giữa chữ Chăm cổ và chữ Phạn. Mặt khác, theo tiến trình lịch sử, chữ viết Chăm cổ điển có sự thay đổi nét qua các thời kỳ khác nhau”.

Đến năm 1923, các học giả người Pháp đã thống kê có 170 bia ký được tìm thấy. Từ đó đến nay đã phát hiện thêm một số nữa nhưng chưa được công bố một cách cụ thể. Do chiến tranh, thời gian và sự vô cảm của con người, một số tấm bia đã bị bể nát. Đến nay theo thống kê trong số các bia Chăm tìm được thì chỉ có 128 tấm là có thể đọc hiểu được. Về mặt nội dung thì có “92 bia nói về Siva giáo, 5 bia về thần Brahma, 3 bia về thần Visnu, 7 bia về đức Phật và 21 bia không rõ về tính tôn giáo” (Ngô Văn Doanh, Văn hóa cổ Chămpa).

Bia An Thái tại Bảo tàng Quốc gia tại Hà Nội.
Bia An Thái tại Bảo tàng Quốc gia ở Hà Nội.

Quảng Nam – Đà Nẵng là khu vực phát hiện nhiều bi ký Chăm nhất nước, tập trung nhiều nhất tại Mỹ Sơn. Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại Hà Nội là nơi đang sở hữu bộ sưu tập bi ký Chăm đồ sộ và độc đáo nhất nước với 8 tấm bia có nguồn gốc từ Quảng Nam. Đó là: Bia Hóa Quê được dựng năm 831 Saka (năm 909) ở Hóa Quê, Đà Nẵng. Bia Mỹ Sơn I được dựng khoảng năm 846 Saka (năm 918) trước đền Mỹ Sơn A1 ở thánh địa Mỹ Sơn. Bia Mỹ Sơn II được dựng năm 1002 Saka (năm 1080) tại thánh địa Mỹ Sơn. Bia Mỹ Sơn III có niên đại thế kỷ 11, được dựng tại thánh địa Mỹ Sơn. Cột đá có niên đại từ thế kỷ 12, được dựng ở thánh địa Mỹ Sơn. Bia Bàn Lãnh được dựng năm 820 Saka (năm 898), được tìm thấy ở xã Bàn Lãnh, huyện Duy Xuyên. Bia Mỹ Sơn được dựng năm 653 Saka (năm 731) tại thánh địa Mỹ Sơn. Và bia An Thái.

Bia An Thái

Nhà nghiên cứu Chămpa Ngô Văn Doanh, trong tác phẩm Văn hóa cổ Chămpa có 2 lần nhắc đến bia An Thái (ở các trang 257 và 423) nhưng không cho biết thời gian và địa điểm cụ thể phát hiện ra tấm bia, chỉ nói chung chung là “thuộc Quảng Nam”.

Nguyễn Sinh Duy trong tác phẩm Quảng Nam và những vấn đề sử học (Nxb Văn hóa thông tin, năm 2006) cụ thể hơn nhưng vẫn còn băn khoăn: “Ông Huber không cho biết rõ tấm bi ký Chăm ấy xuất xứ từ làng An Thái thuộc tổng An Thái, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam hay tại xã Lạc Thành, tổng An Thái thuộc phủ Điện Bàn, mặc dù ông có chú rõ là không phải An Thái trong tỉnh Bình Định”.

Tra vào các thư tịch cổ có liên quan đến các làng xã của Quảng Nam vào giai đoạn khoảng năm 1911 (khi tấm bia được công bố) là Đồng Khánh Địa dư chí (khoảng 1887 – 1890) và Tạp chí của Hội Đô thành hiếu cổ (Bulletin de Amis du Vieux Huế) khoảng 1916 ta thấy không có làng An Thái mà chỉ có tổng An Thới Thượng thuộc huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn và tổng An Thái thuộc huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình mà thôi. Tuy nhiên khi tra vào Địa bạ Gia Long (soạn năm 1814) ta thấy có xã An Thái là một trong 33 xã thôn của tổng An Thái Trung huyện Lễ Dương. Có nhiều lý do để ta xác nhận nguồn gốc tấm bia là ở tổng An Thái, huyện Lễ Dương (Thăng Bình) vì: Hiện nay tại xã Bình An huyện Thăng Bình tức tổng An Thái huyện Lễ Dương ngày trước vẫn còn địa danh An Thái (là một thôn). Bia hoàn toàn nói về đạo Phật lại có niên đại 902. Đây là thời kỳ của Indrapura (Đồng Dương) từ 875 – 982, thời kỳ mà Phật giáo trở thành quốc giáo của Chămpa. Vị trí An Thái rất gần với Đồng Dương và nhất là với Chiên Đàn, hai di tích Chăm quan trọng.

Nguyễn Sinh Duy cũng cho biết thêm tấm bia này được một người Pháp tên Rougier, làm việc tại Tòa Công sứ Pháp tại Hội An phát hiện, sau đó đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Năm 1911, một nhà nghiên cứu Chăm làm việc tại Trường Viễn Đông Bác cổ ở Hà Nội là Edouard Huber công bố trên kỷ yếu của trường. Có lẽ sau khi công bố, tấm bia được đưa về kho lưu trữ của trường Viễn Đông Bác cổ và vì thế hiện nay được trưng bày tại Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở Hà Nội.

Bia An Thái còn khá nguyên vẹn, cao 1m, rộng độ 0,48m, trên bia có 22 dòng chữ, 13 dòng ở mặt trước và 9 dòng ở mặt sau. Bia cũng có niên đại cụ thể (niên lịch Caka 824 tương đương 902 Dương lịch) và tên người dâng cúng.

Bia An Thái là tấm bia Chăm độc đáo. Vì trong 7 tấm bia Chăm nói về Phật giáo (chiếm tỷ lệ thấp chỉ 0,54%) thì có 4 tấm là dành hoàn toàn để nói về đạo Phật, trong đó lại chỉ duy nhất bia An Thái là nói về Phật giáo Mật Tông (là sản phẩm của sự kết hợp giữa Phật giáo và Ấn Độ giáo. Đây là sự hiện đại hóa đạo Phật để thích ứng với thời đại).

Nói về bia An Thái, Ngô Văn Doanh viết: “Bia An Thái có niên đại năm 902 của một triều thần có tên Sthavira Nagapuspa lại hoàn toàn mang cảm hứng Phật giáo Đại thừa. Mục đích của tấm bia là kỷ niệm việc dựng một tượng (lokanatha) cho tu viện Pramudita Lokesvara. Trong đoạn 3 của tấm bia, Avalokitesvara xuất hiện như một đấng đại từ, đại bi đã cứu vớt tất cả những người phạm tội thoát khỏi đọa đày ở địa ngục để cho Vajrapani giải phóng họ và đưa họ vào con đường của Phật...”.

Lê Thí

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục