Vẻ đẹp bình dị mà như tranh của làng nước mắm di sản

Làng nước mắm Nam Ô nằm ở một vùng đất rất đẹp, khi đến thăm, bạn sẽ cảm nhận được rất nhiều điều thú vị..

Khi Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công bố đưa Nghề làm nước mắm Nam Ô ở Đà Nẵng vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đã khiến không ít người quan tâm lẫn tò mò về làng nghề truyền thống nổi tiếng xứ Quảng này. Khác với nhiều ngôi làng khác nằm sâu trong đất liền, tựa núi, dựa sông, làng nước mắm Nam Ô nằm ngay sát biển, cạnh con đường thiên lý Bắc – Nam xưa kia trước khi vượt đèo Hải Vân ra Huế và mạn phía Bắc. Làng nằm về phía Nam đèo Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), bình yên ngay ngã 3 sông Cu Đê chảy ra biển, ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa trong một phong cảnh đẹp như tranh. Tiếc rằng phong cảnh ấy, bây giờ đã bị mất đẹp đi rất nhiều, mà không phải do cư dân nơi này, do dự án lấy đất mở resort của một tập đoàn.

Dấu hiệu đặc trưng để nhận biết bạn đang lạc vào làng nước mắm Nam Ô, làng chài cổ cuối cùng còn sót lại của Đà Nẵng.
Bạn có thể bắt gặp bất cứ ở đâu trong ngôi làng này, những thùng mắm đang chờ tới lúc chiết lấy nước.
Những thùng mắm, khung cửa sổ đặc trưng của những ngôi nhà được xây dựng từ hơn 40 năm trước, trái mít đầu hè… Nhiều góc của làng trông như tranh tĩnh vật vậy.
Làng Nam Ô còn chứa đựng nhiều di tích văn hóa, lịch sử: dinh Âm hồn, lăng Cá Ông, miếu Bà Liễu Hạnh…
Làng nước mắm Nam Ô có khá nhiều di tích đang chìm dần vào hoang phế.
Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, vạt tường loang lổ, những thùng mắm trước nhà – như một bức tranh đẹp tuy nghèo của làng nước mắm Nam Ô.
Một người phụ nữ đang bắt chí cho các cháu của mình. Chị có một quầy nước nho nhỏ ven đường, bán nước cho du khách ghé làng để thăm biển Rạng Nam Ô.
Làng Nam Ô còn lưu nhiều vết tích của người Chăm từng sống ở đây. Mà cụ thể là những giếng Chăm hình vuông đặc trưng đến nay vẫn sử dụng được.
Cậu bé của làng đi học về,tò mò nhìn bà Lự, một trong những người làm nước mắm cao tuổi nhất làng đang thử độ mắm. Không ai chắc rằng thế hệ mới của làng sẽ tiếp nối nghề cha ông.
Một người đàn bà đang đi mót củi ngay cửa sông Cu Đê. Rác từ biển vào theo từng cơn sóng đánh, từ sông chảy ra biển còn có ra cả rác sử dụng được.
Rú Nam Ô như một khoảnh rừng nguyên sinh thiêng liêng bí ẩn của người làng, cũng là mảng xanh của làng nhô ra sát biển nhất.
Sửa chữa lại thúng chuẩn bị cho chuyến đi biển mới.
Dấu vết còn sót lại thời chiến tranh. Và trong rú Nam Ô này, còn sót lại một số di tích, huyền tích từ thuở mới lập làng. Nơi đây từng có miếu thờ Huyền Trân Công Chúa, sau đó bị hư hại, đổ nát do chiến tranh.
Người dân Nam Ô tần ngần trước thuyền thúng. Có vẻ tương lai nghề truyền thống của làng cũng bấp bênh như chiếc thuyền con này khi ra biển.

 

Chòi lưới ở ngã ba sông Cu Đê đổ ra biển.
Một góc bờ biển làng, nhìn về hướng đèo Hải Vân.
Ghềnh đá Nam Ô, nơi thu hút khách du lịch đến đông nhất của làng nước mắm Nam Ô!
Từ xa, rú cấm Nam Ô đã nổi bật lên ở phần đất nhô ra sát biển nhất của làng, như tấm bình phong che chở cho ngôi làng yên ả hiền hòa hơn 400 năm qua. (Cũng có tài liệu nói làng Nam Ô đã có từ 700 năm trước!)
Cảnh sắc thiên nhiên ở đây đã ban tặng cho làng một bức tranh đẹp đẽ để sống mấy trăm năm qua. Đồng thời vị trí tuyệt đẹp ấy cũng vô tình trở thành mối đe dọa cho sự an cư của làng!
Bãi biển tuyệt đẹp của làng, nơi dự kiến có thể sẽ không còn là của làng nữa vì lý do lấy đất làm resort du lịch!
Hoàng hôn trên sông Thủy Tú, bên cây cầu Nam Ô đầu làng. Trong tương lai xa, có lẽ, nơi đây không còn là view ngắm miễn phí nữa rồi!
Lối vào làng Nam Ô, từ hướng đường Nguyễn Tất Thành. Lối này du khách ít người biết vì vướng hàng rào ngăn đất làm dự án ngay phía đầu làng.

Bài & ảnh: L.M.Hạ

Cùng chuyên mục