Bạn có bị mạng xã hội dắt mũi không?

Trong thế kỷ XXI, internet đóng vai trò quan trọng với chúng ta như vai trò của đường cao tốc ở thế kỷ XX. Nó được ví như siêu cao tốc – một tập hợp vô hạn những con đường vô hình tỏa ra theo mọi hướng, kết nối với nhau, đồng thời mở rộng và biến đổi không ngừng. Siêu cao tốc ấy mở ra cho chúng ta bao nhiêu cơ hội thì cũng tiềm ẩn bên trong từng đó nguy cơ. Giống như một khu rừng cất giữ toàn châu báu nhưng cũng khiến không ít cá nhân lạc trong rừng thẳm. Vậy làm sao để có một cái nhìn bao quát về bức tranh toàn cảnh của thời đại internet? Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa? của Nam Lâm – một cuốn sách không chỉ thấu hiểu người trẻ, nắm bắt tâm lý con người hiện đại mà còn đưa ra những gợi ý để mỗi chúng ta xác định lại bản thân giữa thế giới phẳng đầy biến động này.

Bìa sách Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa?
Bìa sách Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa?

Lớn lên trong thời đại Internet và mạng xã hội bùng nổ, thế hệ Millennials, hay còn gọi là thế hệ Y (những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) được tiếp cận nhiều hơn với với công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội. Họ thụ hưởng những thành tựu, tham gia và tác động mạnh mẽ lên bầu khí quyển ấy. Nhưng song song với những tiện ích mà thế giới mạng mang lại, mỗi người trong chúng ta, đặc biệt là thế hệ Millennials còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề: cảm giác lạc lõng mang tính thời đại; sự thất lạc bản thân khi ranh giới giữa thật và ảo ngày càng mờ đi hay số vụ trầm cảm và tự tử tăng lên, tỉ lệ thuận với sự phổ biến của mạng ảo. Cuộc sống và tâm lý người trẻ cũng bị tác động mạnh bởi các vấn đề mới như: khát khao nổi tiếng, so sánh bản thân với người khác, chuộng ngoại hình… Có thể thấy rằng, dù internet và mạng xã hội có đem đến cảm giác tự do, khiến chúng ta tin mình nắm quyền chủ động thì thực tế chúng ta vẫn bị chi phối bởi chính mạng lưới ấy. Và thế hệ Y, dù là thế hệ phiêu lưu nhất nhưng vẫn cần đến một số bảng chỉ đường.

Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa? không phải là cuốn sách đem đến câu trả lời, rằng ta cần đi đâu hay phải làm gì, ta nên lao vào thử thách hay tìm nơi trú thân yên ổn trong thời đại công nghệ số. Mà nó đưa ra những chỉ dẫn từ sự thông hiểu, giúp định vị bản thân, nhận diện các vấn đề của chính mình khi tham gia các siêu cao tốc của thế kỷ XXI: Những biến động nghề nghiệp khi thế giới mạng lên ngôi; Các định nghĩa mới về đam mê, hạnh phúc và thành công; Các nguy cơ lẫn cơ hội nằm trong phần chìm tảng băng mạng xã hội… Khi có một hình dung nhất định về thế giới của thế kỷ XXI, ta sẽ tái xác định chân dung của chính mình cũng như vị trí mình chọn để tồn tại trong thế giới đó.

Ngoài ra, cuốn sách cũng đề xuất một số kỹ năng thiết yếu để thích nghi và tồn tại trong bầu khí quyển mạng, như tư duy phản biện là kỹ năng sống còn để phân biệt thật giả, khả năng hòa nhập để trở thành một mắt xích trong xã hội liên kết, bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân để bắt lấy thời cơ trong dòng chảy thông tin, hay lựa chọn thái độ trước các tác động của thế giới ảo để sống hạnh phúc.

Viết nên Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa?, Nam Lâm hy vọng cuốn sách của mình có thể giúp mỗi cá nhân hình thành tấm khiên tâm lý vững chắc để tự bảo vệ, làm tiền đề cho việc tiến lên, chinh phục những mục tiêu đời mình, để không trở thành những chú cừu của thời đại công nghệ, quẩn quanh trong các tường rào vô hình nhưng nghĩ mình tự do.

BTV

Cùng chuyên mục