Xem tranh tại triển lãm Lê Thị Lựu – Ấn tượng hoàng hôn

Sáng 23-11, lễ tiếp nhận tranh và khai mạc trưng bày mỹ thuật ‘Lê Thị Lựu – Ấn tượng hoàng hôn’ đã diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Ông Trịnh Xuân Yên - phó giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tiếp nhận tác phẩm từ bà Thụy Khuê - Ảnh: THÁI LỘC
Ông Trịnh Xuân Yên – phó giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tiếp nhận tác phẩm từ bà Thụy Khuê – Ảnh: THÁI LỘC

Đông đảo người yêu tranh và giới chuyên môn đã rất xúc động khi tận mắt chứng kiến các tác phẩm hội họa tuyệt đẹp cũng những hình ảnh, di bút của người danh họa Lê Thị Lựu.

Trong số 29 tác phẩm triển lãm lần này, có 18 tác phẩm tranh lụa, sơn dầu và 2 bản sao chụp tác phẩm do vợ chồng họa sĩ Lê Thị Lựu, Lê Văn Tân trao cho nữ sĩ Thụy Khuê lưu giữ ngày 8-5-1994 tại Pháp để tặng bảo tàng ở VN.

9 tác phẩm còn lại là tranh sơn dầu, trong đó có 8 bức của Lê Thị Lựu và 1 bức của ông Lê Văn Tân thuộc sưu tập tư nhân của vợ chồng bà Thụy Khuê – Lê Tất Luyện. Ngoài ra còn có nhiều hình ảnh tư liệu, bút tích, bản thảo thơ… của họa sĩ Lê Thị Lựu do bà Thuỵ Khuê lưu giữ…

Họa sĩ Lê Thị Lựu
Họa sĩ Lê Thị Lựu

Toàn bộ sưu tập nói trên được sáng tác giai đoạn 1940-1988, khi nữ họa sĩ Lê Thị Lựu sinh sống tại Pháp. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, số tranh nói trên thuộc hàng đẳng cấp, tạo dấu ấn quan trọng cả mặt nghệ thuật lẫn giá trị kinh tế, giá cả của nó rất cao trong thị trường hiện nay.

Nhà phê bình văn học Thụy Khuê chia sẻ: “Sự chia cách về di sản văn hóa, bây giờ đang kèm theo niềm hạnh phúc, bởi bây giờ, không chỉ mình và con cháu mình được nhìn những bức tranh đó, mà nó đã về đây, ở VN mình. Tác phẩm của Lê Thị Lựu đã có Đất Nước ở trong đó; ngày nay Đất Nước trở về với Đất Nước…”

Tại cuộc họp báo ngắn diễn ra trước buổi lễ, bà Thụy Khuê cũng bày tỏ trăn trở rằng tại sao bảo tàng ở VN thiếu vắng nhiều tác phẩm nghệ thuật của các danh họa VN.

Bản thân bà trong hai cuộc phỏng vấn danh họa Lê Phổ tại Pháp, vị danh họa đã đồng ý và lựa chọn 20 tác phẩm tiêu biểu của mình để sẵn sàng hiến tặng cho các bảo tàng VN. Tiếc là không có sự động tĩnh nào từ phía bảo tàng trong nước. Bà nói cho dù danh họa Lê Phổ đã qua đời, nhưng mọi chuyện, nếu bắt tay vào làm thì hoàn toàn còn cơ hội.

Và việc đưa tác phẩm Lê Thị Lựu về lần này, bà nói: “Chúng tôi muốn cải thiện tình trạng trên, để chiếm lại niềm tin đối với các tác giả, nhà sưu tầm, đặc biệt ở nước ngoài. Tôi nghĩ đây là bước khởi đầu; tôi nghĩ rằng các tác phẩm của các danh họa VN phải về với VN”.

Ông Trịnh Xuân Yên – phó giám đốc phụ trách bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, bày tỏ: “Đây là lần đầu chúng tôi tiếp nhận sưu tập tranh lớn có giá trị; chúng tôi sẽ trân trọng và ứng xử một cách tốt nhất, phát huy giá trị tốt nhất, để tạo lòng tin, để tạo điều kiện sưu tầm tranh trở về!”.

Khách tham quan xem triển lãm Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn - Ảnh: THÁI LỘC
Khách tham quan xem triển lãm Lê Thị Lựu – Ấn tượng hoàng hôn – Ảnh: THÁI LỘC

Triển lãm Lê Thị Lựu – Ấn tượng hoàng hôn không chỉ vinh danh một cách xứng đáng nữ họa sĩ tài danh Lê Thị Lựu, thuộc thế hệ đầu của mỹ thuật Việt Nam, mà còn là sự tri ân đối với những người dụng công, kiên trì để đem về vun bồi cho tài sản văn hóa mỹ thuật nước nhà.

Cũng trong ngày 23-11, nhà phê bình Thụy Khuê đã ra mắt sách cùng chủ đề Lê Thị Lựu – Ấn tượng hoàng hôn. Sách viết về cuộc đời, gia đình, sự nghiệp, về quá trình sáng tạo và đặc điểm tác phẩm mỹ thuật của cố danh họa Lê Thị Lựu…

Sách có các bài phỏng vấn lúc sinh thời của Lê Thị Lựu; các nhà chuyên môn, các danh họa cùng thời và người thân nói về bà.

Đặc biệt, sách còn gồm những tác phẩm của Lê Thị Lựu từng sáng tác, bao gồm toàn bộ tác phẩm được đưa về TP.HCM lần này và một số hình ảnh của nữ họa sĩ…

Một số tác phẩm và thủ bút của cố nữ danh họa Lê Thị Lựu do PV chụp lại:

Thái Lộc

Theo Tuổi trẻ

 

Cùng chuyên mục