Xây đảo nhân tạo cứu biển Cửa Đại
Các chuyên gia Hà Lan đề xuất xây đảo nhân tạo ở khu vực biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) vừa để chống sạt lở bờ biển vừa có thể khai thác du lịch
Tại chuyến đi thực tế khảo sát tình hình sạt lở bờ biển Cửa Đại cùng Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà hôm 10/4, bà Cornelia Van Nieuwenhuizen, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan, đề xuất xây dựng các đảo nhân tạo tại vùng biển này.
“Các đảo nhân tạo nếu được đầu tư bài bản, xây dựng hệ sinh thái đa dạng sẽ thu hút du khách. Khi ấy, chúng ta đã có thể tạo nguồn thu nhập từ phát triển du lịch. Chính phủ Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ về mặt nhân lực để các bạn hiện thực hóa ý tưởng này” – bà Cornelia Van Nieuwenhuizen gợi ý.
Đồng quan điểm, ông Dingeman Van Woerden, chuyên gia tư vấn Công ty Royal IHC Hà Lan, cho rằng việc xây dựng đảo nhân tạo là một ý tưởng hay, nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục hồi bãi biển, khôi phục dòng chảy tự nhiên của cát, đặc biệt là bảo vệ lâu dài bờ biển.
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà đánh giá việc lồng ghép giữa xây đảo nhân tạo bên ngoài kè chắn nhằm phát triển du lịch gắn với bảo vệ bờ biển là giải pháp rất táo bạo. Ông tin tưởng với những kinh nghiệm của chính phủ Hà Lan, nhất là các chuyên gia Hà Lan, giải pháp trên sẽ được nghiên cứu kỹ càng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết đây là khu vực bị tác động rất lớn, đặc biệt lại nằm gần Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và Khu Di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An nên việc ứng phó, giải quyết những vấn đề liên quan cần thận trọng. “Bộ TN-MT và các bộ, ngành liên quan sẽ dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề này, trong đó đánh giá nguyên nhân là hết sức quan trọng, kế đến là dòng chảy, bồi tụ cát, năng lượng, động lực của dòng chảy để làm cơ sở đưa ra những quyết định” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tình trạng sạt lở diễn ra khá phức tạp và kéo dài tại bờ biển Hội An nhiều năm qua. Hiện đã có 5/8 resort dọc bờ biển trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Trước tình hình này, Quảng Nam đã thực hiện các giải pháp cục bộ để ứng phó nhưng chỉ tạm thời và việc thực hiện bờ kè cứng bằng bê-tông không đạt được hiệu quả như mong đợi nên cần phải tính toán các phương án tổng thể lâu dài hơn.
Bài và ảnh: Trần Thường
Theo Người Lao Động