Xanh lại những biền dâu

Những biền dâu xanh ngắt chạy ven sông Thu Bồn đoạn qua vùng Gò Nổi (Điện Bàn) đang được vun vén, mang niềm hy vọng và cả sự khát khao về một ngày không xa khôi phục nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa tại địa phương.

Hy vọng nghề ươm tơ dệt lụa Quảng Nam sẽ được hồi sinh với sức sống mới.
Hy vọng nghề ươm tơ dệt lụa Quảng Nam sẽ được hồi sinh với sức sống mới.

Dâu xanh biền bãi

Dẫn chúng tôi ra vùng bãi bồi ven sông thuộc thôn Bến Đền Tây (xã Điện Quang) tham quan diện tích dâu trồng mới, ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang (HTX Điện Quang) chia sẻ, Điện Quang là địa phương có diện tích bãi bồi ven sông lớn; từ bao đời, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa gắn với đời sống của người dân nơi đây. Những năm sau này, gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường tơ lụa trong và ngoài nước làm cho đầu ra của kén, tơ tằm gặp khó khăn, nghề trồng dâu, nuôi tằm dần tàn lụi. Những biền dâu xanh mướt dọc bãi bồi ven sông Thu Bồn ngày ấy đã nhường chỗ cho các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở lại đây, với những tín hiệu khả quan trên thị trường dâu tằm trong nước, giá kén tằm không ngừng tăng khiến cho nhiều hộ quay lại với nghề truyền thống trồng dâu, nuôi tằm. Gần đây, với chủ trương khôi phục, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống trên địa bàn tỉnh, thị xã Điện Bàn đã tích cực vào cuộc, triển khai đề án Khôi phục và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống ở địa phương và chọn xã HTX Điện Quang thực hiện thí điểm.

Để tạo nền tảng phát triển bền vững, HTX Điện Quang đã chủ động liên kết với Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam mở rộng diện tích trồng dâu lên hàng trăm héc ta ở địa phương. Cuối năm 2018, HTX Điện Quang bước đầu triển khai trồng 5ha dâu. Khác với cách trồng trước đây, HTX chủ trương quy hoạch trồng dâu chuyên canh, không trồng xen kẽ các loại cây khác như rau màu, thuốc lá… HTX hỗ trợ làm giếng bơm, kéo điện bơm nước cho các hộ trồng dâu. “Mấy chục năm nay, giờ mới nuôi lại tằm, tuy cực khổ nhưng mà vui. Tạo ra được con kén phải tốn nhiều công sức nhưng bù lại được sống với nghề từ lâu cha ông đã để lại, là vui sướng lắm rồi!” – bà Trần Thị Bảy – một trong số 12 hộ dân thôn Bến Đền Tây tham gia dự án thí điểm khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm tại vùng Gò Nổi chia sẻ.

Mỗi sào đất trồng dâu, hộ tham gia được hỗ trợ tiền giống và 20kg phân hữu cơ. Giống dâu lai GQ2, S7CV được nhập từ Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương. Đây là giống dâu cho năng suất cao (25 – 35 tấn lá/ha), lá to, dày, có thể trồng quanh năm, hệ số nhân giống cao… Bên cạnh đó, những giống tằm lưỡng hệ kén trắng với năng suất 18 – 20 kg/vòng trứng… cũng được thay thế cho những giống kén cũ. Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam cũng đã hỗ trợ nong nia, cam kết bao tiêu sản phẩm kén… Ông Nguyễn Đức Thành cho biết, sản phẩm kén tằm của HTX hiện có giá 120 – 150 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, sự liên kết với Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam không chỉ xây dựng thành công chuỗi giá trị sản xuất mà còn cho thấy triển vọng phục hồi thành công nghề trồng dâu nuôi tằm trong những năm đến.

Những tín hiệu vui

Theo ông Lê Thái Vũ – Tổng Giám đốc Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, những năm gần đây, công ty không ngừng tiếp cận và tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước để trực tiếp xuất khẩu các mặt hàng tơ lụa xứ Quảng. Hiện nay, công ty đã ký kết hợp đồng liên kết với nhiều tập đoàn, hiệp hội tơ lụa trên thế giới, với mong muốn Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu về tơ lụa, phục vụ cho chế biến sâu. Khi đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho tơ lụa, việc tìm đầu ra, thị trường tiêu thụ không phải là quá khó. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, công ty đang liên kết với HTX Điện Quang triển khai thí điểm trồng dâu ở các khu vực bồi bãi ven sông. Trên cơ sở đó, công ty sẽ phối hợp với bà con nông dân mở rộng diện tích đất trồng dâu ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. “Công ty đang xúc tiến thủ tục đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất dâu tằm tơ lụa ở xã Điện Quang, để chủ động trong việc sản xuất trứng giống cung ứng cho các hộ trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn tỉnh” – ông Vũ cho biết.

Mới đây, UBND tỉnh đã trao giấy phép cho Công ty TNHH MTV Dệt Thần Kỳ thuộc Công ty Kraig Biocraft Laboratories (KBL) – chuyên về công nghệ sinh học của Hoa Kỳ triển khai dự án lai tạo giống tằm biến đổi gen Bombyx Mori với giống tằm trong nước để tạo ra sản phẩm công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Theo đó, công ty sẽ đầu tư xây dựng Khu liên hợp dâu tằm tơ tại xã Đại Hiệp (Đại Lộc) với diện tích 50ha và liên kết hợp tác với các địa phương trong tỉnh mở rộng diện tích đất trồng dâu nuôi tằm lên hơn 2.000ha; dự kiến giải quyết việc làm ổn định cho 5.000 nông dân tham gia trồng dâu nuôi tằm phát triển theo chuỗi sản xuất (từ trồng dâu, nuôi tằm, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, tiêu thụ…) trong những năm đến.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm vì thị trường đang có những tín hiệu tốt, nhất là đã có sự tham gia của một số doanh nghiệp cũng như khả năng kết nối với các tập đoàn lớn trên thế giới trong việc đưa sản phẩm xuất khẩu. Chính quyền địa phương sẽ nghiên cứu cơ chế chính sách để mở rộng diện tích đất trồng dâu, tạo mối quan hệ bền chặt hơn giữa doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ tìm kiếm kết nối thị trường trong nước và quốc tế.

Trung Lộ
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục