Nhiều nghệ sĩ (NS) cải lương gần đây đã nỗ lực tìm kiếm thị phần mới nhằm tự cứu lấy nghề trong lúc sàn diễn đìu hiu. Web drama là sản phẩm được họ chọn lựa. Thế nhưng, khác với web drama hài, đặc thù của nghệ thuật cải lương đòi hỏi những tiêu chí khác biệt khi làm ra sản phẩm này.

Thành công bước đầu

Vui Xuân không quạu là sản phẩm thử nghiệm đầu tay của NS Võ Minh Lâm, nhận được gần 800.000 lượt xem với hàng chục ngàn bình luận tích cực từ khán giả. Anh chuẩn bị thực hiện tiếp các sản phẩm khai thác hậu trường NS theo từng tập, có chủ đề, với sự tham gia của các NS: Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Tấn Beo… hứa hẹn sẽ nhận được lượt xem lớn.

Võ Minh Lâm và Thoại Mỹ trong “Vui xuân không quạu” thu hút đông lượng truy cập trên mạng xã hội.

NSƯT Thoại Mỹ cho biết trong mùa phòng chống dịch, nhiều NS đang trống thời gian nên ai nấy có kế hoạch và chiến lược rất rõ, vận dụng thế mạnh của phim web drama học hỏi từ các diễn viên hài, với sự đồng hành của ê-kíp thực hiện giỏi và sự góp mặt của nhiều NS tên tuổi để thực hiện các sản phẩm loại này.

Sự ủng hộ của khán giả đối với Vui Xuân không quạu cho thấy sức hấp dẫn lớn của thể loại web drama mà chúng tôi hướng tới” – NSƯT Thoại Mỹ bày tỏ.

NS Võ Minh Lâm cho rằng: “Đây là thị phần mới nên sản phẩm phải mang đậm màu sắc riêng và nội dung không nhàm chán, khó hiểu vì nghệ thuật cải lương vốn cần chất mùi mẫn nhưng âm nhạc phải đổi mới, bối cảnh đậm chất cổ trang, đặc biệt là mặt dàn dựng kỹ xảo, mới khai thác hết hiệu ứng của phim cải lương chiếu trên mạng xã hội“.

Không khéo sẽ thành “video cải lương”

Theo NSND Trần Minh Ngọc, cần hiểu rõ web drama là hình thức nghệ thuật điện ảnh nhiều tập được phát trên mạng, nổi bật nhất là YouTube.

Chính vì được phát miễn phí, khán giả cải lương có thể theo dõi các sản phẩm web drama một cách thuận tiện, linh hoạt hơn là đến rạp xem. Vì vậy web drama đang là xu hướng mà nhiều NS, nhất là NS hài, một số NS cải lương gần đây chọn lựa. Thế nhưng, chưa tìm được lối đi riêng, khiến cách vận hành còn lúng túng” – NSND Trần Minh Ngọc nhận định.

Trước hết, những sản phẩm làm vào thời điểm này còn hạn chế về kịch bản, kỹ thuật quay dựng, đặc biệt cách làm vẫn như “video cải lương” nhưng nhân ra nhiều tập, do vậy còn khá đơn giản và cứng nhắc. “Huỳnh Lập, Thu Trang, Nam Thư, Trấn Thành, Minh Dự, Hải Triều… khá thành công từ năm 2018 khi đổ bộ thực hiện web drama, biến loại hình này trở thành món ăn tinh thần nổi bật trong năm của làng giải trí. NS cải lương từng bước thăm dò và tìm chìa khóa cho riêng mình, song vẫn chưa thật sự tìm được nét đặc thù” – NS Bình Tinh tâm sự.

Cái khó trước mắt chính là việc thu âm phần nhạc, phần hát và cả phần thoại, nên các dự án web drama: Hoàn Châu cách cách, Sông dài, Duyên cô Thắm, Thân chùm gửi… của các NS Kim Tử Long, Kim Tiểu Long, Bình Tinh, Hoàng Hải, Cao Mỹ Châu… chưa thật sự tạo được tương tác với người xem. “Phần thoại thu trước thì NS cứ phải tập trung lo nhép miệng cho khớp khẩu hình thì làm sao có sự thanh xuân trong cách diễn xuất, chính vì thế vai diễn cứ bị khô cứng” – soạn giả Bạch Mai cho biết.

Phải có bước chuyển

Theo giới chuyên môn, cải lương lên mạng cần có bước chuyển từ “parody” sang “web drama”. NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, phân tích: “Parody đơn giản là phóng tác, mô phỏng lời bài hát, phim, các sô diễn, nói tóm lại là cứ sáng tạo dựa theo chất liệu có sẵn. Nếu NS cải lương muốn thực hiện web drama để khai thác thị phần này thì phải làm thử với sản phẩm parody“.

Trên thực tế, với khán giả cải lương, kho tàng kịch bản văn học đã tạo dấu ấn đậm nét với họ, nói đến vở tuồng nào, sự tích gì đều có trong hàng ngàn kịch bản mà họ đã biết. Theo các nhà chuyên môn, NS cải lương đừng vội đầu tư web drama mà từng bước thử nghiệm với sản phẩm phóng tác, sẽ không bị lệ thuộc vào cách làm video cải lương dài tập vốn đã lỗi thời. NSƯT – đạo diễn Ca Lê Hồng nói: “Phóng tác có lợi thế vì nền tảng vững. Chỉ cần sáng tạo hình thức thể hiện. Đặc biệt, phần thoại phải quay trực tiếp, không thu tiếng trước rồi nhép lời ca, sẽ rất giả tạo, hiệu ứng không tốt cho sản phẩm khi đưa đến công chúng“.

NS Cát Tuyền và Kim Tiểu Long đã tiên phong thực hiện sản phẩm parody cho cải lương với chủ đề Thân chùm gửi dài 5 tập. NSƯT Cẩm Tiên cũng đã thực hiện “parody” với những tích truyện nổi tiếng dựa theo các bài ca cổ của soạn giả Viễn Châu, Trọng Nguyễn, Hoàng Song Việt…

Cứ thử sức và đi tới

Theo NSND Trần Minh Ngọc, cứ thử sức và đi tới, sai thì điều chỉnh, để tự cứu mình trong thời buổi sàn diễn đìu hiu. Họ vốn đam mê mãnh liệt và cách làm của họ đã lan tỏa hơi ấm, truyền cảm hứng và lòng tin đến các đồng nghiệp NS, giúp nhau để mỉm cười giữa những mịt mù của đời sống sàn diễn trong cảnh “chợ chiều”. Đó là điều đáng trân trọng để góp phần nhân rộng hiệu quả giữ gìn nghệ thuật truyền thống bằng hình thức mới.

Bài & ảnh: Thanh Hiệp

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Link nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/web-drama-cai-luong-thi-phan-moi-cua-nghe-si-20200223205212907.htm