Vietnam Airlines tăng phí, giá vé máy bay Tết tiếp tục tăng

Từ ngày 1/1/2020, Vietnam Airlines (VNA) sẽ tăng phí quản trị hệ thống thêm 20.000 – 90.000 đồng/chặng nội địa, áp dụng một mức phí thống nhất là 250.000 đồng/chặng, khiến cho giá vé máy bay các chặng bay tiếp tục tăng trong dịp Tết.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Q.Đ.
Hành khách làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Q.Đ.

Không chỉ tăng phí, giá vé máy bay được các hãng hàng không điều chỉnh liên tục thời gian gần đây.

Càng sát ngày bay, giá vé càng tăng, dù Cục Hàng không VN cho biết lượng chỗ đặt mua trên các đường bay nội địa dịp Tết Canh Tý mới đạt trung bình 40 – 45%.

Nhiều công ty du lịch cho rằng việc điều chỉnh phí, tăng giá vé máy bay của các hãng hàng không sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp do giá tour đã được chốt trước đó.

Vé máy bay “cõng” thêm phí

Nhiều đại lý bán vé máy bay tại TP.HCM cho biết khá bất ngờ khi nhận được thông báo điều chỉnh theo xu hướng tăng giá phụ phí quản trị hệ thống của VNA ngay trong dịp cao điểm Tết. Đại diện một đại lý bán vé máy bay cấp 1 tại TP.HCM cho rằng với việc điều chỉnh mức phí này, giá vé máy bay của VNA sẽ tăng thêm.

Trong khi đó, lãnh đạo một công ty du lịch lớn tại TP.HCM bày tỏ lo lắng khi cho rằng hầu hết các tour tết đã được các công ty bán ra trước đó, giá tour đã chốt nên chính các công ty du lịch phải gánh các khoản phí tăng thêm này. Chỉ riêng công ty này, số lượng đặt tour Tết chặng nội địa lên tới hàng ngàn khách, số tiền chi cho vé máy bay bị đội lên là khá lớn.

Chúng tôi sẽ liên hệ với khách hàng để thỏa thuận lại giá tour, hi vọng khách hàng sẽ chấp nhận khoản phí tăng thêm của hãng bay. Tuy nhiên, khả năng khách hàng chấp nhận trả thêm khoản phí này là rất thấp” – vị này thừa nhận.

Trong ngày 30/12, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều đại lý bán vé máy bay đã tư vấn cho khách hàng chủ động đặt vé trước ngày 1/1/2020, thời điểm tăng phí của VNA, nhằm “né” chi phí nói trên, nhất là với vé máy bay cho đợt nghỉ tết sắp tới.

Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Hà – phó tổng giám đốc VNA – cho biết khoảng 70% số vé đợt 3 cho những ngày cao điểm Tết đã được khách hàng mua hết. Về kế hoạch tăng tải bay đêm, theo ông Hà, chắc chắn hãng này sẽ nghiên cứu tăng thêm nhưng giá vé vẫn không thể giảm so với khung giờ khác.

Hành khách của Vietnam Airlines làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Ảnh: C.TRUNG
Hành khách của Vietnam Airlines làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Ảnh: C.TRUNG

Thêm chuyến, giá vé vẫn tăng

Anh L.T.Viên – chủ đại lý vé máy bay cấp 1 (Q.Tân Bình, TP.HCM) – cho biết mới đây nhất, VNA thông báo tiếp tục mở bán vé tết, đường bay trục Hà Nội – TP.HCM được tăng tải thêm nhiều chuyến bay.

Theo đó, từ ngày 18 đến 23/1 (tức 24 đến 29 tháng Chạp) tăng thêm 60 chuyến bay chặng TP.HCM – Hà Nội, và từ ngày 28 đến 31/1 (tức mùng 4 đến mùng 7 Tết Canh Tý) tăng thêm 52 chuyến bay.

Khảo sát vé máy bay trước Tết áp dụng cho ngày bay từ 17 đến 24/1 (tức 23 đến 30 tháng chạp) chặng TP.HCM – Hà Nội của VNA có mức giá dao dộng 2,5 – 5 triệu đồng/vé, còn Vietjet, Bamboo Airways, Jetstar Pacific giá vé cũng từ 2,5 – 3,9 triệu đồng/vé.

Giá vé chặng về miền Trung dịp Tết như TP.HCM – Quy Nhơn cho hành trình bay ngày 22/1 (tức ngày 28 tháng chạp), vé hạng phổ thông của Vietjet lên tới 1,8 triệu đồng/chiều và của Jetstar Pacific là 1,9 triệu đồng/chiều. Trong khi đó, vé hạng phổ thông của VNA cho ngày bay này đã được bán hết, chỉ còn lại vé hạng thương gia linh hoạt với mức giá khá cao.

Ở chiều ngược lại, khách bay ngày 29/1 (tức mùng 5 tháng giêng), giá vé chặng Hà Nội – TP.HCM của Jetstar Pacific là 2,8 triệu đồng/vé, Vietjet có mức giá khoảng 3,5 triệu đồng/vé. Bamboo Airways cũng có mức giá tương tự. Trong khi đó, trong những ngày cao điểm 22 và 23/1 (tức ngày 28 và 29 tháng Chạp), mức giá thấp nhất của VNA là 3,5 triệu đồng/vé.

Trong khi các đường bay từ phía Nam ra miền Bắc và miền Trung những ngày trước Tết đều có giá khá cao nhưng ở chiều ngược lại, các chuyến bay từ miền Trung, miền Bắc di chuyển vào TP.HCM lại khá rẻ, chỉ gần 1 triệu đồng/chiều.

Đại diện Jetstar Pacific cho hay trong thời điểm trước Tết Nguyên Đán, các chuyến bay từ phía Bắc vào phía Nam đa phần là bay “rỗng”, ít khách, các hãng bay phải chấp nhận bay lệch đầu, tức là bay không khách hoặc ít khách để khai thác chiều khứ hồi, nên giá chiều từ Nam ra Bắc tăng cao là điều khó tránh khỏi.

Cẩn thận với phí “mặc định”

Ngoài giá vé máy bay, một số hãng hàng không tự động điền sẵn vào các mục chi phí như suất ăn, hành lý với giá từ 70.000 – 250.000 đồng hoặc phí bảo hiểm du lịch 59.000 đồng/vé. Nếu không chú ý kỹ, không chủ động bỏ các mục đã chọn sẵn của hãng, hành khách sẽ phải trả thêm chi phí cho vé máy bay.

Nhiều khách hàng cho rằng các hãng hàng không chưa minh bạch những loại phí, trong khi việc đầu tư vào hệ thống quản lý vận hành bán vé máy bay là chuyện đương nhiên doanh nghiệp phải làm.

Không phải lúc nào muốn tăng phí quản trị cũng được mà cần phải có cơ chế rõ ràng để doanh nghiệp không phải thích là tăng phí” – một chuyên gia ngành hàng không đề nghị.

 

Không tăng giá vé xe dịp Tết dương lịch 2020

Sở GTVT TP.HCM đã yêu cầu bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM… có kế hoạch chuẩn bị xe, bến bãi đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại cho hành khách dịp Tết dương lịch.

Dự kiến tổng lượng vé phục vụ khách đi lại tại 2 bến xe này lên tới hơn 560.000 vé, trong đó ở bến xe Miền Đông khoảng 21.000 lượt và bến xe Miền Tây 36.000 – 38.000 lượt.

Theo Sở GTVT, tại khu vực các bến xe tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu xe, hành khách phải chờ đợi lâu. Trong những ngày nghỉ lễ, sở sẽ có phương án phân luồng giao thông từ xa, không để xảy ra ùn tắc, kẹt xe trên địa bàn TP.

Thu Dung

Công Trung

Theo Tuổi Trẻ Online

 

Link nguồn: https://tuoitre.vn/vietnam-airlines-tang-phi-gia-ve-may-bay-tet-tiep-tuc-tang-20191231082120093.htm

Cùng chuyên mục