Việt Nam thành công như Hà Lan, chuyện hoàn toàn có thể

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, nông sản nổi bật và có thể chỉ sau 1 đêm sẽ trở thành ‘Hà Lan thứ 2″. Song, vấn đề cần giải quyết là an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật các mặt hàng rau quả Việt Nam.

Đó là chia sẻ của ông Willem Schoustra, Tham tán Nông nghiệp phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, tại Hội thảo chuyên đề xuất khẩu rau, hoa, quả – những chuyển động mới từ thị trường Á – Âu sáng 24/10.

Theo ông Willem Schoustra, Chính phủ Việt Nam và Hà Lan đã có nhiều hợp tác, thiết lập quan hệ chiến lược. Song, vấn đề cần bàn tới chính là về vấn đề an toàn thực phẩm.

Hà Lan là nước nông nghiệp nhưng là nền nông nghiệp có kỹ thuật tiên tiến. Chúng tôi đang đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu nông sản”. Ông cho biết, trước kia, Hà Lan cũng gặp nhiều thách thức trong nông nghiệp, nhưng quốc gia này luôn cố gắng để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cũng như là có những sáng tạo, đổi mới để giữ vững vị trí của mình trên thị trường quốc tế.

Ông Willem Schoustra mong rằng câu chuyện tương tự cũng sẽ xảy ra với Việt Nam.

Thanh long là một trong những mặt hàng nông sản Việt Nam được các nước ưa chuộng
Thanh long là một trong những mặt hàng nông sản Việt Nam được các nước ưa chuộng.

Ông Willem Schoustra mong rằng câu chuyện tương tự cũng sẽ xảy ra với Việt Nam. Đồng thời khẳng định Hà Lan sẵn sàng hợp tác, chia sẻ những kinh nghiệm về về sản xuất nông nghiệp. Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp, với hiệp định EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu. Song, vị đại sứ này cũng cho rằng, Việt Nam đang gặp những thách thức không nhỏ như vấn đề an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc trừ sâu.

Theo ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), những năm gần đây ngành rau quả của Việt Nam có bước phát triển tích cực, đặc biệt là đưa nông sản ra thị trường thế giới.

Cụ thể, năm 2012, xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 829 triệu USD, đến năm 2018 con số này đã tăng lên 3,6 tỷ USD, vượt qua nhiều mặt hàng khác, kể cả dầu thô.

Cùng với những cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do với EU mang lại, ông Hòa cho rằng song song đó cũng đòi hỏi ngành rau quả nói chung và doanh nghiệp nói riêng cần phải chủ động tìm hướng đi nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Các doanh nghiệp phải từng bước trang bị kiến thức về thị trường, kỹ thuật sản xuất canh tác nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực phẩm.

Bà Lê Thị Mai Anh – Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) nhận định, còn nhiều tiềm năng về thị trường xuất khẩu rau quả trên thế giới mà chúng ta có thể khai thác. Bởi, xuất khẩu rau quả của Việt Nam mới chỉ đạt 3,8 tỷ USD năm 2018, trong khi giá trị toàn thế giới là 240 tỷ USD.

Song, bà Mai Anh cũng cho biết, các nước nhập khẩu đang áp dụng 2 hàng rào phi thuế quan là kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Nếu đáp ứng được điều này thì kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn.

Thực tế, theo bà Mai Anh, năm nay ngay cả Trung Quốc – thị trường vốn trước đây được cho là dễ tính – cũng siết chặt hơn các vấn đề an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc, vùng trồng, bao bì đóng gói,…

Trước họ cũng có những quy định này, nhưng giờ làm quyết liệt hơn rất nhiều”. Nguyên nhân một phần là do sự lớn mạnh của nền kinh tế, tầng lớp trung lưu gia tăng, đòi hỏi cao hơn về chất lượng hàng hóa, bao bì nhãn mác.

Do đó, bà Mai Anh cho rằng, không chỉ với thị trường Trung Quốc mà cả các thị trường khác, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cần phải chú ý đặc biệt đến vấn đề này, phải thay đổi cách làm để thích ứng, tránh tình trạng được mùa mất giá, nông sản ùn ứ, ách tắc ở vùng biên.

Tâm An

Theo vietnamnet.vn

Cùng chuyên mục