Về tính hay cãi của người Quảng Nam

Cãi nhau không phải là đặc sản của người Quảng Nam. Cả thiên hạ đều cãi chứ không riêng chi họ, có điều theo đánh giá của chính thiên hạ – một đánh giá mang màu sắc dân gian – thì người Quảng Nam thích cãi hơn, thích lý sự hơn, thích đến nỗi cãi đã thành một tính trội – tính hay cãi. Lúc đầu chắc là lời nhận xét “Quảng Nam hay cãi” hàm ý chê trách người Quảng Nam lúc nào cũng sẵn sàng gân cổ lên giọng, giống như chê trách người láng giềng Quảng Ngãi của họ qua lời nhận xét “Quảng Ngãi hay co” – cũng là một kiểu cãi nhưng không phải bằng lời. Tuy nhiên theo thời gian, lời nhận xét “Quảng Nam hay cãi” lại thiên về hướng khẳng định tố chất ưa tranh luận, giỏi hùng biện của người Quảng Nam.

Vì sao dân Quảng Nam lại hay cãi, lại thích lý sự, lại ưa tranh luận? Có nhà nghiên cứu khi so sánh người Quảng Nam với người Thuận Hóa đã nhận xét rằng: “Trong guồng quay khắc nghiệt của thương trường, thị dân phố thị (tức người Quảng Nam – BVT) cởi mở hơn (người Thuận Hóa – BVT) với sức năng động, nhạy cảm, khả năng dự báo và xử lý cao. Phải chăng câu ca “Quảng Nam hay cãi…” cũng phần nào phản ánh điều đó – chúng tôi muốn khai thác ở khía cạnh tích cực: tính bộc trực, thẳng thắn, năng động, nhu cầu giải quyết ngay những khúc mắc – phản ứng “cãi” lại lập tức, mà không soát xét, chiêm nghiệm trong một quá trình dài về sau như con người xứ Thuận” (*). Nhận xét vừa nêu gắn liền tính hay cãi của người Quảng Nam với văn hóa thị dân năng động, nhạy cảm, khả năng dự báo và xử lý cao, nghĩa là cũng khẳng định tính duy tân cách mạng trong cái cãi của họ. Tuy nhiên điều đáng nói là qua nhận xét này, cái cãi của người Quảng Nam được hiểu như một cái gì đó còn bốc đồng, chưa thật chín chắn thâm trầm như người Thuận Hóa chỉ cách nhau có một con đèo. Khen/chê như thế là sòng phẳng bởi đôi khi mạnh chỗ nào thì yếu ngay chỗ đó, phản ứng tức thì cãi ngay tức khắc thể hiện sự nhạy cảm năng động đáng khen nhưng đồng thời cũng có khả năng bộc lộ sự vội vã thậm chí bộp chộp đáng chê. Các tác giả Đại Nam nhất thống chí triều Duy Tân từng nêu và lý giải nhược điểm này của người Quảng Nam: “… sĩ phu có khí tiết cứng cỏi bạo nói nhưng vì thổ lực không hậu mà thế nước chảy gấp nên tính người hay nóng nảy ít trầm tĩnh…”.

Cách lý giải dựa vào quan hệ giữa phong thổ địa lý với tính cách con người như trong Đại Nam nhất thống chí có thể có sức thuyết phục nhất định, song dẫu sao đấy chỉ là một trong những cách giải thích mà thôi. Bởi không phải lúc nào, năng động, nhạy cảm cũng đồng hành với vội vã bộp chộp và thực tế cũng đã có không ít người Quảng Nam thành đạt trên lĩnh vực ngoại giao, chứng tỏ người Quảng Nam vẫn có khả năng tự kiềm chế cảm xúc tốt, tức là cãi mà vẫn có được sự điềm tĩnh chính trị cần thiết.

Trong lịch sử, những người Quảng Nam gặp việc khó không tránh né, lâm sự thì quả quyết, đương mưu tính thì trầm hùng – như lời nhận xét của Tiểu La Nguyễn Thành về Trần Quý Cáp – chẳng phải quá hiếm. Nhưng nói chung với người Quảng Nam, điềm tĩnh chính trị là một phẩm chất do rèn luyện mà nên. Nghĩa là, chỉ những người lịch lãm trên chính trường, từng trải trong đấu tranh cách mạng mới có thể trở nên điềm tĩnh chính trị, đúng như lý giải dẫn trên của tập thể tác giả Đại Nam nhất thống chí: “… duy có người nào học vấn uyên thâm mới không bị phong khí ràng buộc”.

Học vấn uyên thâm ở đây không chỉ có nghĩa là thông kim quán cổ, là tích lũy tri thức qua sách vở, học hành mà còn được hiểu theo nghĩa rộng là bản lĩnh chính trị, là sự từng trải, lịch lãm về chính trị, là năng lực ứng xử trước bao nhiêu thử thách chính trị, thậm chí trước bao cơn bão táp chính trị.

Người Quảng Nam nhờ tính hay cãi – hiểu theo nghĩa không chịu ràng buộc bởi áp lực của sức ì trong tư duy – nên thường đi đầu trong các cuộc canh tân đổi mới đất nước mà phong trào Duy tân đất Quảng đầu thế kỷ XX với “bộ ba Quảng Nam” Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng là một minh chứng hùng hồn. Nhờ tính hay cãi, ham tranh luận, không dễ dãi chấp nhận sự bao cấp về tư tưởng hay những tín điều sẵn có hoặc những tư duy quen thuộc song đã lỗi thời mà phần lớn người Quảng Nam thường chịu khó đào sâu suy nghĩ đồng thời biết ăn nói mạch lạc để bộc lộ và bảo vệ chính kiến của mình, đôi khi vô tình trở thành ngòi nổ cho các phản biện mang ý nghĩa xã hội sâu sắc… Còn có thể kể dài dài những gì mà người Quảng Nam thừa hưởng được từ di sản văn hóa “hay cãi” của ông cha xưa.

Tuy nhiên ở đây người Quảng Nam không chỉ có được, nghĩa là họ cũng bị mất khá nhiều bởi cái tính cách “hay cãi” ấy. Trước hết là mất lòng. Trong lúc thiên hạ đang ngồi uốn lưỡi bảy lần hoặc đang tính bài im lặng là vàng, anh lại đứng lên giữa cuộc họp mở miệng nói lời phi lộ “Dân Quảng Nam tôi vốn hay cãi nên xin được trao đổi mấy ý kiến như sau…” thì khéo đến mấy cũng khó mà giữ được hòa khí, mà không làm mất lòng người khác, nhất là làm mất lòng những người thích độc quyền chân lý. Thứ nữa là mất công, vì bơi ngược dòng bao giờ cũng khó hơn bơi xuôi dòng, phải lao tâm khổ tứ tìm lý lẽ lập luận sao cho thật sắc sảo, sao cho thật thuyết phục, sao cho có thể bắt bẻ được người ta mà không để họ bắt bẻ lại mình. Hai cái mất vừa nêu – mất lòng và mất công – người Quảng Nam biết mà không tránh khỏi hoặc không muốn tránh, và đây cũng chính là chỗ mà dẫu không nói ra song thiên hạ vẫn thường cảm thấy thán phục, thậm chí ngưỡng mộ nhiều người hay-cãi-Quảng-Nam. Đó là chưa kể càng mất công bao nhiêu, người hay-cãi-Quảng-Nam càng có thể tránh được căn bệnh nan y mất điềm tĩnh rất dễ mắc phải trong văn hóa tranh luận bấy nhiêu.

Thế nhưng xuất phát từ tính hay cãi của người Quảng Nam còn một cái mất nữa – thường khó nhận ra – là mất khả năng cãi lại chính bản thân mình. Kiểu hàm hồ cãi lấy được cố tình kéo dài cuộc tranh cãi nhằm tranh thắng tranh hơn đa phần cũng do bắt nguồn từ cái mất rất đáng lo ngại và nên sớm khắc phục này. Mình Quảng-Nam-hay-cãi với người khác thì được nhưng hễ ai mà Quảng-Nam-hay-cãi với mình lại lập tức nóng gáy khó chịu, ngay cả khi mình thấy rõ người ta đang có lý còn mình càng lúc càng đuối lý. Phải chi trong trường hợp này người hay-cãi-Quảng-Nam không tự đánh mất khả năng cãi lại chính bản thân mình để dũng cảm chấp nhận mình sai và kịp thời rút lui ý kiến.

Cần thấy khả năng cãi lại chính bản thân mình như vậy là một năng lực hay cãi tuyệt vời mà không phải người Quảng Nam nào cũng dễ dàng đạt được – hoàn toàn khác với thói ba phải thiếu lập trường, thiếu bản lĩnh và thiếu tự tin. Và nếu như lời nhận xét “Quảng Nam hay cãi” từng hàm ý hoặc vẫn đang còn hàm ý chê trách người Quảng Nam lúc nào cũng sẵn sàng gân cổ lên giọng thì đó chẳng qua là do muốn nhắc nhở một số người hay-cãi-Quảng-Nam đã tự đánh mất khả năng cãi lại chính bản thân mình …

BÙI VĂN TIẾNG

Theo Báo Đà Nẵng

(*) Xem bài Duyên Thuận Quảng trên Net Codo – Bưu điện tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Cùng chuyên mục