Về làng chổi đót Trường An

Chúng tôi đến làng nghề chổi đót truyền thống Trường An (xã Đại Quang, Đại Lộc) vào một ngày tất bật nhưng vui vẻ. Từ nghề truyền thống này, nhiều người dân đã có thêm kế mưu sinh, cải thiện thu nhập gia đình.  

Nghề làm chổi đót xã Đại Quang (Đại Lộc) lên gameshow “Quê mình xứ Quảng”. Ảnh: P.T
Nghề làm chổi đót xã Đại Quang (Đại Lộc) lên gameshow “Quê mình xứ Quảng”. Ảnh: P.T

Vợ chồng anh Nguyễn Dưỡng và chị Hồ Thị Hoa ở thôn Trường An đã có hơn 20 năm sản xuất chổi đót, từ loại chổi cán bằng cọng bông đót bện dây mây đến đến các loại chổi cán tre, cán nhựa bện dây ny lon. Bình quân mỗi ngày cơ sở của gia đình anh Dưỡng có 10 – 12 lao động làm việc, sản xuất 300 – 400 cây chổi các loại. Những người tham gia sản xuất chổi đót tại cơ sở của gia đình anh là những hội viên phụ nữ, hội nông dân, thanh thiếu niên lúc rảnh rỗi và cả những người cao tuổi nhưng còn sức khỏe. Hầu hết họ là những người trong thôn xóm.

Bà Trần Thị Bảy (người dân thôn Trường An) năm nay 84 tuổi nhưng vẫn thường xuyên tham gia sản xuất chổi đót tại cơ sở sở của gia đình anh Dưỡng. Công việc của bà cùng 3 cụ bà khác là tước và xếp các sợi bông đót đều nhau trước khi cánh đàn ông hay những chị có sức khỏe dùng dây buộc thành những lọn theo quy cách để bó vào cán chổi. Bà Bảy cho biết: “Tôi tuy tuổi cao nhưng vẫn tự mình đi lại và làm một số việc nhẹ được nên hằng ngày qua cơ sở của chú Dưỡng làm chổi. Công việc cũng vừa sức, vừa làm vừa trò chuyện với các cháu cũng vui. Bình quân mỗi ngày làm tôi được trả công 70 nghìn đồng”.

Chổi đót ở làng nghề Trường An đã trở thành hàng hóa, với nhiều chủng loại sản phẩm như chổi cán mây, chổi cán nhựa, chổi dây cước, chổi hộp… với thị trường tiêu thụ rộng khắp trong tỉnh và các địa phương khác như Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai… Theo chị Hồ Thị Hoa, để sản xuất ổn định thì cần phải đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đót trong và ngoài tỉnh cùng các vật liệu được sản xuất sẵn như cán nhựa, dây nylon. Do nguồn đót ngày càng khan hiếm nên việc khai thác, thu mua đót để ổn định sản xuất, duy trì làng nghề là khâu quan trọng. Bên cạnh việc thu mua nguồn đót ở các địa phương miền núi trong tỉnh, gia đình chị còn đặt hàng mua đót ở Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế và các tỉnh Bắc miền Trung.

Nghề làm chổi đót không khó, lại phù hợp với nhiều lứa tuổi, đối tượng nào cũng có thể làm được, thời gian làm nghề chổi đót chủ yếu ở trong nhà nên có thể tranh thủ bất kỳ lúc nào. Tôi rất vui vì các sản phẩm của cơ sở mình làm ra được bà con và nhiều doanh nghiệp lựa chọn, đặt hàng lâu dài. Sản phẩm chổi đót ở Trường An cũng được giới thiệu tại nhiều hội chợ quảng bá nông lâm sản và hàng tiểu thủ công nghiệp trong và ngoài huyện” – chị Hoa chia sẻ.

Nghề làm chổi đót ở Đại Quang ngày càng phát triển khi Tổ hợp tác chổi đót Trường An được thành lập, với sự hỗ trợ tích cực của các ngành, đoàn thể trong xã. Ông Trần Xuân Văn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Quang cho biết, khi tổ hợp tác chổi đót được thành lập, các hộ tổ chức sản xuất có hướng phát triển tốt, tích cực tìm kiếm thị trường, từng bước nâng cao chất lượng và thẩm mỹ cho sản phẩm.

Khi Tổ hợp tác chổi đót Trường An ra đời, các tổ viên được hỗ trợ vay vốn qua kênh của phụ nữ, nông dân và các ưu đãi khác. Sản phẩm của tổ hợp tác được hỗ trợ quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Điều thú vị là trong gameshow Quê mình xứ Quảng số 3 năm 2019 của Đài Phát thanh – truyền hình Quảng Nam tổ chức tại xã Đại Quang, nghề làm chổi đót ở địa phương được đưa vào phần thi Khéo tay – giỏi nghề với những người chơi cũng chính những người thợ làm chổi đót Trường An” – ông Văn nói.

Lê Phước Lan Nhi

Theo Quảng Nam Online

 

Cùng chuyên mục