Về đâu rác thải Cù Lao?

Từ một địa điểm thơ mộng có thể dừng chân để thưởng lãm Cù Lao Chàm, nhưng Eo Gió trở thành bãi tập kết rác khiến ai ngang qua cũng muốn lướt đi thật nhanh. Rồi một ngày, rác thải cũng trở thành vấn đề nan giải trên xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An.

Bãi rác tại Eo Gió dự tính hoạt động trong khoảng 15 năm (từ năm 2010) nhưng đến nay đã sắp ùn ứ. Bãi rác tại Eo Gió dự tính hoạt động trong khoảng 15 năm (từ năm 2010) nhưng đến nay đã sắp ùn ứ.

1. Chớm chiều, từng chiếc xe máy nối đuôi nhau ì ạch leo lên Eo Gió. Con đường trải nhựa vốn ngoằn ngoèo qua các mỏm đá lại thêm bong tróc, lởm chởm ổ gà khiến những ai lần đầu qua đây thoáng rùng mình. Tựa như cái tên, lên đến nơi gió thổi lồng lộng, mây trắng trời xanh và biển một màu như ngọc. Nhưng tất cả vẻ đẹp đó dường như bị hỏng bởi mùi hôi nồng nặc từ bãi rác lộ thiên xông lên. Chỉ tay về phía hố rác ông Mai Quốc Bảo – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp bộc bạch: “Hố này xây từ năm 2010 vì cũng năm đó không vận chuyển rác thải từ đảo vào bờ nữa. Tính toán lúc xây dựng là có thể sử dụng khoảng 15 năm nhưng tới chừ thì sắp quá tải rồi”. Dân số ở Cù Lao Chàm hiện có khoảng 2.700 người cộng với cũng chừng ngần ấy lượng khách du lịch đặt chân lên đảo mỗi ngày phát thải từ 3,5 đến 5 tấn rác, tính ra cũng đã chiếm khoảng 5% tổng lượng rác của TP.Hội An. Cùng với đà tăng trưởng mạnh của du lịch thành phố, rác thải bắt đầu tràn ngập bởi trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay lượng rác thu gom bình quân đã tăng từ 50 tấn lên khoảng gần 100 tấn/ngày.

Ông Bảo và một số cán bộ trên xã đảo có vẻ lúng túng trước câu hỏi về quy trình xử lý rác thải tại địa phương. Số là bên cạnh bãi rác lộ thiên đã ngập ngụa rác thải, còn có một khu xử lý rác thải bề thế với lò đốt và các phân khu chức năng. Khu xử lý này được kỳ vọng sẽ xử lý các loại rác tái chế và phân hủy được, còn lại thì mới cho ra bãi rác. Nhưng nếu vận hành trơn tru thì bãi rác đã không ùn ứ chỉ sau khoảng 8 năm. Lần theo nền xi măng cũ còn dấu gạch vữa, ông Lê Ngọc Thảo – Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm kể: “Hồi trước, chỗ này là những khu làm phân com-post nhưng chỉ hoạt động được mấy năm, vì không hiệu quả nên người ta đã đập đi rồi”. Không làm phân com-post nữa nên những loại rác nào có thể tiêu hủy được hầu như đem đốt hết. Ngặt nỗi lò đốt lại vận hành bằng… củi. Đốt bằng củi thì nhiệt độ đốt thấp dẫn đến các khí độc, chất thải nguy hại đến môi trường và cộng đồng cứ thế phát tán ra xung quanh. “Ai cũng biết điều này nhưng không tập kết rác ở đây thì để ở đâu bây giờ” – một người dân góp chuyện.

Lò đốt rác trong khu xử lý rác thải “chạy” bằng củi nên phát tán nhiều khí độc ra môi trường.
Lò đốt rác trong khu xử lý rác thải “chạy” bằng củi nên phát tán nhiều khí độc ra môi trường.

Câu chuyện luẩn quẩn vẫn diễn ra mấy năm nay chưa có điểm dừng, chỉ có rác là… ngày một tăng lên. Theo ông Bảo: “Ở đất liền người ta chủ yếu chỉ cần phân rác tại nguồn thành 2 loại chứ ở đây cần phải tính toán thành 3 loại (hữu cơ, có thể tái chế, vô cơ) thì may ra mới kiểm soát tình hình được”. Cũng như nhiều nơi khác, lý do được chỉ ra ở đây nằm ở việc người dân không tích cực phân loại rác tại nguồn trong khi ở chiều ngược lại người dân thì cho rằng lực lượng công nhân vệ sinh quá mỏng và xuê xoa trong phân loại khi rác được chuyển đến khu xử lý. Thế là, giờ đây rác thải ngày qua ngày vẫn tiếp tục “tập kết” lên sát đỉnh Cù Lao và mặc sức phát tán mùi xú uế nhất là vào những ngày mưa gió. Khi cuộc trao đổi vẫn chưa có hồi kết thì một ý kiến trong đoàn người lên tiếng tỏ vẻ ái ngại: “Hay là chúng ta xuống dưới kia rồi bàn chuyện tiếp”.

UBND xã Tân Hiệp thì khuyến khích người dân phân loại rác thải tại nguồn và đưa vào tiêu chí xem xét “gia đình văn hóa” với hy vọng tăng thêm ý thức cộng đồng chung tay xử lý rác thải, nhưng xem ra vẫn chưa/không thể hạn chế được tình trạng ô nhiễm rác thải.

2. Cách không xa Eo Gió là Bãi Ông. Bãi Ông có bờ cát trải dài thoai thoải với hàng dừa đều tít tắp đến tận mỏm núi. Đó là ở mặt trước của bãi, vòng ra phía sau dãy nhà hàng chúng tôi ước chừng theo đường chim bay chỉ hơn 100 mét là một thái cực đối ngược. Phần lớn du khách có lẽ họ chỉ tận hưởng ở bãi tắm và trong các nhà hàng chứ hiếm khi lang thang về phía sau của núi. Nước thải đen ngòm ứ đọng tại các con kênh, vục nước khiến nhiều người ngao ngán. Ông Thảo cho hay: “Ở đây, nước thải từ nhà hàng không chảy trực tiếp ra biển mà theo các khe, rãnh vòng vèo một hồi rồi mới… đổ ra biển”. Nhác trông, hơn chục nhà hàng tại bãi thì cơ sở nào cũng có hệ thống xử lý nước thải. Gọi là hệ thống cho… to nhưng thực chất chỉ là các bể tạm bợ, quy mô hộ gia đình.

Nước thải ứ đọng đen ngòm phía sau Bãi Ông.
Nước thải ứ đọng đen ngòm phía sau Bãi Ông.

Ngoài rác thải thông thường như các nơi khác, ở Cù Lao Chàm còn xuất hiện một loại rác khá lạ lẫm – đó là vỏ ốc. Hàng trăm ký vỏ ốc, vỏ hải sản cứng khác mà du khách và người dân địa phương tiêu thụ, thải loại ra mỗi ngày dần trở thành một “gánh nặng” trên bãi rác lộ thiên bởi nó mất rất nhiều thời gian để phân hủy. Chị Hạnh – nhân viên tại một nhà hàng ở khu vực Bãi Làng kể: “Khách họ thích ăn ốc vú nàng lắm, phần lớn ai ra đây chơi là phải gọi món đặc sản ni ăn cho biết, thành ra vỏ ốc nhiều vô kể”. Chợt nhớ cách đây chưa lâu, tôi từng ngồi ở một nhà hàng khác ngay trung tâm Bãi Làng, bà chủ quán khoe rằng nhờ vào lượng khách ghé thăm quán xá không ngớt mà gia đình bà đã nuôi được 2 người con trai học hành thành tài và còn gom góp được tiền bạc để mua thêm mảnh đất trong đất liền…

3. Hồi đầu tháng, khi cả thế giới diễn ra các hành động vì “Giờ trái đất”, tại Cù Lao Chàm cũng hưởng ứng mạnh mẽ. Sau khi tập kết rác thải thu gom được tại Bãi Xếp, lập tức người dân châm lửa đốt bập bùng. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhác thấy từ xa phải chạy lại để ngăn cản và giải thích: “Phải đào hố chôn thì tốt hơn bởi dù chủ yếu là lá khô thì cũng không nên đốt, khi xử lý rác cái gì hạn chế được thì phải hạn chế chứ đó là thói quen gây tác động xấu tới môi trường”. Cũng lâu rồi, Cù Lao Chàm đã thực hiện việc “Nói không với túi nilon”, người dân trên đảo cũng đã dần quen với việc này nhưng du khách thì chưa hẳn. “Du khách họ mang theo chai nhựa, hoặc túi nilon ra đảo mà nhét trong ba lô, túi xách du lịch thì làm sao kiểm soát cho hết được?” – một thành viên của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm than thở.

Những chuyên gia, cả trong nước và quốc tế đã đề xuất phải làm ngay việc mấu chốt là phân loại rác tại nguồn. Có mô hình vận hành theo hướng hiện đại, tận dụng tái chế lại phần lớn rác thải có thể tái chế mà người dân địa phương vẫn thường bỏ đi lâu nay. Cũng có đề xuất nghiên cứu làm lò nung vôi truyền thống như thế hệ ông cha từng làm để giải quyết vỏ sò, vỏ ốc tràn lan trên đảo. Tựu trung, rác thải nghe đơn giản nhưng đang trở thành câu chuyện cấp thiết trên đảo cần giải quyết ngay bởi để càng lâu thì… càng khó.

Đêm xuống, ở một góc sát cầu tàu đèn mờ leo lắt, ông Thảnh và mấy người đàn ông ngồi uống rượu cách không xa đó là sân khấu chương trình “Đêm cù lao” đang rôm rả điệu bài chòi. Ông Thảnh là dân tản cư thuộc lớp thế hệ sau đặt chân lên đảo nhưng cũng sống ở đây đủ lâu để thẩm thấu những thay đổi của quê xứ này. “Bây giờ bê tông hóa hết rồi chứ chỗ đằng kia hồi trước là rãnh nước chảy rì rầm từ trên núi xuống đẹp lắm” – ông Thảnh ngậm ngùi. Du lịch đã giúp lớp người trung niên trên đảo như ông Thảnh có đời sống khấm khá hơn nhưng cũng đem đến nhiều hệ lụy vì sự thiếu bền vững. Trong thâm tâm, những cư dân bản địa dĩ nhiên mong muốn hòn đảo quê hương mãi hoang sơ, trong lành nhưng có lẽ họ cũng chứa đựng khát khao lớn về một cuộc sống ấm no, trù phú nữa…

 Quốc Tuấn
Theo Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục