Vẽ cảnh sắc phố thị Sài Gòn – Chợ Lớn bằng con mắt quê hương

Vẽ hơn 300 bức tranh và ký họa về cảnh vật, con người Sài Gòn bằng màu nước và bút sắt trong hơn ba năm, sau đó loại ra hơn 100 bức để chọn những bức ưng ý hoặc thể hiện tốt nhất cảnh vật Sài Gòn, họa sĩ Phạm Công Tâm hoàn thành kịp cuốn sách tranh và ký họa Cảnh sắc phố thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước Tết Canh Tý 2020.

Đình Minh Hương.

Cuốn sách có thể là món quà tinh thần cho những ai quan tâm đến chủ đề Sài Gòn, vốn đã thành trào lưu được tìm kiếm mấy năm gần đây, nhưng đối với tác giả, đó là món quà ông tặng riêng cho chính mình, khi chuẩn bị bước vào tuổi 65. Ngần ấy năm, từ khi sinh ra ở Phú Nhuận, cho đến khi tóc đã hoa râm, ông hít thở không khí Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, trải qua bao nhiêu kỷ niệm thời đi học ở Phú Nhuận, Bà Chiểu và khung trời đại học ở trường luật gần hồ Con Rùa.

Phạm Công Tâm từng hạnh phúc khi đoạt giải tranh thiếu nhi năm 1969 của Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa ở Sài Gòn, như là cú hích đưa ông vào con đường hội họa khi không theo đuổi mỹ thuật. Ông tự học cả đời, không có thầy, tự rèn tay nghề và dám sống bằng nghề vẽ cho đến nay.

Cuốn sách Cảnh sắc phố thị Sài Gòn – Chợ Lớn như một chặng nghỉ, không phải trong hội họa, mà để chốt lại đoạn đời dài sống ở thành phố chôn nhau cắt rún của ông, từ thời tuổi nhỏ ôm cặp đi học trường Võ Tánh cạnh “Nhà làng”, tức Hội đồng xã Phú Nhuận (nay là trụ sở bưu điện quận Phú Nhuận), mê xem phim Lý Tiểu Long và phim Mỹ rạp Văn Cầm, trải qua thời trưởng thành học trường luật, vẽ thiệp bán dịp Giáng sinh, vào Chợ Lớn cùng cha mua hàng. Đi nhiều, trải nghiệm nhiều cuộc sống thành phố này trong suốt mấy chục năm nay nhưng khi bắt đầu nghĩ đến việc thực hiện cuốn sách tranh này, ông mới quan sát sâu và chiêm nghiệm những gì đã làm nên vóc dáng và chiều sâu cuộc sống thành phố.

Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, tên những khu đô thị đã hội tụ nên TP.HCM ngày nay. Nhiều công trình hiện đại đã mọc lên ở đây nhưng nhiều di tích của Sài Gòn – Gia Định xưa của hơn ba trăm năm qua đã mất đi. Hồn cốt đất này còn lưu giữ ở một số công trình xưa, nhờ may mắn được xếp vào danh sách di tích lịch sử nên vẫn tồn tại giữa cơn sóng bạo liệt giành giật đất vàng trung tâm thành phố. Những công trình quý giá đó được Phạm Công Tâm thể hiện vào các bức tranh màu nước và ký họa, không chỉ đơn thuần mô tả mà có ít nhiều cảm xúc, gởi gắm tâm sự và góc nhìn riêng. Có khi ở những vệt nắng rực rỡ của một chiều đi ngang chùa Pháp Hoa, ánh nắng xiên ngang của khu xóm nhỏ ở Phú Nhuận, hoặc có khi là những món ăn gần gũi đến quen thuộc nhưng rất đặc trưng. Phạm Công Tâm không vội ghi lại, ông cảm nhận và ngẫm nghĩ trước khi vẽ và có khi nét cọ không theo kịp cảm xúc, không được tỉa tót nhưng là cảm nhận thực.

Đường Nguyễn Huệ.

Nhìn lại cuốn sách tranh đã thực hiện xong, ngoài ít nhiều tự hào vì đã làm được chút gì đó đóng góp cho thành phố quê hương, Phạm Công Tâm nhìn ra những điều mình chưa đạt tới mà ông muốn chia sẻ. Đó là cảm giác thấy mình còn hời hợt trong cảm nhận về cuộc sống vùng đất này, mà ông cũng như nhiều người khác lâu nay chỉ gắn bó một khoảng không gian nhỏ hẹp nơi mình sống, học hành và làm việc, hơn là thấu cảm về một không gian đô thị rộng lớn mà người nghệ sĩ, hay đơn thuần là một người gắn bó với vùng đất này, cần nhận ra. Điều thứ hai, ông biết mình cần hoàn thiện hơn nữa về ngôn ngữ thể hiện qua tranh và ký họa, nếu muốn thực hiện các tác phẩm sắp tới.

Cuốn sách tranh và ký họa Cảnh sắc phố thị Sài Gòn – Chợ Lớn của họa sĩ Phạm Công Tâm có thể không phải là cuốn tranh và ký họa đầu tiên về Sài Gòn – Chợ Lớn, nhưng là cuốn sách tranh – ký họa gây ấn tượng tốt đẹp nơi người đọc vì sự chân thực, cảm xúc. Trong sách có nhiều bức tranh và ký họa đẹp về khu trung tâm và các đường phố, công trình kiến trúc ở Sài Gòn, về một phần cảnh sắc của Gia Định xưa và nhiều cảnh đẹp ở Chợ Lớn, được giới thiệu bằng lời dẫn dung dị như lời tâm tình chia sẻ một tình yêu chân thật với thành phố này. Những điều đó làm nên thành công của cuốn sách tranh, được nhắc nhiều trên các sách báo từ trước và sau Tết 2020, cũng như từ các chia sẻ cá nhân trên mạng xã hội.

Họa sĩ Phạm Công Tâm sinh năm 1956 tại Sài Gòn, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật TP.HCM. Tập sách Cảnh sắc phố thị Sài Gòn – Chợ Lớn do công ty sách Phương Nam và NXB Thế Giới xuất bản tháng 1 năm 2020.

 

Yên Hòa

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục