Vẫn nóng chuyện kiểm duyệt
Tại hội thảo diễn ra ngày 18/6 ở Hà Nội, nhiều đại biểu thừa nhận công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa có tiến bộ vượt bậc so với 5 – 7 năm trước, nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Nghệ sĩ kiệt sức
Góp ý kiến tại hội thảo, TS Ngô Phương Lan – nguyên cục trưởng Cục Điện ảnh, nay là chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam – cho rằng chuyện tạo cơ chế nhiều khi quý hơn cả tài trợ kinh phí.
Chia sẻ sự không vui vì vẫn còn những xung đột lớn giữa các nghệ sĩ sáng tạo và cơ quan nhà nước thời gian qua, bà ví dụ về trường hợp của một bộ phim nhưng không nói tên cụ thể. Nhiều người hiểu bà đang nói đến sự “lận đận” của bộ phim Ròm.
Cũng chuyện “kiểm duyệt” mà vài năm gần đây các nhà quản lý tránh dùng từ này, bà Văn Quý Ngọc Ái – điều hành tổ chức 1648 kilomet – góp ý nên cân nhắc bỏ chuyện thẩm định của cơ quan quản lý với chương trình nghệ thuật, bởi điều này đang khiến cho các nghệ sĩ buộc phải tự kiểm duyệt để bảo toàn những sáng tạo của mình.
“Bạn bè quốc tế rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi phải diễn phúc khảo cho các cơ quan quản lý duyệt trước khi ra mắt công chúng, vì ở nước họ đã xóa bỏ kiểm duyệt trước. Điều này không chỉ khiến nghệ sĩ kiệt sức về thể chất, mà còn góp phần khiến nghệ sĩ tự kiểm duyệt từ khi mới chỉ có ý tưởng” – bà Ngọc Ái nói.
“Cấm cửa” khi “gác cửa”
Chia sẻ với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo từ góc độ nhà quản lý, ông Phan Thanh Hải – giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế – cũng thẳng thắn nêu ra nhiều trở ngại đối với phát triển văn hóa nghệ thuật, mà cụ thể là tôn trọng quyền tự do biểu đạt của văn hóa, quyền tự do sáng tạo của nghệ sĩ.
Ông Hải cho rằng đâu đó vẫn còn nhiều chuyện cơ quan quản lý văn hóa biến mình thành người “gác cửa” mà “cấm cửa” hết các hoạt động họ lo ngại “không an toàn”.
Điều này có nguyên nhân ở cơ chế và con người. Theo ông, trình độ của cán bộ quản lý văn hóa không tốt đưa đến hai lựa chọn cực đoan, gây hại cho phát triển văn hóa: bó chặt, không cho làm gì cả vì sợ có gì sai, hoặc mặc kệ muốn làm gì thì làm.
Về chuyện bỏ kiểm duyệt, ông Hải cho rằng tiến đến một xã hội tự do dân chủ thì mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi hệ thống pháp luật đầy đủ, quy định chi tiết những điều được làm và không được làm, tăng cường hậu kiểm thì nghệ sĩ phải tự chịu trách nhiệm cá nhân, không cần phải tiền kiểm.
Hội thảo tham vấn về rà soát công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa sau 5 năm Việt Nam tham gia Công ước 2005 vẫn tiếp tục nóng câu chuyện kiểm duyệt tác phẩm của nghệ sĩ, và chuyện nhân lực làm quản lý văn hóa.
Văn bản tốt nhưng triển khai có vấn đề Một trong những thách thức của công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, theo ông Bùi Hoài Sơn – viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam – là do “văn bản tốt nhưng triển khai trong thực tế rất có vấn đề. Chúng ta có chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhưng văn bản thì rất hoàn thiện mà việc triển khai không thực sự tốt”. Ông Sơn cho biết Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, hi vọng trong năm nay hoặc sang năm sẽ được thông qua, làm tiền đề giải quyết những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải trong quản lý văn hóa. |
Thiên Điểu
Theo Tuổi Trẻ Online
Link nguồn: https://tuoitre.vn/van-nong-chuyen-kiem-duyet-20200619091720381.htm