Văn hóa xứ Quảng
Vùng văn hóa xứ Quảng được hình thành trong tổng thể vùng văn hóa miền Trung, dựa trên nền tảng văn hóa Sa Huỳnh và nền văn hóa Champa rực rỡ từ xa xưa… Vì thế, khi nói đến giá trị văn hóa Xứ Quảng, không chỉ những người Quảng Nam – Đà Nẵng mà còn bao gồm những con người thuộc các dân tộc sống trên mảnh đất này từ thuở khai hoang, dựng nghiệp cho đến nay đã đồng tâm hiệp lực tạo nên diện mạo đặc trưng của một vùng.
Văn hóa xứ Quảng không chỉ đặc trưng ở văn hóa cư trú người Kinh vùng đồng bằng và các tộc người ở vùng cao, ở các di tích lịch sử – văn hóa như thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, thắng cảnh Hải Vân, Sơn Trà, Tiên Sa, Non Nước, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, kinh đô cổ Trà Kiệu… mà còn thể hiện ở văn hóa ẩm thực, đó là mì quảng, bánh tráng đập dập, bánh ít lá gai, bánh tráng cuốn thịt heo… với những hương vị rất riêng không lẫn với những sản vật của nơi khác.
Đặc trưng văn hóa của miền đất này còn lắng đọng trong lễ hội, trong phong tục tập quán, tâm lý truyền thống; được kết tinh từ lao động sáng tạo, lối suy nghĩ, lối sống và cả cách ứng xử của các tộc người cùng cộng cư trên vùng đất này, qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử.
Lễ hội cũng là nét đặc trưng của văn hóa Đà Nẵng, bao gồm nhiều yếu tố dân tộc, lịch sử, phong tục, tâm lý, tín ngưỡng tôn giáo…mặc dù so với những vùng đất khác thì không gian lễ hội hẹp hơn, thời gian ngắn hơn, song cũng khá đa dạng và phong phú. Có lễ hội dân gian truyền thống như: Lễ hội đình làng, Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ hội Cầu Ngư, Lễ Hội Cầu Bông, Lễ Vía Bà Thiên Hậu, Lễ Cúng Tổ Minh Hải, Lễ Hội Long Chu, Lễ Hội Bà Thu Bồn, Lễ Tế Cá Ông, Lễ Nguyên Tiêu; Lễ hội văn hóa như: Lễ hội thi bắn pháo hoa quốc tế, Lễ hội đêm Rằm phố cổ Hội An, Lễ hội “Quảng Nam – Hành trình Di sản”…
Văn hóa vùng đất này còn là các làn điệu dân ca, hát hò khoan, bài chòi, lý hò vè độc đáo, chân chất đồng hành cùng các câu hát đồng dao, hát bả trạo, hát sắc bùa, các trò diễn dân gian như múa lân, các vũ đạo có đường nét kinh điển của nghệ thuật Tuồng truyền thống mà người xưa gọi là hát Bội. Người dân xứ Quảng cũng rất tự hào vì nơi đây từng được mệnh danh là cái nôi của loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo này.
Văn hóa xứ Quảng còn là sức sống, sức sáng tạo của người dân được thể hiện ở kinh nghiệm, tri thức được tích lũy trong quá trình lao động và đấu tranh bền bỉ với thiên nhiên, với kẻ thù. Tri thức và năng lực sáng tạo đó còn biểu hiện qua hàng ngàn câu ca dao, tục ngữ, hàng trăm sản phẩm độc đáo của làng nghề truyền thống, như đồ mỹ nghệ Non Nước, guốc mộc Xuân Dương, nước mắm Nam Ô, thuốc lá Cẩm Lệ, bánh tráng Túy Loan, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng nghề lồng đèn (TP Hội An), làng đúc đồng Phước Kiều, làng ươm tơ – dệt lụa Mã Châu – Đông Yên (Duy Xuyên)… Tất cả đã nói lên tài hoa và sự khéo léo, tinh xảo của người xứ Quảng.
Bên cạnh những giá trị văn hóa vật chất thì giá trị văn hóa tinh thần ở vùng đất này còn sâu lắng ở truyền thống yêu nước nồng nàn, ở tinh thần tranh đấu kiên cường trong kháng chiến, đó là các danh nhân, chí sĩ còn vang danh muôn đời ở hậu thế như: Thái Phiên, Thoại Ngọc Hầu, Phan Chu Trinh, Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân…
Qua bao biến đổi thăng trầm của đất nước, con người xứ Quảng đã bền tâm, vững trí vượt lên để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần làm nên một diện mạo tươi đẹp đáng tự hào của Quảng Nam – Đà Nẵng như ngày hôm nay.
Có thể nói giá trị đặc trưng của văn hóa xứ Quảng là những nét đặc thù của một vùng văn hóa nằm trong tổng thể của nền văn hóa Việt Nam. Sứ mệnh lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của các bậc tiền bối không chỉ bắt nguồn từ tình cảm mà còn phải được xem là trọng trách của những con người đang sống trên quê hương thân yêu này.
Văn hóa xứ Quảng tuy có những nét đặc trưng riêng, nhưng vẫn nằm trong loại hình văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Nơi đây chứa đựng một nền văn hóa có giá trị vật chất rực sáng và giá trị tinh thần hào hùng.
Thiên Minh
Theo Người Quảng xa quê