Văn hóa làm nên du lịch Hội An

Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An – ông Nguyễn Sự cho rằng chính nền tảng văn hóa đã tạo nên một Hội An thành phố du lịch với những nét rất riêng và đặc biệt. Từ quá khứ, đang ngưỡng hiện tại và cả tương lai, văn hóa sẽ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hành trình phát triển du lịch của Hội An…

Gánh hàng rong phố cổ. Ảnh: Đỗ Vũ
Gánh hàng rong phố cổ. Ảnh: Đỗ Vũ

Từ con số 0 tròn trĩnh

Ông lắc đầu, xua tay trước những ý kiến cho rằng ông là người nghĩ đến làm du lịch cho Hội An. Mà nói rằng trước ông, tức những thế hệ lãnh đạo cũ, đã nghĩ đến việc “áp dụng” du lịch vào Hội An. Nhưng họ cũng mới chỉ nghĩ vì khái niệm “du lịch” còn quá xa lạ, mông lung, trừu tượng và thậm chí là… xa xỉ! Bởi khi ấy, người dân Hội An, điều thường trực trong nỗi lo mỗi ngày là miếng cơm manh áo – họ tất bật sớm chiều với lo toan cuộc sống của mình. “Nhưng có một vấn đề cần lưu ý, là khi nói về du lịch ở Quảng Nam, phải nói đến Hội An, mà nói đến du lịch Hội An là phải nói về văn hóa. Diện tích Hội An chỉ 60km2, rất khiêm tốn so với cả tỉnh; dân số trên 90 nghìn người nhưng một năm đón trên 4 triệu khách du lịch. Đó là con số quá lớn. Hội An đã chọn đi lên bằng du lịch. Nhiều người sống nhờ du lịch. Tất cả đều từ nền tảng văn hóa” – ông Sự chia sẻ.

Ông Sự ngược về quá khứ gần, là từ những năm sau 1975. Bấy giờ là vừa giải phóng, người Hội An chỉ nghĩ đến bụng đủ no, áo đủ mặc, còn cái gọi là “di sản” hay “văn hóa” người Hội An thậm chí còn không nghĩ tới. Mặc dù vậy, thế hệ lãnh đạo và người dân Hội An khi ấy, đều có ý thức giữ các giá trị còn tồn tại trên mảnh đất này qua mấy trăm năm. Người Hội An đã không phá bỏ đình chùa miếu mạo, ngay cả trong thời kỳ có chủ trương xóa đi các đình chùa miếu mạo vì mê tín. Họ để nó tồn tại, dù nó thiếu đi cái sửa soạn, chăm sóc của con người. Sở dĩ họ làm vậy, vì trong tâm thức của người Hội An, đều hiểu rằng đó là gia sản của các thế hệ trước để lại. Nhưng suốt dặm dài thời gian đó, những giá trị văn hóa của Hội An như chìm trong cơn ngủ say. Mãi cho đến năm 1985, khi ông Kazik, một kiến trúc sư người Ba Lan, đã phát hiện được những giá trị đó và mang ra thế giới; và đến năm 1990, một hội thảo quốc tế về Hội An, thì người ta mới nghĩ về việc làm du lịch Hội An từ những giá trị văn hóa này.

Nghĩa là lúc bấy giờ, lớp lãnh đạo này đã nghĩ tới làm du lịch cho Hội An, dù vẫn còn loay hoay” – ông Sự nhớ lại. Khi ấy, ông còn làm ở UBND xã Cẩm Thanh và thị xã Hội An lúc này đã thành lập Trung tâm Bảo tồn dịch vụ và du lịch Hội An. Cho đến năm 1993, Hội An đã có một nghị quyết mà bây giờ nhìn lại, nghị quyết đó như đi vào “lịch sử du lịch Hội An”, đó là nghị quyết về phát triển du lịch Hội An. Khi nghị quyết này ra đời, đã vấp phải nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề nhà nước làm du lịch hay tư nhân. Thêm một chuyện nữa cũng… xôn xao không kém, là Công ty du lịch Hội An do nhà nước quản lý được cho mượn ngân sách 300 triệu đồng để làm 8 phòng khách sạn, là tiền thân của khách sạn Hội An bây giờ. Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau: bệnh viện thiếu giường, trường học thiếu ghế, mà làm chuyện… vớ vẩn. “Họ lo cũng đúng vì du lịch phụ thuộc nước ngoài, lỡ khách không đến thì sao? Và vì khái niệm du lịch lúc bấy giờ còn quá mới mẻ. Thậm chí khi tuyển nhân viên vào làm, người dân họ không cho con họ đi, vì nghĩ làm khách sạn là một cái gì đó không… trong sáng, không sạch sẽ. Tư duy lúc đó là vậy, nên tuyển nhân viên không ra, dù lúc đó họ thất nghiệp vì khó tìm việc làm do thị trường gia công cho Đông Âu sụp đổ” – ông Sự cho biết thêm.

Hội An yên bình. Ảnh Đỗ Vũ
Hội An yên bình. Ảnh Đỗ Vũ

Nói vậy để thấy rằng, người Hội An có gì đó chừng mực, không vồ vập trước cái lạ, trước cái mới, nhưng khi thấy giá trị của nó thì thích ứng khá nhanh nhạy. Nên du lịch Hội An, từ con số 0 vào năm 1993, nay đã chiếm 75% giá trị kinh tế của Hội An; từ 8 phòng nay lên mười mấy nghìn phòng. Và cái hay của du lịch Hội An trong suốt mấy mươi năm hình thành và phát triển, là du lịch Hội An có một sự khác biệt, là không có gì to tát, không cờ đèn kèn trống, không rôm rả, không náo nhiệt; mà bắt đầu từ đây, đi lên từ đây và hiện đi theo hướng đó, đó là văn hóa!

Hồn cốt Hội An

Văn hóa của Hội An, trong nếp nghĩ của ông Nguyễn Sự là rất gần và giản đơn, gồm văn hóa vật thể, là khu phố cổ, đình chùa miếu mạo và văn hóa phi vật thể, là con người Hội An. Chính con người Hội An đã tạo nên hồn cốt Hội An. Họ đã tạo nên các đình chùa miếu mạo, nhà cổ… đó là kiến trúc. Nếu đem nó riêng ra thì sẽ là di tích chết, nhưng chính người Hội An sống ở đó đã thổi hồn vào, để những ngôi nhà, khu phố luôn có hơi ấm, mùi mồ hôi. Và điều đó đã rủ rê du khách đến với Hội An. Cái hay của con người Hội An, nếp sống Hội An, cách ứng xử Hội An…, trải qua một thời gian dài, họ rất là dân dã; không đài các nhưng sang trọng, quý phái trong cái dân dã. Đó là nền tảng làm cho du lịch Hội An phát triển. Người Hội An, trong lịch sử và ngay cả bây giờ, họ biết nương tựa vào thiên nhiên, biết đối thoại với tự nhiên để phát triển. Những ngôi nhà trong phố cổ luôn có sân trời, hay còn gọi là giếng trời. Ta cứ nghĩ là lãng phí, nhưng đó là nơi họ đón gió, đón nắng, đón không khí, và là nơi để họ ra đối thoại với trời, với thiên nhiên.

Nên nhớ, Hội An nằm ở vùng hạ du sông Thu Bồn, gần như năm nào cũng có lụt, nhưng họ không nâng cao nền, không đắp đê. Mùa lũ lên, họ sống với lũ, họ biết sống chung với lũ. Những điều ấy, ít nhiều tạo nên nét đặc điểm riêng của du lịch Hội An. Bây giờ một cánh đồng có thể làm ra tiền bằng du lịch như Làng rau Trà Quế; trâu cày, dòng kênh, dòng sông cũng làm ra tiền; giở chài, giở lưới…, cũng làm ra tiền. Tất nhiên, bên cạnh đó sẽ có những vấn đề cần chấn chỉnh. Nhưng tựu trung lại, đó là đặc điểm lớn nhất, là sự khác biệt lớn nhất của Hội An. “Mà Hội An lạ lắm. Nơi nào ồn ào, náo nhiệt có thể hút khách du lịch. Nhưng Hội An mà chọn điều đó, thì Hội An sẽ chết, du lịch Hội An sẽ chết. Hội An yên tĩnh trong mỗi người, trong mỗi góc phố. Chọn lấy sự yên tĩnh để làm vốn quý mà phát triển” – ông Sự tâm tư.

Ông Sự không thích nói về những con số, dù những con số sẽ khẳng định được sự phát triển. Ông thích nói về những giá trị mà du lịch đã tạo nên cho Hội An, là rất lớn: tạo ra công ăn việc làm, chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu lao động. Và trên hết, du lịch đã góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam nói chung, những giá trị chính bản thân Hội An nói riêng, ra với bạn bè năm châu.

Hội An cổ kính. Ảnh: Đỗ Vũ
Hội An cổ kính. Ảnh: Đỗ Vũ

Người Hội An vươn ra thế giới bằng con đường du lịch. Không phải họ đi du lịch, mà người những nơi khác đến đây du lịch. Họ học những cái hay của Hội An, rồi mang đi khắp thế giới. Ở chiều ngược lại, người Hội An đã tiếp thu có chọn lọc những nét văn hóa đó, để “trau dồi” thêm cho tài sản văn hóa của Hội An. Giúp cho văn hóa Hội An thêm giàu và phong phú hơn. Bởi văn hóa vậy, văn hóa không thể đóng cửa, mà phải mở toang ra, biết chọn lọc lấy, biết tiếp thu vào. Và bằng cách đó, văn hóa Hội An đã vươn ra với thế giới. Ông Sự nói với tôi rằng, ở Hội An, có thể tìm thấy hầu như tất cả các loại tiền của các quốc gia trên toàn thế giới; và cũng ở Hội An, có thể thấy người Hội An nói chuyện với người Mỹ, người Pháp, người Nhật, người Úc, người Trung Quốc, người Châu Phi…, bằng cách mà lâu nay ta vẫn quen gọi là “tiếng bồi” nhưng du khách vẫn hiểu! Đó là vấn đề đáng để suy nghĩ!

Chấp nhận thử thách

Điều tạo nên thành công của Hội An ngày hôm nay, ít nhiều có dấu ấn từ việc ông Nguyễn Sự và những cộng sự của mình dám chấp nhận thử thách để làm mới, tìm kiếm thêm sản phẩm du lịch cho Hội An. Đầu tiên, phải kể đến đêm phố cổ với những ánh đèn lồng lung linh.

Khi ấy là đêm Rằm tháng 10 Âm lịch, ông Sự lang thang trong phố, kêu một số anh em ngồi cà phê. Đang ngồi thì mất điện, trăng rọi xuống sông Hoài, thấy đẹp lung linh. Sau đó, các nhà thắp đèn cầy lên, cảnh càng thêm huyền ảo. Từ đó mới nảy ra ý tưởng mỗi tháng, vào đêm rằm sẽ làm đêm phố cổ. Tắt hết điện, cấm xe máy vào, vận động người dân treo lồng đèn, các ngõ phố treo lồng đèn.

Thế là qua ngày hôm sau, trong cuộc họp, ông Sự chỉ đạo Trung tâm Văn hóa làm. Đêm thử nghiệm trùng thời điểm tổ chức hội thảo về Mỹ Sơn tại Hội An nên báo chí, khách mời kéo đến rất đông. Điều này không lường trước được, chương trình bị bể! Ngay hôm sau bị chửi. “May mà không có sự cố gì đáng tiếc. Anh em hỏi làm tiếp không? Tôi nói vẫn làm, làm thử tiếp ba hay bốn tháng chi đó, không được thì bỏ luôn. Nhưng vừa làm vừa hoàn thiện, đến tháng thứ 5 thì dân rất hưởng ứng, khách rất thích thú. Đêm phố cổ mang lại rất nhiều lợi ích cho dân” – ông Sự khẳng định.

Ông Sự “tự thú” rằng những ý tưởng đó luôn hình thành từ sự bất chợt chứ không có sẵn trong đầu, dù luôn thường trực suy nghĩ làm cách nào để tạo nên một sản phẩm mới, một môi trường du lịch mới để rủ rê du khách. Cái đêm ngồi mất điện, làm nên đêm phố cổ. Và từ đêm phố cổ, nảy ra ý tưởng cấm xe máy vào phố cổ. Việc cấm xe máy cũng như lúc chuẩn bị làm đêm phố cổ, cũng nhận được sự phản ứng. Ông Sự cho rằng dân phản ứng là điều bình thường, nhưng thậm chí có một số lãnh đạo cũng phản ứng. Nhưng phải chấp nhận, vì làm cái mới sẽ không tránh khỏi điều đó.

Ban đầu cấm một tuần một ngày, thí điểm đường Bạch Đằng, được 2 tháng thì cấm toàn bộ khu phố cổ. Hỏi du khách, khách nói thích, hỏi các chủ nhà hàng, buôn bán họ cũng gật đầu nói vậy. Tất nhiên, trong quá trình đó, là phân tích cho dân thấy cái lợi: nếu đi xe máy vào, khách sẽ chạy ngang qua; còn đi bộ, họ sẽ dễ mua đồ hơn, hay ghé quán uống ly nước. Nhưng trước đó, là cả một quá trình vận động. Bởi ban đầu thử nghiệm cấm một tuần một lần, họ la; rồi lên một tuần 2 lần, họ cũng la; cho đến một tuần cấm xe máy 7 ngày, họ vẫn la! Nhưng khi thấy được cái lợi ích của cấm xe máy, họ hồ hởi làm theo. Ông Sự cười: “Bây giờ mà thả cửa cho xe máy vô, là họ la làng liền!” Một việc mà chính quyền Hội An lúc ấy xử lý cũng khá hay, là chuyển đổi ngành nghề cho một số hộ buôn bán âm thanh, ánh sáng…, sang bán vải, hàng lưu niệm,… cho phù hợp với việc cấm xe máy hơn.

Toàn cảnh phố cổ Hội An. Ảnh: Anh Cường MC
Toàn cảnh phố cổ Hội An. Ảnh: Anh Cường MC

Những thách thức…

Trong một cái nhìn tổng thể mà ông Nguyễn Sự cho rằng cần phải nhìn thế tĩnh tâm, khách quan nhất để thấy rằng di sản Hội An đang bị thách thức, mà nếu không có những điều chỉnh hợp lý từ những quyết sách chính xác, thì rất có thể những gì gọi là Hội An sẽ chỉ còn lại trong ký ức! Thực tế, Hội An đang đối mặt với rất nhiều vấn đề.

Với thiên nhiên, biển Cửa Đại đang sạt lở nghiêm trọng. Đó là tài nguyên du lịch của Hội An, nên sự sạt lở đó đe dọa các công trình đời sống của người dân. Nếu kè cứng giữ đất ở bên trong, thì bãi biển mất, tài nguyên du lịch theo đó mà tiêu tan. Phía bên trong, dòng sông Thu Bồn qua Hội An mà quen gọi là sông Hoài đang cạn kiệt, dòng nước thay đổi, lũ lụt chực chờ trên đầu, đe dọa đến sự an toàn của người dân và những ngôi nhà cổ.

Nhìn rộng ra nữa, dễ thấy sự phát triển du lịch thiếu đồng bộ khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được, dẫn đến hàng loạt vấn đề nhức nhối như môi trường ô nhiễm, rác, nước thải, tiếng ồn. Ông Sự cũng chỉ ra rằng, Hội An đang thiếu quy hoạch tổng thể, nên dẫn đến quá trình phát triển không đồng đều, xâm phạm, phá vỡ không gian thành phố. Phát triển quá nhanh, khách quá đông dẫn đến việc điều tiết giao thông không quyết liệt, kẹt xe, nhất là xe lớn; rồi tình trạng buôn bán hàng rong. Buôn thúng bán buôn nên khuyến khích phải hợp vệ sinh, nhưng lấn chiếm vỉa hè thì phải cần giải quyết. Dưới sông, ghe treo lồng đèn nhiều quá, không còn lung linh, không còn mờ ảo và trở nên rối rắm làm mất đi vẻ đẹp của dòng sông Hoài.

Nhưng điều quan trọng hơn, mà ông Sự cho rằng đó là thách thức đáng lo ngại, là văn hóa của Hội An đang đối diện với nguy cơ dễ vỡ vì văn hóa vốn luôn là thứ rất mong manh. Là người trong cuộc, cũng là nhân chứng suốt mấy chục năm qua của sự phát triển du lịch Hội An, ông Sự cho rằng du lịch Hội An cần phải cố giữ những nét văn hóa xưa. Hội An không to lớn, thậm chí là tí hon nếu đứng bên cạnh Đà Nẵng hay Điện Bàn kể từ ngày lên thị xã. Nhưng tí hon này đã tạo nên sự khác biệt. Sự khác biệt đến từ cái vốn có, đó là tài nguyên văn hóa, con người, nếp sống. “Hội An lạ lắm, có những đường phố có thể đứng lề đường bên này mà bắt tay với người đang đứng ở lề đường bên kia” – ông Sự chia sẻ. Nên ông mới bày tỏ rằng cái gì to lớn quá, hoành tráng quá thì đó không phải là Hội An. Hội An đích thực phải là nhẹ nhàng, phải là chừng mực, không nên vồ vập. Cần phải tỉnh táo để nhìn nhận cái nào làm ăn lâu dài được, phải giữ được cái vốn lớn nhất của Hội An, là văn hóa. Nếu không, những nét đẹp bấy lâu đã làm nên thương hiệu du lịch Hội An, sẽ trở thành ký ức!

Xuân Thọ

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

 

Cùng chuyên mục