Valentine và hai đêm diễn đặc biệt của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh

Dịp lễ tình nhân cũng là lúc kỷ niệm 10 năm thành lập, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh sẽ tổ chức hai buổi diễn đặc biệt như một lời tri ân khán giả vào ngày 15 và 16/2/2020 mang tên Hoàng Thái Thanh – một thập kỷ yêu thương.

Buổi biểu diễn sẽ có màn trình diễn đặc biệt của dàn nhạc với những ca khúc đã ghi dấu ấn trong tác phẩm và những trích đoạn nổi tiếng của Hoàng Thái Thanh trong 10 năm qua.

Hãy khóc đi em – Thành Hội đang diễn với Hồng Ánh, một gương mặt kỳ cựu đã gắn bó với sân khấu này suốt 10 năm qua, bất chấp sự biến động về diễn viên ở sân khấu kịch.

Xuất hiện khi sân khấu kịch Sài Gòn đang dần đi vào giai đoạn trầm nhiều hơn thăng, nhưng Hoàng Thái Thanh vẫn kiên trì một phong cách kịch về tình yêu, thân phận, ưa chuộng chuyển thể từ các tác phẩm văn học… một cách trung thành. Điều này khiến Hoàng Thái Thanh khá vất vả trong việc tìm kiếm, duy trì đối tượng khán giả cho mình, nhất là khi sân khấu kịch này bị xáo trộn địa điểm biểu diễn. Từ quận 1 về tạm quận 10, ở một nơi khá xa nhiều tụ điểm giải trí văn hóa! Chuẩn bị tất cả về lại chốn cũ sau một thời gian đi ở tạm thì lại gặp trục trặc giờ chót ngay khi sắp tái khai trương, phải tiếp tục về lại quận 10! Rồi tình hình chung, gu thưởng thức của khán giả đến với kịch ngày một thay đổi, chuộng giải trí, kéo theo sân khấu kịch bình dân hóa và chạy theo những thay đổi của khán giả muốn bở hơi tai.

Cảnh trong vở Vườn nho đắng, với Thành Hội – Ái Như và các nghệ sĩ trẻ đã chấp nhận những khó khăn của nghề để cùng đứng chung sân khấu với họ.

Nhưng Hoàng Thái Thanh vẫn kiên trì đến mức bảo thủ với nơi mà những người cầm trịch đã xem là thánh đường nghệ thuật của mình. Dù để thành một thương hiệu, một dấu triện bảo chứng cho chất lượng nghệ thuật và một sân khấu kịch nghiêm túc vào hàng nhất nhì Sài Gòn này, họ đã phải chịu đựng rất nhiều mệt mỏi về bài toán tài chính. Nhiều đêm diễn chỉ có dăm chục khán giả ngồi xem, có những hôm sân khấu phải hủy vé vì quá ít khán giả dù Hoàng Thái Thanh luôn hạn chế hết mức việc này. Thậm chí nghệ sĩ Thành Hội đã có lần tâm sự, với tiền tỷ đổ vào, mẹ anh nói sao không đi mua nhà cho khỏe mà lại có của để dành. Kể là thế nhưng anh không hề nao núng, nhất là khi có bạn đồng nghiệp cùng chí hướng như mình – nghệ sĩ Ái Như.

Ái Như, Hồng Ánh trong Nửa đời ngơ ngác – một trong những vở diễn lấy nước mắt của khán giả.

Hoàng Thái Thanh được 10 tuổi, nhưng Thành Hội và Ái Như đã cùng đi bên nhau trong nghệ thuật được gần 30 năm kể từ ngày Ái Như dựng vở tốt nghiệp Khúc nhạc lòng của vị mục sư (chuyển thể từ tác phẩm văn học Hoà âm điền dã của Andre Gide với nghệ sĩ Thành Hội thủ vai chính). Từ đó, duyên nghệ thuật của cả hai bắt đầu. Một đôi bạn nghệ thuật bổ sung cho nhau nhũng thế mạnh của mình trong từng vở diễn mà họ lần lượt là đạo diễn, diễn viên của nhau.

Trí Quang với vở Tình yêu trời đánh. Anh cũng là một trong những gương mặt rất gắn bó với sân khấu này.

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh có thể được ví như một mái ấm mà nơi đó, những đứa con tinh thần trong suốt sự nghiệp và những học trò của thầy Thành Hội – cô Ái Như đã ươm mầm cùng tề tựu về để ngày một thăng hoa. Giữa cơn bão game show, phim sitcom, tấu hài, Hoàng Thái Thanh vẫn kiên định cho ra đời những tác phẩm xoay quanh thân phận con người và tình yêu trong cuộc sống, những tác phẩm đầy tính nhân văn.

Nửa đời hương phấn, tuồng cải lương nổi tiếng trước 1975 được Hoàng Thái Thanh chuyển thể lên sân khấu kịch.

Điều đáng quý và khiến khán giả và những người trong nghề trân trọng là họ tự tin dựng một số vở diễn cực kỳ kén khán giả và hầu như chỉ diễn được số suất rất ít ỏi. Như Đêm Thiên Nga – vở kịch một màn chỉ với 2 nhân vật Boris – người nhắc tuồng và Pierre – người nghệ sĩ già do hai nghệ sĩ cầm trịch của Hoàng Thái Thanh thủ vai. Tác phẩm như một tuyên ngôn về sự hoá thân, tình yêu sân khấu và phương châm nghệ thuật của chính Hoàng Thái Thanh. Đêm Thiên Nga chỉ gói gọn câu chuyện trong một đêm tại nhà hát cũ kỹ, đổ nát nay đã là nơi trú ẩn của người nghệ sĩ hết thời không nhà và cũng là nơi lui tới của người bạn nhắc tuồng năm xưa. Vở kịch như một bức màn nhung vén lên cho khán giả hiểu thêm về những góc sâu thẳm trong trái tim một người nghệ sĩ, cảm nhận được sự lao động vật vả và hy sinh to lớn của người nghệ sĩ chỉ với một mong ước duy nhất: làm đẹp cho đời mà không màng đến bản thân.

Qua năm thứ 11, những người cầm trịch ở sân khấu này vẫn không tỏ ra nao núng lối đi đã chọn, dù tình hình sân khấu nói chung vẫn nhuốm màu u ám, lại thêm khó khăn khi bị ảnh hưởng ít nhiều trước đại dịch corona.

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: http://24hsongxanh.vn/valentine-va-hai-dem-dien-dac-biet-cua-san-khau-kich-hoang-thai-thanh/

Cùng chuyên mục