Vài cột mốc về áo dài tân thời

Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 6 đang diễn ra tại TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 17/3/2019, dự kiến thu hút hơn 100.000 lượt người quan tâm. Có thể nói áo dài mà chúng ta thấy ngày hôm nay là kết quả của cách tân, chứ không phải của “bổn cũ soạn lại”. Tuy chưa có một nghiên cứu đầy đủ về việc cách tân này, nhưng kể từ giữa thập niên 1930 – khi áo dài tân thời của Cát Tường xuất hiện – có lẽ cũng đã có vài cột mốc đáng ghi nhớ.

Về nguồn gốc, nhiều ý kiến cho rằng áo dài tân thời ngày nay có thể bắt nguồn từ áo dài 4 vạt thế kỷ 17. Có ý kiến cho rằng nó còn kết hợp với cả áo tứ thân và ngũ thân, xuất hiện từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Cũng có ý kiến nói rằng nó có cóp nhặt, cách tân từ áo dài của các dân tộc ít người như Chăm, Tày…

Áo dài Lemur – Cát Tường

Ngày nay, đa số đã đồng ý với nhau rằng áo dài tân thời mà họa sĩ Lemur – Nguyễn Cát Tường đưa ra là một cột mốc lớn về cách tân. Nhiều nghiên cứu cho thấy ông đã đưa nhiều kỹ thuật và tư duy may mặc của Tây phương vào cổ áo, ống tay, vai, khuy, vạt… Nếu định lượng, phần cách tân này có thể nhiều hơn 30% các giá trị sẵn có của áo dài.

Áo dài Tân thời (từ năm 1934). Áo dài thời kỳ này được khởi xướng bởi họa sĩ Nguyễn Cát Tường (1912-1946)

Áo dài trước 1934 thường là lễ phục ở triều đình và dùng trong các nghi lễ, giảng dạy, cúng bái ở việc làng việc nhà đối với đa số đàn ông. Còn với phụ nữ, áo dài cũng được mặc trong các dịp quan trọng của gia đình, làng xã, vẫn mang tính hệ trọng của nghi lễ, ít phổ biến với việc “mặc chơi mặc đẹp” kiểu thường nhật. Không chỉ về kỹ thuật thiết kế, cắt may, cách tân của Nguyễn Cát Tường còn đưa chiếc áo dài tân thời đến gần phụ nữ hơn đàn ông, gần với đời sống thường nhật và việc làm đẹp của họ.

Sự trỗi dậy của phái mày râu

Trước thập niên 1930, áo dài phổ biến với nam giới hơn phụ nữ, vì gắn với triều đình, lễ nghi này kia. Từ thập niên 1930 đến đầu thế kỷ 21, áo dài gần như đồng nghĩa với phụ nữ. Khoảng những năm 2006-2007, khi thấy doanh nhân Hùng Cửu Long chọn áo dài mặc suốt tuần, nhiều người đã có ý miệt thị. Thế nhưng khoảng 5-7 năm trở lại đây, việc nam giới diện áo dài đã khá phổ biến tại Việt Nam, dường như đang có một sự trỗi dậy.

Nếu áo dài trước Lemur có phom dáng rộng rãi, đôi khi thùng thình, bất tiện sinh hoạt và làm việc, thì áo dài từ thời Le Mur ôm sát đường cong cơ thể, cổ trái tim, có đính nơ, tay phồng và gọn gang hơn. Ban đầu chỉ có giới nghệ sĩ đời mới, giới phòng trà, hát ảo đào và bộ phận nhỏ trí thức Tây học chọn mặc.

Áo dài trưng bày tại Bảo tàng Áo dài ở quận 9, TP.HCM

“Bộ áo của các bạn gái rồi đây phải ra thế nào? Trước hết, nó phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân mình mỗi bạn, sau nữa, nó phải gọn gàng giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật, lịch sự. Nhưng dù thế nào nó cũng phải có cái tính cách riêng của nước nhà mới được” – quan điểm của Le Mur.

Trưng bày áo dài

Không chỉ là tà áo, mà Le Mur còn cách tân mạnh về quần, để phụ nữ thấy đơn giản, thuận tiện hơn khi mặc áo dài, nhất là trong các sinh hoạt, vệ sinh cá nhân. Trên báo Phong hóa số 89, Le Mur viết: “Nói ra sợ không ai tin, điều quan trọng nhất của y phục phụ nữ là chiếc quần!”. Và ông có 3 đề xuất cụ thể: 1) cạp quần buộc xéo một bên, có thể cài khuy bấm; 2) cạp quần mở ở giữa, cài khuy như quần đàn ông; 3) quần ống loa, trên gối thì ôm bắp vế cho đẹp, đi đứng thoải mái.

Áo dài kiểu Le Mur sau 10 năm phổ biến khắp Đông Dương thì thoái trào, nhưng khi ông mất (1912-1946), quan niệm về thẩm mỹ và sự thuận tiện này đã trở thành triết lý của trang phục tân thời cho người Việt, trong đó có áo dài. Khoảng 4 thập niên (từ 1950 đến 1990), áo dài đã xuất hiện trong nhiều sinh hoạt đời thường, đi chợ, đi làm, đi học…, của nhiều phụ nữ Việt.

Cách tân cổ áo và hơn thế nữa

Từ nền tảng căn bản của Lemur – Nguyễn Cát Tường, áo dài tân thời cách tân thêm cổ cao (từ năm 1950) và chít eo, ôm sát ngực (do áo ngực phổ biến (từ giữa thập niên 1950). Những năm 1960 tại Sài Gòn, nhà may Dung ở Đakao áp dụng kiểu ráp tay áo mới (raglan), hạn chế được nếp nhăn ở hai bên nách.

Áo dài cổ thuyền (từ năm 1958), còn được gọi là áo dài Trần Lệ Xuân, nhưng thực tế, người sáng tạo đầu tiên là Thái Thúc Nha. Ở thập niên 1960, ông nhận được chỉ thị làm một buổi diễn thời trang ở đường Đồng Khởi. Người mặc đầu tiên này nữ tài tử Kiều Trinh. Dáng dấp áo dài khoe được phần cổ áo của phụ nữ. Phần eo được chít thon gọn

Cuối thập niên 1950, nhà thiết kế Thái Thúc Nha ở Sài Gòn đã nghĩ ra áo dài cổ thuyền, từng làm một cuộc trình diễn về kiểu áo này ở đường Tự Do. Những người phụ nữ đầu tiên mặc áo này có Trần Lệ Xuân, minh tinh Kiều Trinh và nhiều nghệ sĩ khác. Nhưng do vai vế xã hội và tầm ảnh hưởng, dân gian hay gọi áo này là áo dài Trần Lệ Xuân, hoặc áo dài bà Nhu. Trong lịch sử, bà Nhu là một nhà nữ quyền năng nổ và có quyền lực, nên nhiều quan điểm cấp tiến của bà về phụ nữ, trong đó có áo dài cổ thuyền, đã được ứng dụng rộng rãi vào đời sống, công sở.

Từ cuối thập niên 1960 cho đến cuối 1980 tại Sài Gòn và TP.HCM, áo dài hippy, áo dài midi khá phổ biến. Vạt áo hẹp, ngắn đến đầu gối, eo rộng, kết hợp quần ống loe rộng là hình ảnh thường thấy.

Nữ sinh đồng phục áo dài trắng

Từ đầu những năm 1990 tại TP.HCM, nữ sinh mặc áo dài đến trường suốt tuần. Điều này nhanh chóng lan rộng ra toàn quốc, tạo nên một hiệu ứng đời sống và hình ảnh mới cho áo dài. Những công sở lớn như Vietnam Airlines, Saigontoutist… đưa áo dài vào bộ phận tiếp tân, đối ngoại làm cho sức sống của tà áo cũng thay đổi.

Từ khi Mỹ xóa bỏ cấm vận kinh tế (1994), Việt Nam xuất hiện nhiều nhà thiết kế và các cuộc trình diễn bộ sưu tập áo dài, mà Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Võ Việt Chung… là đi đầu.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục