Ứng xử với làng

Gần 3 năm làm du lịch, mỗi ngày Triêm Tây lại nhộn nhịp khách tham quan, dù vậy ẩn sau đó là những bất an, hoài nghi, lo lắng về bao nguy cơ mà Triêm Tây đang đối diện…

Triêm Tây từng được xem là một trong số ít những ngôi làng bình yên và xinh đẹp của Quảng Nam.
Triêm Tây từng được xem là một trong số ít những ngôi làng bình yên và xinh đẹp của Quảng Nam.

1. Tôi thổ lộ một nhận xét với ông Võ Đăng Sự – Trưởng thôn Triêm Tây (xã Điện Phương, Điện Bàn): “Triêm Tây phát triển nhanh quá, ngày càng xuất hiện nhiều nhà cao tầng”. Thay vì phấn khởi, ông Sự tỏ ra lo lắng: “Mình làm du lịch cộng đồng mà không còn làng quê sinh thái thì vui nỗi chi. Với đà này, chẳng bao lâu nữa Triêm Tây sẽ bị đô thị hóa hết”.

Ông Sự nhẩm tính, chỉ năm ngoài đến nay khoảng 10 ngôi nhà cao tầng đã mọc lên tại làng. Cùng với đó, nhiều hàng chè tàu cũng bị mất theo, thay thế bằng những tường rào bê tông thô cứng. Ông Sự khẳng định, nguyên nhân chủ yếu do người dân “trúng” đất kể từ khi làng làm du lịch.

“Ngày xưa bà con khổ cực, nhà dột, lụt lội, mình vận động họ bám làng, giữ đất, nhưng bây giờ thì ai cũng khá giả, chỉ cần bán vài miếng đất là nắm chục tỷ đồng trong tay. Có tiền phải làm lại nhà mới, phải xây tường rào bê tông vững chãi để trộm cắp không vào. Nói chung, dân không cần biết du lịch cộng đồng, sinh thái chi nữa, bây giờ có tiền thì làm theo ý mình đã” – ông Sự nói.

Tôi đi quanh làng trên những con đường có cái tên đậm chất thôn quê: đường Chè Tàu, đường Cây Thị. Ven đường, thỉnh thoảng lại bắt gặp những ngôi nhà một tầng, hai tầng mới xây ngạo nghễ vươn cao như minh chứng cho thành quả nhờ du lịch và sự khá giả của gia chủ. Tựa giấc mơ, một sáng thức dậy không ít hộ ở Triêm Tây có tiền tỷ nhờ đất. Từng xảy ra chuyện một vài hộ dân sẵn sàng đập căn nhà mới xây để bán đất, vì ngôi nhà ba gian quá rộng hoặc nằm án giữa lô đất. Rồi chuyện bụi tre, bao năm không ai quan tâm, nhưng thời đất đai lên giá, để bụi tre chẳng lợi lộc gì, lại chiếm diện tích lớn nên phá đi để lấy đất bán.

Ông Nguyễn Yên – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Triêm Tây cũng không giấu âu lo khi nhắc đến chuyện “bê tông hóa” làng. “Bây giờ phải gọi là phố Triêm Tây chứ không còn làng du lịch cộng đồng nữa. Dân họ xây dựng nhà cao tầng, tường rào cứng hết rồi” – ông Yên nói, dù năm 2017 ông là một trong những người đầu tiên góp phần vào quá trình bê tông đó bằng ngôi nhà 2 tầng đồ sộ sát đường.

Lang thang quanh làng, tôi ghé nhà bà Lê Thị Than, từ lúc có du lịch, bà dựng căn nhà nổi dưới dòng lạch Quế đón khách nghỉ ngơi ăn uống. Hơn 4 giờ chiều nhưng bà vẫn còn tất bật phục vụ khách. “Hồi đó cây cối nhiều, làng quê rợp mát nhưng bây giờ dân đốn cây, chia lô bán lấy tiền xây dựng nhà to, làm sao cấm được. Họ nói hồi mô chừ cực khổ rồi, bây giờ có tiền phải xây nhà lầu để ở cho sướng, chứ chịu kham khổ miết răng. Xây nhà to thì ai không muốn, nhưng mà lo, không khéo mất làng Triêm Tây” – bà Than thổ lộ. Nỗi lo của bà không phải quá xa, bởi khi Triêm Tây thành phố ngột ngạt, vắng du lịch, những người dân như bà cũng khó thể bán buôn, kinh doanh như bây giờ.

2. Từ Triêm Tây nhìn sang làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP.Hội An) chỉ cách một khoảng sông, nhưng lúc nào cũng nườm nượp khách du lịch. Để làng gốm Thanh Hà có được thành tựu như hôm nay, ít ai biết đó là một quá trình dài miệt mài vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương và các bên liên quan nhằm thuyết phục người dân giữ làng.

Ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm VHTT & Truyền thanh truyền hình Hội An nhớ lại, năm 2001 khi trung tâm tiếp nhận làng gốm Thanh Hà để làm du lịch, thời gian đầu mỗi tháng đơn vị trích tiền vé tham quan cho mỗi hộ dân tham gia khoảng 230 nghìn đồng; không nhiều, nhưng ai cũng vui mừng, bởi bao năm nay cuộc sống bà con khổ cực, nên khi chính quyền tuyên truyền, vận động dân giữ làng hầu hết đều đồng tình hưởng ứng vì họ thấy được cái lợi của du lịch mang lại.

Ngày càng xuất hiện nhiều ngôi nhà bê tông cao tầng trong làng Triêm Tây.
Ngày càng xuất hiện nhiều ngôi nhà bê tông cao tầng trong làng Triêm Tây.

Từ đó đến nay, tiền từ du lịch làng gốm Thanh Hà không ngừng gia tăng, riêng năm 2018 doanh thu bán vé đạt hơn 19 tỷ đồng, dự kiến năm nay là 22 tỷ đồng. Thu nhập bình quân mỗi hộ làm gốm trong làng khoảng 9 triệu đồng/tháng. “Một vài hộ dân trong làng lúc đó cũng đã xây nhà bê tông, kiên cố cổng ngõ. Trước tình trạng này trung tâm cùng với phường bám sát vận động người dân không nên xây thêm nhà cao tầng, đồng thời khuyến khích bà con nên sơn màu vàng cho ngôi nhà của mình; tham mưu thành phố tạm ngưng cấp giấy phép xây dựng các công trình cao tầng trong làng” – ông Phùng kể.

Đến nay làng gốm Thanh Hà được giữ gần như nguyên vẹn, trở thành điểm tham quan không thể thiếu của khách khi du lịch tới Hội An. “Tất nhiên, không thể so sánh Triêm Tây với làng gốm Thanh Hà, do đây là làng nghề truyền thống, nhưng tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất phải là sự sâu sát, kiên trì trong tuyên truyền, vận động để người dân hiểu giá trị của ngôi làng. Chính các yếu tố văn hóa phi vật thể, môi trường cảnh quan, không gian sinh thái mới nâng giá trị điểm đến và phát triển bền vững chứ không phải những nhà cao tầng tiện nghi” – ông Phùng chia sẻ.

Nói về sự sâu sát của chính quyền, tôi chợt nhớ năm 2015 khi dự án Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây phát động cuộc thi “Hàng rào xanh”, theo đó mỗi hộ dân tham gia trồng hàng rào chè tàu sẽ được dự án hỗ trợ 1,5 triệu đồng (trồng 30m hàng rào trở lên) và 1 triệu đồng (dưới 30m). Kết quả, sau hơn 3 năm kể từ lễ trao giải, không ít hàng chè tàu đã bị xóa bỏ hoặc tàn lụi xơ xác.

Mang chuyện Triêm Tây nói với ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, ông quả quyết: “Làng du lịch đã được khánh thành bàn giao cho Trung tâm VHTT & Truyền thanh truyền hình Điện Bàn và địa phương quản lý. Bây giờ không thiếu gì hết, từ quy chế đến quy hoạch, quản lý quy hoạch, quy định tường rào, tầm cao bao nhiêu… đều có cả, chỉ còn việc xã quản lý như thế nào thôi”.

Ông Lê Đức Thu – Chủ tịch UBND xã Điện Phương thừa nhận, hiện xã mới làm việc với dân chứ chưa thể triển khai quy chế quy định cụ thể nào. “Việc xây nhà trong làng phải có giấy phép, điều này xã đã họp công bố toàn dân biết rồi, nhưng cũng khó, bởi Triêm Tây là vùng trũng thấp lụt lội, người dân khi có tiền ai cũng muốn làm nhà cao tầng cho yên tâm, nên mình chỉ nhắc nhở thôi. Tất nhiên, lo chứ, nhất là mai mốt đây khi tỉnh xây cầu vượt sông từ phía Cẩm Hà qua Triêm Tây đến Cẩm Kim đi Duy Phước, lúc đó, không chừng Triêm Tây sẽ thành đô thị. Còn bây giờ cũng chỉ vận động, tuyên truyền là chính, mà cũng đâu có mấy cái nhà làm mới đâu mà đề xuất thị xã tạm ngưng cấp giấy phép xây dựng” – ông Thu nói.

Tôi rời Triêm Tây, dù trời đã xế chiều nhưng không khí vẫn khá oi bức, những đống rác chưa thu gom nằm bên đường bắt đầu bốc mùi. Tôi chợt nhớ lời ông Võ Đăng Sự: “Làm du lịch cộng đồng phải là toàn dân, toàn làng cùng hiểu, đồng tâm hợp lực, kể cả chính quyền cũng phải xắn tay áo lên đôn đốc, quan tâm theo dõi, chứ không thể phó mặc cho một vài người hay một hợp tác xã vài chục thành viên được. Bây giờ nếu không quản lý chặt việc xây dựng, Triêm Tây sẽ bê tông hết, lúc đó thì chẳng còn làng sinh thái, cộng đồng gì cả đâu”.

Khánh Linh
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục